|
Toàn cảnh tọa đàm. (Ảnh: BNEWS/TTXVN)
|
Ngày 6/8, tại Hà Nội, Tạp chí Đầu tư Tài chính – VietnamFinance tổ chức buổi tọa đàm “Triển vọng phát triển Tài chính xanh” và ra mắt Đặc san Toàn cảnh Đầu tư Tài chính 2024.
Trong bối cảnh biến đổi khí hậu ngày càng phức tạp và ảnh hưởng nặng nề đến mọi mặt của đời sống xã hội, việc hướng tới một nền kinh tế xanh và bền vững đã trở thành mục tiêu hàng đầu của nhiều quốc gia trên thế giới; trong đó, việc thúc đẩy tài chính xanh rất quan trọng nhằm điều hướng nguồn lực tài chính vào các dự án thân thiện với môi trường.
Mặc dù tài chính xanh là một khái niệm tương đối mới ở Việt Nam nhưng đã nhanh chóng nhận được sự quan tâm từ cả khu vực công và tư. Thông qua các chiến lược tài chính xanh, nền kinh tế Việt Nam đang chuyển mình để hướng tới một tương lai phát triển bền vững.
Theo ông Hoàng Anh Minh, Phó chủ tịch Hiệp hội Tư vấn Tài chính Việt Nam (VFCA), Tổng biên tập Tạp chí Đầu tư Tài chính - VietnamFinance, trên thế giới, tài chính xanh không còn là một khái niệm xa lạ mà đã trở thành một công cụ quan trọng để thúc đẩy phát triển bền vững. Nhiều quốc gia đã và đang triển khai mạnh mẽ các chính sách, cơ chế để khuyến khích tài chính xanh, từ đó tạo ra những thay đổi tích cực về kinh tế, môi trường và xã hội.
Tại Việt Nam, Chính phủ đã nhận thức rõ tầm quan trọng của tài chính xanh và đã ban hành nhiều chính sách nhằm thúc đẩy lĩnh vực này. Tuy nhiên, thị trường tài chính xanh Việt Nam vẫn mới ở giai đoạn đầu phát triển và còn nhiều rào cản phía trước.
Do đó, rất cần nhìn nhận một cách toàn diện về thực trạng phát triển tài chính xanh, từ đó đưa ra những giải pháp cụ thể và khả thi nhằm thúc đẩy lĩnh vực này phát triển mạnh mẽ hơn nữa.
Phát biểu tại toạ đàm, TS. Võ Trí Thành khẳng định chuyển đổi xanh là xu thế tất yếu, là mệnh lệnh chính trị không thể chối từ. Phát triển xanh không chỉ là cam kết chính trị mạnh mẽ của cả quốc gia, mà là mệnh lệnh từ chính thị trường, người tiêu dùng yêu cầu xanh hơn, an toàn hơn; từ chính yêu cầu của các nước phát triển; từ tài chính, không xanh không cho vay.
“80% lượng vốn tài chính đòi hỏi ESG (Môi trường - Xã hội - Quản trị) mới cấp vốn. Mệnh lệnh này là rất cấp bách. Với doanh nghiệp, không chỉ là tồn tại hay không tồn tại, mà còn nắm bắt được nhiều cơ hội mới khi phát triển xanh”, ông Thành nói.
Ông Thành nhấn mạnh tài chính xanh là cuộc cách mạng về thể chế, công nghệ với nhiều điểm mới như tiêu chí, tiêu chuẩn xanh, nguồn gốc xuất xứ xanh…
Về các thách thức trong thực hiện tài chính xanh, ông Thành khẳng định, có nhiều thách thức mà các doanh nghiệp Việt Nam phải đối mặt là chi phí chuyển đổi, áp lực từ thị trường và câu chuyện thể chế.
Việc đưa vấn đề “xanh” vào thị trường không đơn giản. Với vấn đề của thể chế, chuyển đổi xanh là quá trình đầy thách thức, đòi hỏi thay đổi từ tư duy, nhận thức, thay đổi thể chế, ban hành khung pháp lý, chính sách, đào tạo thay đổi trong hành động, đòi hỏi sự tham gia của cả các tổ chức, người dân và doanh nghiệp.
