Chỉ số PMI ngành sản xuất Việt Nam phục hồi mạnh sau siêu bão Yagi
Hoạt động sản xuất đầu năm tại Công ty TNHH Apparel Far Eastern (Việt Nam) đóng Khu công nghiệp Việt Nam - Singapore, thành phố Thuận An (Bình Dương). (Ảnh minh họa: TTXVN)

Hoạt động sản xuất đầu năm tại Công ty TNHH Apparel Far Eastern (Việt Nam) đóng Khu công nghiệp Việt Nam - Singapore, thành phố Thuận An (Bình Dương). (Ảnh minh họa: TTXVN)

Chỉ số Nhà Quản trị mua hàng (PMI) ngành sản xuất Việt Nam của S&P Global ghi nhận đạt kết quả 51,2 điểm trong tháng 10, tăng đáng kể so với mức 47,3 điểm của tháng 9 và đã vượt lại lên trên ngưỡng 50 điểm sau khi chịu tình trạng gián đoạn do cơn bão Yagi gây ra trong tháng trước.

Theo khảo sát của S&P Global, các điều kiện kinh doanh đến nay đã mạnh lên suốt 6 trong 7 tháng qua, mặc dù mức độ cải thiện trong tháng 10 chỉ là nhẹ. Trọng tâm của tình trạng cải thiện trở lại của sức khỏe ngành sản xuất là sự tăng trưởng trở lại của cả sản lượng và số lượng đơn đặt hàng mới khi quá trình phục hồi sau bão đang diễn ra. Dẫu vậy, tốc độ tăng của các chỉ số này chậm hơn so với những tháng trước tháng 9, khi một số công ty tiếp tục gặp phải tình trạng gián đoạn sau cơn bão và tình trạng lũ lụt kèm theo.

Cùng với mức tăng của tổng số lượng đơn đặt hàng mới, số lượng đơn đặt hàng xuất khẩu mới cũng tăng trong tháng 10. Tuy nhiên, tốc độ tăng chỉ là nhẹ khi có một số báo cáo cho biết nhu cầu quốc tế giảm.

Các nhà sản xuất tiếp tục sử dụng hàng tồn kho thành phẩm để đáp ứng các đơn đặt hàng vào thời điểm mà sản xuất đã bị ảnh hưởng một phần. Hàng tồn kho sau sản xuất đã giảm với tốc độ nhanh nhất trong ba tháng. Trong khi đó, việc làm đã giảm, đảo ngược tình trạng tăng trong tháng trước. Một số công ty cho biết các trường hợp thôi việc đã làm giảm số lượng nhân viên.

Thời gian giao hàng của nhà cung cấp đã bị kéo dài tháng thứ 2 liên tiếp trong tháng 10 khi tình trạng gián đoạn do bão tiếp tục ảnh hưởng đến khâu vận tải. Điểm tích cực là thời gian giao hàng bị kéo dài có mức độ nhẹ hơn so với tháng 9.

Đáng chú ý, khảo sát của S&P Global cho thấy, hoạt động mua hàng đã tăng trở lại trong bối cảnh số lượng đơn đặt hàng mới tăng và sản lượng dự kiến cũng tăng trong những tháng tới. Tuy nhiên, tốc độ tăng chỉ là nhẹ khi một số công ty cho biết họ có đầy đủ lượng hàng hóa đầu vào.

Tồn kho hàng mua tiếp tục giảm khi hàng hóa đầu vào đã được dùng để hỗ trợ tăng trưởng sản lượng. Dù vậy, mức độ giảm yếu hơn nhiều so với mức gần kỷ lục được ghi nhận trong kỳ khảo sát trước.

Các nhà sản xuất báo cáo chi phí đầu vào tăng trong bối cảnh giá dầu, kim loại, vận tải… tăng. Để bù đắp, các công ty đã tăng giá bán hàng. Tuy nhiên, tốc độ tăng giá bán hàng chỉ là nhẹ khi một số người trả lời khảo sát cho biết áp lực cạnh tranh đã khiến họ phải giảm giá.

Theo S&P Global, doanh số bán hàng tăng, hy vọng về điều kiện thị trường ổn định và kế hoạch mở rộng kinh doanh tất cả đã góp phần vào kỳ vọng tích cực về sản lượng ngành sản xuất trong năm tới. Tuy nhiên, mức độ lạc quan đã giảm thành mức thấp của 9 tháng và là thấp hơn mức trung bình của lịch sử chỉ số. Một số công ty cho biết sự không chắc chắn về cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ đã làm giảm niềm tin kinh doanh.

Bình luận về chỉ số PMI ngành sản xuất Việt Nam trong kỳ, ông Andrew Harker, Giám đốc Kinh tế tại S&P Global Market Intelligence nói: Dữ liệu tháng 10 cho thấy sự phục hồi sau tình trạng gián đoạn do cơn bão Yagi gây ra đang diễn ra trong tháng. Các công ty nhận thấy số lượng đơn đặt hàng mới tăng và có thể mở rộng sản xuất. Tuy nhiên, một số công ty vẫn đang chịu ảnh hưởng của cơn bão, từ đó tốc độ tăng trưởng bị hạn chế. Do đó, thị trường hy vọng sẽ chứng kiến sự tăng trưởng khi nhiều nhà sản xuất hoạt động trở lại với công suất tối đa vào cuối năm.

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất