Quy chế xét tặng Giải thưởng toàn quốc về thông tin đối ngoại lần thứ VII

QUY CHẾ XÉT TẶNG GIẢI THƯỞNG TOÀN QUỐC
VỀ THÔNG TIN ĐỐI NGOẠI LẦN THỨ VII

Chương I
QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Mục đích, ý nghĩa

1. Khẳng định vị trí, vai trò quan trọng của công tác thông tin đối ngoại trong việc quảng bá hình ảnh đất nước, văn hóa, lịch sử, con người Việt Nam; thông tin về tình hình trong nước, về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, quan điểm và lập trường của Việt Nam về các vấn đề quốc tế và khu vực; thông tin về tình hình thế giới, các vấn đề quốc tế được dư luận trong nước quan tâm và dư luận quốc tế tích cực về đất nước, con người Việt Nam; đấu tranh phản bác những thông tin sai sự thật, luận điệu xuyên tạc về Việt Nam trên các lĩnh vực, trong đó có chủ quyền lãnh thổ quốc gia, dân tộc, dân chủ, nhân quyền.

2. Tôn vinh những tác giả, nhóm tác giả có sản phẩm, sáng kiến, ý tưởng xuất sắc trong lĩnh vực thông tin đối ngoại, quảng bá hình ảnh đất nước, văn hóa, lịch sử, con người Việt Nam; đấu tranh phản bác thông tin sai sự thật, sai lệch về tình hình Việt Nam.

3. Tạo động lực cho các tập thể, cá nhân tích cực tham gia thông tin, tuyên truyền đối ngoại; tăng cường sự kết nối giữa thông tin đối ngoại với thông tin đối nội, giữa các cơ quan, đơn vị, địa phương nhằm nâng cao hiệu quả công tác thông tin đối ngoại.

Điều 2. Phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng

1. Giải thưởng toàn quốc về thông tin đối ngoại (sau đây gọi tắt là Giải thưởng), do Ban Chỉ đạo Công tác thông tin đối ngoại, Ban Tuyên giáo Trung ương tổ chức để trao tặng tác giả, nhóm tác giả có sản phẩm, sáng kiến, ý tưởng thông tin đối ngoại xuất sắc, phục vụ đối tượng là người Việt Nam ở trong nước, ở nước ngoài và người nước ngoài.

2. Quy chế này quy định công tác xét tặng Giải thưởng, gồm: Mục đích, ý nghĩa; nguyên tắc thực hiện; điều kiện tham dự; tiêu chuẩn xét chọn; cách thức tham dự và cơ cấu Giải thưởng; quy trình tổ chức, xét tặng Giải thưởng.

Điều 3. Nguyên tắc thực hiện

1. Tôn vinh những tác giả, nhóm tác giả có sản phẩm, sáng kiến, ý tưởng thông tin đối ngoại xuất sắc, có tính lan tỏa cao.

2. Tác giả, nhóm tác giả có nhiều sản phẩm tham dự và đoạt Giải chỉ nhận giải thưởng cao nhất.

3. Thành viên Hội đồng Giải thưởng, Hội đồng Chung khảo không được gửi sản phẩm tham dự Giải thưởng.

4. Các hội đồng hoạt động theo nguyên tắc tập thể, thiểu số phục tùng đa số. Trong trường hợp các ý kiến không thống nhất báo cáo Trưởng Ban Chỉ đạo Công tác thông tin đối ngoại cho ý kiến chỉ đạo.

Điều 4. Điều kiện tham dự Giải thưởng

1. Giải thưởng được xét tặng các sản phẩm thông tin đối ngoại gồm: (1) Báo in; (2) Báo điện tử; (3) Trang thông tin điện tử; (4) Phát thanh; (5) Truyền hình; (6) Ảnh (gồm Ảnh báo chí và Ảnh phong cảnh); (7) Sách; (8) Video clip và (9) Các sáng kiến, ý tưởng, sản phẩm có giá trị thông tin đối ngoại.

2. Các sản phẩm được xét tặng Giải thưởng là các sản phẩm được đăng tải trên các phương tiện thông tin đại chúng; xuất bản, phát hành, công bố và áp dụng ở trong và ngoài nước, trong thời gian từ ngày 01/7/2020 đến hết ngày 30/6/2021. Đối với những tác phẩm phát hành trước hoặc sau thời điểm nêu trên, phải có ít nhất 2/3 thời lượng, số lượng tác phẩm được công bố trong thời gian quy định.

3. Các sản phẩm đã được trao giải thưởng tại các cuộc thi khác vẫn được quyền tham dự Giải thưởng nhưng phải ghi rõ mức giải đã được trao cùng thông tin về đơn vị tổ chức, thời gian diễn ra cuộc thi.

4. Sản phẩm tham dự Giải thưởng không có tranh chấp về bản quyền kể từ thời điểm công bố.

5. Sản phẩm không được tham dự Giải thưởng gồm: Loạt tác phẩm báo chí ghép từ những tác phẩm độc lập của các tác giả đứng tên riêng lẻ ở các thời điểm đăng báo khác nhau, không có sự tiếp nối loạt bài; tác phẩm mang tính hư cấu; tác phẩm đang chờ ý kiến thẩm định của cơ quan chức năng; ảnh ghép, ảnh chỉnh sửa bằng vi tính; vi phạm các quy định của phát luật về bản quyền, Luật Sở hữu trí tuệ và các quy định pháp luật khác.

Chương II
NHỮNG QUY ĐỊNH CỤ THỂ

Điều 5. Đối tượng tham dự Giải thưởng

Người Việt Nam ở trong nước, ở nước ngoài và người nước ngoài đều có quyền gửi sản phẩm thông tin đối ngoại phù hợp với tiêu chí của Giải thưởng.

Mỗi tác giả hoặc nhóm tác giả được gửi tối đa 07 tác phẩm, nhóm tác phẩm báo chí hoặc sản phẩm thông tin đối ngoại tham dự Giải thưởng phù hợp với các điều kiện tại Điều 4.

Điều 6: Tiêu chí xét tặng Giải thưởng

Sản phẩm được xét tặng Giải thưởng là những sản phẩm tiêu biểu và đáp ứng cao nhất các tiêu chuẩn xét chọn của Giải thưởng, gồm:

1. Về nội dung

Sản phẩm bảo đảm tính kịp thời, khách quan; có sức lan tỏa trong nước và quốc tế; phục vụ tốt công tác thông tin đối ngoại, quảng bá hình ảnh đất nước, văn hóa, con người Việt Nam, cụ thể là:

 - Thông tin chính xác, kịp thời, sinh động các hoạt động đối ngoại và đối nội của Lãnh đạo Đảng, Nhà nước; quan điểm, chủ trương của Đảng, Nhà nước về các vấn đề quốc tế, giải quyết các vấn đề chủ quyền quốc gia; thông tin về tình hình thế giới, các vấn đề quốc tế được dư luận trong nước quan tâm và dư luận quốc tế tích cực về đất nước, con người Việt Nam.

Phản ánh trung thực, khách quan về thành tựu đổi mới, hội nhập quốc tế, phát triển, nhất là trên các lĩnh vực kinh tế, thương mại, đầu tư, văn hóa, du lịch; thành tựu công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, khẳng định vai trò, vị thế, uy tín của Việt Nam trong cộng đồng quốc tế.

Quảng bá hình ảnh đất nước, con người, lịch sử, văn hóa Việt Nam, của các vùng miền, các địa phương trên cả nước; của cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài; khẳng định thành tựu bảo đảm quyền con người của Việt Nam, công tác phân giới, cắm mốc, bảo vệ chủ quyền quốc gia trên biển của Việt Nam.

Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng; đấu tranh, phản bác quan điểm sai trái, thù địch, luận điệu xuyên tạc, tuyên truyền sai sự thật về tình hình Việt Nam của các thế lực thù địch, cơ hội.

2. Về hình thức

2.1. Giải thưởng cho các tác phẩm thuộc lĩnh vực báo chí, xuất bản

Thể loại: Bài phản ánh, phỏng vấn, ghi chép, bình luận, chuyên luận, phóng sự, điều tra, ký báo chí, các chương trình phát thanh, truyền hình, sản phẩm thông tin đa phương tiện, ảnh, sách,... theo quy định tại Khoản 1, Điều 4 Quy chế này.

Tác giả, nhóm tác giả tham dự Giải thưởng gửi tác phẩm thông tin đối ngoại dự thi theo các quy định sau:

Báo in: Một bài hoặc loạt bài (không quá 05 kỳ), chuyên trang của cùng tác giả hoặc nhóm tác giả cùng đứng tên, về cùng một sự kiện, cùng một đề tài. Nếu tác phẩm được xuất bản bằng nhiều ngôn ngữ, chỉ gửi dự thi một tác phẩm tiêu biểu. Cơ quan, cá nhân gửi tác phẩm phải nêu rõ lý do lựa chọn tác phẩm bằng ngôn ngữ dự giải.

Báo điện tử: Một bài hoặc loạt bài (không quá 05 kỳ) thể hiện được đặc trưng của báo điện tử, bao gồm cả các tác phẩm đa phương tiện, của cùng tác giả hoặc nhóm tác giả, về cùng một sự kiện, đề tài. Là tác phẩm sáng tạo, thực hiện riêng cho báo điện tử; không xét những tác phẩm lấy từ báo in. Nếu tác phẩm được xuất bản bằng nhiều ngôn ngữ, chỉ gửi dự Giải thưởng một tác phẩm thuộc ngôn ngữ đại diện tiêu biểu. Cơ quan, cá nhân gửi tác phẩm phải nêu rõ lý do lựa chọn ngôn ngữ dự giải và tổng số ngôn ngữ được xuất bản.

