(TTĐN) - Công nghệ 5.0 sẽ không chỉ gồm sản xuất mà còn được xây dựng dựa trên thành quả của công nghệ 4.0 với sự phát triển mạnh mẽ trí tuệ nhân tạo, tự động hóa, phân tích dữ liệu lớn, internet vạn vật...
|
Phó Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, ông Hoàng Quang Phòng. (Ảnh: BNEWS/TTXVN)
|
Cách mạng công nghiệp lần thứ tư (công nghệ 4.0) với việc kích hoạt và "thống lĩnh" của công nghệ thông tin trong sự phát triển mọi mặt của đời sống xã hội trong thời gian qua thì nay Cách mạng công nghiệp lần thứ năm (công nghệ 5.0) đang ngày càng hiện hữu và dần trở thành xu thế, đặc biệt trong lĩnh vực kinh tế.
Công nghệ 5.0 sẽ không chỉ gồm sản xuất mà còn được xây dựng dựa trên thành quả của công nghệ 4.0 với sự phát triển mạnh mẽ trí tuệ nhân tạo, tự động hóa, phân tích dữ liệu lớn, internet vạn vật, người máy và hệ thống thông minh, ảo hóa.
Công nghệ 5.0 được kỳ vọng sẽ gia tăng phúc lợi và vai trò của con người vào trung tâm của quá trình sản xuất và việc sử dụng công nghệ mới để mang lại những giá trị thịnh vượng hơn ngoài việc làm; thúc đẩy tốc độ tăng trưởng trong khi vẫn tôn trọng các giới hạn của sản xuất. Đây là một sự thay đổi lớn, từ việc tập trung vào các giá trị kinh tế sang một khái niệm rộng hơn về giá trị và phúc lợi xã hội.
Trước đây, điều này đã được gọi và hiểu như là trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp, thì nay đã bao trùm lên tất cả các tổ chức, các chiến lược kinh doanh của cộng đồng doanh nghiệp nhằm tạo nên một viễn cảnh rộng lớn hơn so với công nghệ 4.0.
Ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết: Công nghệ 5.0 sẽ nối tiếp và tập trung vào sự hợp tác giữa con người với máy móc. Điều này góp phần nâng cao kỹ năng của người công nhân, cung cấp giá trị gia tăng trong sản xuất dẫn đến tùy biến và cá nhân hóa các sản phẩm hàng hóa.
Bên cạnh đó, công nghệ 5.0 ra đời góp phần thúc đẩy sản xuất hàng hóa phát triển mạnh và hài hòa hơn. Việc đưa các thành tựu khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo vào hoạt động sản xuất sẽ rất cần sự gắn kết chặt chẽ giữa các doanh nghiệp trong ngành và các tổ chức, doanh nghiệp khoa học-công nghệ. Đó là quá trình đồng thời tiếp nhận phản hồi để điều chỉnh liên tục, không ngừng hoàn thiện các hệ sinh thái xanh-tuần hoàn-bền vững. Xu hướng này hiện từng bước được các doanh nghiệp, người dân ở nhiều địa phương áp dụng. Từ đó, mang lại diện mạo mới cho nhiều ngành, lĩnh vực kinh tế ở Việt Nam.
Là một trong những doanh nghiệp triển khai công nghệ 4.0 từ sớm, Tập đoàn TH đang khẳng định được chất lượng, sự uy tín và thương hiệu trên thị trường cùng với chế độ phúc lợi, các chính sách giúp nâng cao đời sống của người lao động.
Ông Ngô Minh Hải, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn TH cho hay, trong lĩnh vực nông nghiệp và sản xuất sữa, nếu nông nghiệp thông minh 4.0 là hệ thống điều khiển tự động, là chuyển đổi số, ứng dụng các thiết bị công nghệ hiện đại như cảm biến, sử dụng dữ liệu lớn (Big Data), trí tuệ nhân tạo (AI) và internet vạn vật (IoT) để tối ưu hóa quá trình sản xuất và quản lý, thì nông nghiệp thông minh 5.0 sẽ là một bước tiến xa hơn.
