"Hợp tác kinh tế thương mại Việt-Trung mở ra một tương lai tốt đẹp hơn"
Xe chở nông sản Việt Nam xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc qua Cửa khẩu quốc tế đường bộ số II KIm Thành, Lào Cai. (Ảnh: Quốc Khánh)

Xe chở nông sản Việt Nam xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc qua Cửa khẩu quốc tế đường bộ số II KIm Thành, Lào Cai. (Ảnh: Quốc Khánh)

Theo trang Thương báo quốc tế thuộc Bộ Thương mại Trung Quốc đưa tin, trong những năm gần đây, Trung Quốc và Việt Nam đang thắt chặt quan hệ hợp tác kinh tế thương mại song phương, hợp tác, giao lưu ngày càng trở nên mật thiết; giao lưu kinh tế thương mại giữa hai nước thể hiện sức sống mạnh mẽ.

Trong 6 tháng đầu năm nay, sầu riêng tiếp tục là mặt hàng Việt Nam xuất khẩu mạnh nhất sang Trung Quốc, với hơn 90% trong số đó là sầu riêng tươi.

Vốn đầu tư vào nhà máy chế biến sầu riêng đông lạnh cao hơn nhiều so với đầu tư vào nhà máy sầu riêng tươi đóng gói, nên số lượng doanh nghiệp tham gia sẽ ít hơn, sức cạnh tranh không gay gắt như sầu riêng tươi.

Hiện nay, thị trường Trung Quốc đang phát triển nhiều loại sản phẩm làm từ sầu riêng, đòi hỏi lượng nguyên liệu lớn, thời hạn sử dụng của sầu riêng đông lạnh có thể lên tới 2 năm, do đó thị trường sầu riêng đông lạnh ổn định hơn sầu riêng tươi.

Thu hoạch sầu riêng tại tỉnh Đắk Lắk. (Ảnh: Hoài Thu)

Thu hoạch sầu riêng tại tỉnh Đắk Lắk. (Ảnh: Hoài Thu)

Một loại trái cây khác của Việt Nam sẵn sàng thâm nhập thị trường Trung Quốc là dừa. Hai nước đã đồng ý hoàn tất quá trình ký kết Nghị định thư về yêu cầu kiểm dịch thực vật đối với dừa tươi Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc.

Hiện nay, dừa Việt Nam được xuất khẩu sang 90 quốc gia và khu vực. Năm 2023, xuất khẩu dừa tươi gọt vỏ và các sản phẩm chế biến từ dừa của Việt Nam đạt 243 triệu USD.

Trang Thương báo quốc tế dẫn lời ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng Thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam, cho biết thỏa thuận xuất khẩu hạn ngạch chính thức của Việt Nam với Trung Quốc sẽ mang lại cơ hội lớn cho ngành dừa Việt Nam.

Do vị trí địa lý gần, thời gian vận chuyển ngắn và chi phí thấp nên dừa Việt Nam có khả năng cạnh tranh nhất định trên thị trường Trung Quốc.

Ngày càng có nhiều sản phẩm rau quả của Việt Nam được xuất khẩu sang Trung Quốc, trao đổi kinh tế giữa hai nước tiếp tục ngày càng sâu rộng và thực chất hơn.

Nông dân tỉnh Bến Tre thu hoạch dừa khô nguyên liệu. (Ảnh: Công Trí)

Nông dân tỉnh Bến Tre thu hoạch dừa khô nguyên liệu. (Ảnh: Công Trí)

Thống kê cho thấy trong nửa đầu năm nay, kim ngạch thương mại song phương hồi phục mạnh mẽ, đạt gần 95 tỷ USD.

Kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam từ Trung Quốc đạt 67 tỷ USD, tăng 35% so với cùng kỳ năm ngoái. Kim ngạch xuất khẩu sang Trung Quốc tăng trưởng ổn định lên 27,8 tỷ USD, tăng 5,3% so với cùng kỳ năm ngoái.

Từ trái cây đến thực phẩm chế biến, nông sản Việt Nam đang có chỗ đứng tại thị trường Trung Quốc.

Trong tương lai, hai nước sẽ tăng cường hợp tác trên toàn chuỗi ngành trong các lĩnh vực thương mại nông nghiệp, đầu tư và hợp tác công nghệ nông nghiệp, hợp tác nông nghiệp sẽ đạt đến một tầm cao mới.

Trung Quốc và Việt Nam đã ký kết các hiệp định song phương và đa phương, trong đó có Hiệp định Thương mại tự do ASEAN-Trung Quốc (ACFTA) và Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện khu vực (RCEP).

Với các hiệp định thương mại đa phương như thế, kim ngạch thương mại song phương dự kiến sẽ tiếp tục tăng trưởng trong vài năm tới, đặc biệt trong các lĩnh vực như nông sản, dệt may và sản phẩm điện tử.

Thỏa thuận mà Trung Quốc và Việt Nam ký kết đã thúc đẩy mạnh mẽ mối liên kết chiến lược giữa sáng kiến “Vành đai và con đường” của Trung Quốc và kế hoạch “Hai hành lang và một vòng tròn kinh tế” của Việt Nam.

Trong tương lai, hai nước cũng sẽ tăng cường hợp tác trong các khuôn khổ đa phương để đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế tương ứng, thúc đẩy quá trình liên kết kinh tế khu vực, nâng cao sức sống kinh tế và khả năng cạnh tranh toàn cầu của toàn khu vực Đông Nam Á.

Về kết nối, tháng 7/2023, chuyến tàu chở hàng quốc tế từ Thạch Gia Trang (Trung Quốc) đến Hà Nội (Việt Nam) lần đầu tiên được triển khai với tổng quãng đường vận chuyển hơn 2.700km.

Tỉnh Quảng Ninh chào đón khách du lịch Trung Quốc. (Ảnh: TTXVN)

Tỉnh Quảng Ninh chào đón khách du lịch Trung Quốc. (Ảnh: TTXVN)

Trong tương lai, hai nước sẽ đẩy mạnh xây dựng kết nối và cung cấp thêm các kênh thuận lợi cho hợp tác kinh tế, thương mại giữa hai nước và khu vực.

Hợp tác kinh tế, thương mại hai nước có nhiều điểm nổi bật. Số lượng doanh nghiệp Trung Quốc đầu tư vào Việt Nam ngày càng tăng qua các năm.

Trong nửa đầu năm nay, Việt Nam thu hút đầu tư từ 84 quốc gia và khu vực, trong đó Trung Quốc đứng đầu về số lượng dự án đầu tư mới, chiếm 29,1% tổng số dự án đầu tư nước ngoài của Việt Nam.

Điều này phản ánh hoạt động đầu tư kinh tế của Trung Quốc tại Việt Nam đã trở thành động lực quan trọng thúc đẩy quan hệ song phương phát triển.

Về du lịch, lượng khách Trung Quốc đến Việt Nam trong 3 tháng đầu năm nay đạt gần 890.000 lượt, tăng 634,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Về giao lưu nhân dân, đến nay có 60 tỉnh, thành phố của Việt Nam ký kết quan hệ hợp tác hữu nghị với phía Trung Quốc.

Theo trang Thương báo quốc tế, với sự hợp tác sâu rộng giữa hai nước trong chuỗi công nghiệp, chuỗi cung ứng và tiêu chuẩn hóa…, hợp tác kinh tế và thương mại Trung Quốc-Việt Nam sẽ mở ra một tương lai tốt đẹp hơn./.

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất