|
Hàng hóa xuất, nhập khẩu qua cảng Hải Phòng. (Ảnh minh họa: TTXVN)
|
Theo đó, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đề nghị, các cấp, ngành, địa phương cần phối hợp chặt chẽ, hiệu quả, phát huy hơn nữa tinh thần đồng hành cùng doanh nghiệp, sự chủ động, đổi mới, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm để giữ vững đà phục hồi của nền kinh tế, tạo bản lề để hoàn thành đạt và vượt mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2024.
Cùng với đó, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cũng lưu ý các nhóm giải pháp như: khẩn trương rà soát, quyết liệt tháo gỡ, xử lý ngay các khó khăn, vướng mắc về thể chế, pháp luật, thủ tục hành chính, bảo đảm tiến độ, chất lượng theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, xác định đây là động lực tạo bứt phá cho tăng trưởng những tháng cuối năm 2024 và thời gian tới.
Bên cạnh đó, các bộ, ngành, địa phương cần tiếp tục thúc đẩy mạnh mẽ và làm mới các động lực tăng trưởng về đầu tư, tiêu dùng và xuất khẩu; trong đó, lưu ý tập trung triển khai hiệu quả các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, người dân; đẩy mạnh kích cầu tiêu dùng trong nước; đồng thời, tập trung thu hút các dự án có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) có quy mô lớn, chất lượng, công nghệ cao; đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, nhất là các địa phương được giao nguồn vốn đầu tư công lớn; bảo đảm tiến độ các dự án trọng điểm, quan trọng quốc gia.
Mặt khác, các bộ, ngành, địa phương bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, các cân đối lớn của nền kinh tế, trọng tâm là kiểm soát lạm phát; thực hiện chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, kịp thời, hiệu quả; điều tiết tỷ giá, lãi suất đồng bộ, hài hòa, hợp lý; không để thiếu hàng, gián đoạn nguồn hàng, tăng giá đột biến lương thực, thực phẩm, xăng dầu...
Mặc dù xu hướng hiện nay của nền kinh tế là tích cực, đạt được nhiều kết quả quan trọng và đây chính là nền tảng để phấn đấu đạt và vượt mục tiêu tăng trưởng 6,5% trong năm 2024, nhưng ông Nguyễn Anh Dương, Trưởng ban Nghiên cứu tổng hợp (CIEM), cho rằng, khó khăn, thách thức trong các tháng còn lại là rất lớn.
Cụ thể, theo ông Nguyễn Anh Dương, kinh tế Việt Nam dường như bước vào giai đoạn mở rộng tăng trưởng so với tiềm năng trong nửa đầu năm 2024, hay nói cách khác, mức tăng trưởng tiềm năng của Việt Nam vẫn chậm được cải thiện do cải cách thể chế, môi trường kinh doanh và định hướng tăng năng suất lao động chưa tương xứng với kỳ vọng và yêu cầu đặt ra.
Ngoài ra, tăng trưởng GDP thực tế vượt mức tiềm năng trong 4 quý liên tiếp cũng cho thấy áp lực từ tổng cầu đối với tăng giá. Kể từ đầu năm 2024 tới nay, chi phí cho sản xuất và tiêu dùng có xu hướng tăng. Chỉ số giá điện, khí đốt, hơi nước và điều hòa không khí trong 7 tháng đầu năm 2024 tăng hơn 5%. Chỉ số giá sản xuất tăng tới 15,8% đối với dịch vụ vận tải kho bãi, 10,3% đối với nông nghiệp và dịch vụ có liên quan…
“Do vậy, Việt Nam phải thực sự cân nhắc nếu muốn mở rộng chi tiêu ngân sách để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế theo cách tiếp cận chính sách tài khóa ngược chu kỳ trong thời gian tới bởi chính sách này có độ trễ và chỉ có hiệu lực trong bối cảnh tăng trưởng gặp khó khăn”, ông Dương lưu ý.
Báo cáo của CIEM cũng chỉ ra những khó khăn khác mà nền kinh tế phải đối mặt, đó là kinh tế Việt Nam còn tiềm ẩn rủi ro, áp lực lạm phát còn lớn, trong khi lạm phát thường tăng vào cuối năm và có những yếu tố tác động rất khó dự báo, đặc biệt là biến động giá cả thế giới, gaay tâm lý, kỳ vọng của người dân, doanh nghiệp.