Đó là điện toán lượng tử, là sự kết hợp của tự động hóa hoàn toàn và công nghệ sinh học, linh hoạt hơn và có khả năng tích hợp nhiều công nghệ tiên tiến hơn. Còn nông nghiệp thông minh 5.0 cũng chú trọng hơn đến sự tương tác giữa con người và máy móc, đồng thời hướng đến mục tiêu sản xuất theo yêu cầu của người tiêu dùng. Tương lai của nông nghiệp sẽ là nông nghiệp thông minh 5.0 và ở đó sẽ là cộng hưởng hoàn hảo của hai yếu tố là công nghệ và con người.
Ông Minh Hải cũng bày tỏ, Tập đoàn TH sẽ hướng tới nông nghiệp thông minh 5.0 với những hành động cụ thể như: Xây dựng đội ngũ nhân lực có trình độ cao về khoa học công nghệ, có khả năng làm chủ và vận hành các hệ thống công nghệ tiên tiến. Cùng với đó, con người vẫn luôn là một trụ cột trong chiến lược phát triển bền vững của TH. Đồng thời, TH cũng hợp tác nghiên cứu, phát triển, chuyển giao công nghệ với các đối tác trong nước và quốc tế để nắm bắt, ứng dụng các giải pháp công nghệ mới cho nông nghiệp. Ngoài ra, tập trung đầu tư vào các hệ thống tự động hóa tiên tiến, phát triển các mô hình sản xuất theo yêu cầu của người tiêu dùng.
Trong sản xuất công nghiệp, ông Nguyễn Ngọc Sơn, đại diện Công ty cổ phần Thiết bị và Giải pháp Cơ khí Automech cho hay, công nghệ 5.0 đã bắt đầu với các hệ thống AI hỗ trợ, đảm nhận các nhiệm vụ lặp đi lặp lại và cho phép mọi người tập trung vào các nhiệm vụ, gia tăng giá trị và hiệu quả hơn. Công nghệ 5.0 vẫn đang ở giai đoạn đầu và với nhiều doanh nghiệp thì vẫn tập trung vào công nghệ 4.0, nhưng điều này sẽ thay đổi khi doanh nghiệp tự điều chỉnh theo các mục tiêu của công nghệ 5.0.
Đối với Automech, công nghệ 5.0, khi hoạt động hết công suất sẽ cho phép tự động hóa tốt hơn các quy trình sản xuất, cung cấp dữ liệu thời gian thực nhưng sẽ cho phép con người làm việc cùng với máy móc để cải thiện quy trình, và cung cấp khả năng cá nhân hóa trong sản xuất.
Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Ngọc Sơn, trong quá trình vận hành có thể sẽ gặp khó khăn do các luồng dữ liệu, cảm biến và giám sát tăng lên và đây sẽ là một áp lực lớn liên quan đến quản lý năng lượng. Nhưng, điều này có thể được tối ưu hóa để cho phép các thiết bị thông minh lớn được kết nối thông qua tiêu thụ năng lượng và thu hoạch năng lượng thông minh hơn. Ngoài ra, vấn đề nhận thức và sẵn sàng tiếp nhận công nghệ 5.0 có thể sẽ là rào cản do liên quan tới khả năng tài chính của các doanh nghiệp khi áp dụng các phương pháp làm việc mới.
Trước nhu cầu và thực tiễn hiện nay, công nghệ 5.0 sẽ là những trải nghiệm mới nhiều cơ hội và đầy thách thức đối với các doanh nghiệp. Tuy nhiên, để phát triển, nền kinh tế Việt Nam không thể đứng ngoài xu hướng mà đòi hỏi sự thích ứng, điều chỉnh phù hợp và hướng tới tương lai./.
Ngọc Quỳnh
Nguồn: Bnews.vn