Như vậy, không chỉ doanh nghiệp hay nhà nước muốn là làm được mà cần có sự nỗ lực từ cả Chính phủ và các tổ chức, người dân và doanh nghiệp. Tóm lại đây là một sự chuyển đổi từ “dưới lên” và từ “trên xuống”.
Về phía các doanh nghiệp, chuyển đổi xanh là câu chuyện làm ăn, kiếm tiền, dù muốn hay không cũng phải chuyển đổi. Vì xã hội hiện nay đòi hỏi phải có chữ “xanh” trong tiêu dùng. Thực trạng này tạo ra áp lực cho doanh nghiệp.
Ông Tô Trần Hoà - Phó Vụ trưởng Vụ Phát triển thị trường (Ủy ban Chứng khoán Nhà nước) chia sẻ góc nhìn cá nhân về việc đầu tư xanh và tài chính xanh.
Theo ông Hoà, đây là một câu chuyện 2 chiều, nếu như cơ quan quản lý cần tạo điều kiện cho doanh nghiệp làm “xanh”, thì từ góc độ doanh nghiệp cũng cần sự chủ động, cần nghiên cứu và có phương án đầu tư xanh hiệu quả chứ không thể làm một cách bất chấp, vì tiêu chí đầu tư đầu tiên là phải có “lãi”.
Về việc TS. Lê Xuân Nghĩa nhận định tiêu chí ủng hộ đầu tư xanh nên thuộc về nhà nước và được ngân sách nhà nước ủng hộ, ông Tô Trần Hoà cho rằng nếu sử dụng ngân sách để bảo lãnh đầu tư xanh và dự án xanh, đây sẽ là sức ép tương đối lớn lên ngân sách.
“Ngân sách chúng ta đang bội chi, có nhiều dự án lớn khác cần dùng ngân sách, như đường cao tốc Bắc-Nam hay đường sắt Bắc-Nam sắp tới. Vậy nên khi đầu tư, dù xanh hay không xanh, tự doanh nghiệp cần có sự chủ động và cân đối”, ông Hoà nói.
Về vai trò của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước trong việc thúc đẩy tài chính xanh, ông Hoà cho biết Ủy ban Chứng khoán Nhà nước rất quan tâm tới vấn đề này và đã đưa vào chiến lược phát triển chứng khoán đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; trong đó, gồm nhiều phương án phát triển tài chính xanh.
Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cũng ban hành sổ tay hướng dẫn báo cáo phát thải nhà kính và sổ tay hướng dẫn phát hành trái phiếu xanh rất hữu ích cho doanh nghiệp tham gia thị trường này.
Bên cạnh đó, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cũng tích cực tham gia đào tạo, tuyên truyền tới doanh nghiệp và công chúng đầu tư để họ hiểu thế nào là tài chính xanh và đầu tư công khai minh bạch khi tham gia thị trường.
Ngoài ra, với công tác thanh tra giám sát, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đảm bảo trái phiếu xanh được phát hành đúng mục đích và quyền lợi nhà đầu tư được bảo đảm.
Riêng với việc khuyến khích phát hành trái phiếu xanh, ông Tô Trần Hoà cho biết Ủy ban Chứng khoán Nhà nước sẽ tiếp tục đào tạo, tuyên truyền tới nhà đầu tư về việc tiếp cận vốn tài chính xanh
Liên quan tới việc giúp doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn xanh, ông Hòa cho biết, Ngân hàng Nhà nước đã tiếp cận và được biết một số ngân hàng thương mại có nguồn vốn sẵn cho các doanh nghiệp phát hành trái phiếu xanh, đây là một trong những tín hiệu tích cực để kỳ vọng.
Trong hệ thống chỉ số chứng khoán hiện nay có chỉ số phát triển bền vững từ năm 2017, đồng thời thừa nhận tới nay cũng có nhiều bất cập cần thay đổi và Ủy ban Chứng khoán Nhà nước sẽ nghiên cứu thay đổi để phục vụ nhà đầu tư, ông Hòa cho hay./.
Văn Giáp
Nguồn: Bnews.vn