Cùng với đó, tăng trưởng của khu vực nông nghiệp và dịch vụ, du lịch từ đầu năm đến nay đạt kết quả khá nhưng đang đối mặt với chi phí sản xuất tăng cao, áp lực cạnh tranh gay gắt. Hay khu vực công nghiệp và xây dựng tuy là động lực chính cho tăng trưởng và cũng đã tăng trưởng cao hơn so với kịch bản đề ra nhưng phụ thuộc nhiều vào sự phục hồi kinh tế và sức mua tại các thị trường xuất khẩu lớn.
Trong khi đó, tăng trưởng ngành xây dựng phụ thuộc vào sự phục hồi thị trường bất động sản, tiến độ tháo gỡ vướng mắc, triển khai các dự án đầu tư, đầu tư công. Các ngành, lĩnh vực mới như kinh tế số, kinh tế xanh, AI, chíp, bán dẫn… chưa có chuyển biến rõ nét, nguy cơ chưa bắt kịp được với thế giới và khu vực.
Không những thế, doanh nghiệp đối mặt với áp lực cạnh tranh tăng cao ở cả thị trường thế giới và trong nước, rủi ro bị kiện phòng vệ thương mại ngày càng lớn; đồng thời, với việc bị áp thuế chống bán phá giá và yêu cầu phải đáp ứng nhanh hơn các tiêu chuẩn mới, tiêu chuẩn xanh, phát thải các-bon. Bên cạnh đó, thể chế, pháp luật mặc dù tích cực thay đổi nhưng vẫn còn có những vướng mắc, bất cập, chưa theo kịp yêu cầu thực tiễn…
Theo khảo sát của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, khó khăn lớn nhất của doanh nghiệp là nhu cầu thị trường thấp, áp lực cạnh tranh và chi phí sản xuất tăng cao. Một bộ phận không nhỏ doanh nghiệp khó khăn về tài chính, lãi suất vay vốn và thủ tục hành chính…
Những khó khăn đó sẽ ảnh hưởng không nhỏ tới việc thực hiện mục tiêu tăng trưởng 6,5%, thậm chí là phấn đấu đạt mức 7% trong năm nay. Vì thế, trong chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ gần đây, để dồn lực cho tăng trưởng, các địa phương cần tiếp tục thúc đẩy xuất khẩu, kích cầu tiêu dùng nội địa và đặc biệt là đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công… Sự nỗ lực của các địa phương, đặc biệt là các đầu tàu kinh tế cũng rất quan trọng để giữ vững đà phục hồi của nền kinh tế.
Để có thể đạt mục tiêu tăng trưởng 7,5-8% trong năm nay, tăng trưởng GRDP quý III của Tp. Hồ Chí Minh phải đạt trên 7%, và quý IV cao hơn nữa”, Chủ tịch UBND Tp. Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi cho biết, để tăng tốc trong 2 quý còn lại, thành phố sẽ nỗ lực, tìm mọi giải pháp để thúc đẩy tăng trưởng.
Cùng chung các giải pháp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của cả nước, Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Đồng Tháp Lê Quốc Phong đề nghị các sở, ngành quyết tâm thực hiện đạt các chỉ tiêu, mục tiêu, nhất là những chỉ tiêu khó đạt như thu nhập bình quân đầu người, thành lập doanh nghiệp mới… “Để thực hiện tốt những nhiệm vụ, chất lượng cán bộ là yếu tố quan trọng. Các cấp ủy cần quan tâm bồi dưỡng, bố trí, sử dụng đúng và hiệu quả cán bộ”, ông Lê Quốc Phong yêu cầu.
Về lâu dài, chuyên gia kinh tế Cấn Văn Lực khuyến nghị cần thúc đẩy chất lượng tăng trưởng, như năng suất lao động, ứng dụng khoa học công nghệ, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh.… Các cấp quản lý cần đẩy mạnh hơn về cơ cấu lại nền kinh tế, nhằm thu hút và phân bổ nguồn lực hiệu quả nhằm giảm rủi ro, chi phí, tăng tính lành mạnh và hiệu quả của thị trường…
Thúy Hiền
Nguồn: baotintuc.vn