(TTĐN) - Theo Cục Xuất nhập khẩu, trong 9 tháng năm 2024, xuất khẩu gạo ước đạt 7,01 triệu tấn, tăng 9,2% so với cùng kỳ năm trước, tương ứng kim ngạch 4,37 tỷ USD, tăng 23,5% so với cùng kỳ năm trước.
|
Sản phẩm gạo xuất khẩu tại một nhà máy. (Ảnh: TTXVN)
|
Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) vừa cập nhật Danh sách thương nhân được cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh xuất khẩu gạo đến ngày 3/10/2024.
Theo danh sách này, cả nước có tổng số 163 thương nhân tại 23 tỉnh, thành phố đủ điều kiện kinh doanh xuất khẩu gạo.
Theo danh sách, Thành phố Hồ Chí Minh dẫn đầu với 38 thương nhân; tiếp theo là thành phố Cần Thơ có 35 thương nhân; Long An có 22 thương nhân; các tỉnh: An Giang, Đồng Tháp mỗi địa phương có 14 thương nhân; Hà Nội có 10 thương nhân; các tỉnh: Thái Bình, Tiền Giang mỗi địa phương có 4 thương nhân; Kiên Giang có 3 thương nhân; các địa phương: Hưng Yên, Nghệ An, Tây Ninh, Sóc Trăng, Thừa Thiên-Huế mỗi địa phương có 2 thương nhân; các địa phương: Hà Nam, Thanh Hóa, Hà Tĩnh, Đà Nẵng, Khánh Hòa, Bình Định, Cà Mau, Bạc Liêu, Hậu Giang mỗi địa phương có 1 thương nhân đủ điều kiện kinh doanh xuất khẩu gạo.
Dẫn số liệu của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Cục Xuất nhập khẩu cho hay trong 9 tháng năm 2024, xuất khẩu gạo ước đạt 7,01 triệu tấn, tăng 9,2% so với cùng kỳ năm trước, tương ứng kim ngạch 4,37 tỷ USD, tăng 23,5% so với cùng kỳ năm trước. Giá xuất khẩu gạo của Việt Nam tiếp tục khả quan, giá xuất khẩu trong 9 tháng tăng 13,1% so với cùng kỳ năm trước.
Từ đầu năm, nguồn cung của một số nước xuất khẩu gạo hạn chế, trong khi chất lượng gạo Việt Nam ngày càng được nâng cao, đáp ứng nhu cầu khó tính của thị trường thế giới. Thêm vào đó, nhu cầu nhập khẩu gạo từ các khách hàng truyền thống của Việt Nam như Philippines, Indonesia, Malaysia... duy trì ở mức cao. Đây là những yếu tố hỗ trợ sản lượng và giá xuất khẩu gạo của Việt Nam năm nay tăng khá.
Tuy nhiên, gần đây, Ấn Độ liên tiếp có những động thái nới lỏng hoạt động xuất khẩu gạo và điều này được dự báo sẽ tác động đến thị trường gạo thế giới. Cụ thể, theo chuyên trang thị trường lúa gạo SS Rice News, nước này đã giảm thuế xuất khẩu gạo đồ, gạo lứt và gạo nguyên liệu xuống còn 10%, có hiệu lực từ ngày 27/9/2024.
Tiếp ngay sau đó, quốc gia xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới ban hành quyết định bỏ lệnh cấm xuất khẩu gạo trắng Non-basmati, kèm theo điều kiện giá sàn để xuất khẩu mặt hàng này là 490 USD/tấn, có hiệu lực áp dụng từ ngày 28/9/2024.
Theo các chuyên gia, mặc dù nguồn cung phân khúc gạo trắng Non-basmati mà Ấn Độ dỡ bỏ lệnh cấm không có nhiều nhưng việc nước này quay lại thị trường sẽ gây áp lực giảm giá lên các loại gạo 5% và 25% tấm.
Vì vậy, doanh nghiệp và người nông dân sản xuất lúa gạo cần có sự phối hợp, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ, đảm bảo nguồn cung để giữ thế chủ động trong bối cảnh thị trường gạo thế giới có thể có biến động do nguồn cung tăng./.
Uyên Hương
Nguồn: vietnamplus.vn