Trang thông tin điện tử: Một bài hoặc loạt bài (không quá 05 kỳ), bao gồm cả các tác phẩm đa phương tiện, của cùng tác giả hoặc nhóm tác giả, về cùng một sự kiện, đề tài. Là tác phẩm sáng tạo, mang đặc trưng báo điện tử; không xét những tác phẩm lấy từ báo in. Nếu tác phẩm được xuất bản bằng nhiều ngôn ngữ, chỉ gửi dự Giải thưởng một tác phẩm thuộc ngôn ngữ đại diện tiêu biểu. Cơ quan, cá nhân gửi tác phẩm phải nêu rõ lý do lựa chọn tác phẩm bằng ngôn ngữ dự giải.

Phát thanh: Một tác phẩm hoặc nhóm tác phẩm về cùng một sự kiện, chủ đề, phát một kỳ hoặc nhiều kỳ (không quá 05 kỳ). Thời lượng mỗi tác phẩm không quá 60 phút. Tác phẩm thể hiện được đặc trưng của báo phát thanh là âm thanh rõ ràng, tiếng nói nhân vật, tiếng động, âm nhạc đạt yêu cầu chất lượng, hấp dẫn. Âm thanh được sử dụng trong tác phẩm phải có bản quyền.

Truyền hình: Một tác phẩm hoặc nhóm tác phẩm (không quá 05 chương trình) về cùng một sự kiện, chủ đề. Thời lượng mỗi chương trình không quá 120 phút. Tác phẩm thể hiện được đặc trưng của báo hình là hình ảnh động; hình ảnh, âm thanh đạt yêu cầu chất lượng, hấp dẫn. Hình ảnh, âm thanh được sử dụng trong tác phẩm phải có bản quyền.

Ảnh: bao gồm Ảnh báo chí Ảnh phong cảnh:

- Ảnh báo chí: Ảnh đơn, nhóm ảnh hoặc phóng sự ảnh. Đối với nhóm ảnh hoặc phóng sự ảnh cùng nội dung, chỉ tuyển chọn những nhóm ảnh hoặc phóng sự ảnh không quá 10 ảnh, đăng trên cùng một số báo hoặc cùng thời điểm xuất bản (đối với báo điện tử).

- Ảnh phong cảnh: Ảnh đơn, nhóm ảnh. Đối với nhóm ảnh, chỉ tuyển chọn những nhóm ảnh không quá 10 ảnh, đăng trên cùng một số báo hoặc cùng thời điểm xuất bản (đối với báo điện tử). Không xét ảnh ghép, ảnh chỉnh sửa bằng phần mềm vi tính.

Sách: Một cuốn sách hoặc một bộ sách được xuất bản bằng tiếng Việt hoặc tiếng nước ngoài.

2.2. Giải thưởng cho video clip và các sáng kiến, ý tưởng, sản phẩm có giá trị thông tin đối ngoại

Video clip: Một video clip hoặc loạt video clip (không quá 05 sản phẩm) về cùng một sự kiện, chủ đề; được sáng tạo và đăng tải lần đầu tiên trên nền tảng Internet (không tính các tác phẩm báo chí đã đăng phát, sau đó được đăng lại trên nền tảng Internet), có giá trị quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam ra thế giới. Hình ảnh động; hình ảnh, âm thanh đạt yêu cầu chất lượng, hấp dẫn. Hình ảnh, âm thanh được sử dụng trong tác phẩm phải có bản quyền.

Các sáng kiến, ý tưởng, sản phẩm có giá trị thông tin đối ngoại: Những sáng kiến, ý tưởng, hoạt động có giá trị tích cực trong việc quảng bá, lan tỏa hình ảnh đất nước, con người Việt Nam ra thế giới; phù hợp văn hóa, truyền thống Việt Nam và được dư luận ủng hộ rộng rãi.

Nếu xuất bản, phát hành trong nước, phải đáp ứng các quy định của pháp luật Việt Nam.

Điều 7. Hồ sơ tham dự Giải thưởng

1. Về tác giả

Sơ yếu lý lịch tác giả gồm: Họ và tên, bút danh, chức danh hiện tại, đơn vị công tác, số điện thoại di động, email.

2. Về tác phẩm, sản phẩm

2.1. Các tác phẩm thuộc lĩnh vực báo chí, xuất bản

Mỗi tác phẩm phải kèm một bản giới thiệu khái quát về tác phẩm bằng tiếng Việt (loại hình, thể loại, nội dung chính, hoàn cảnh sáng tác, chú ý nêu bật tính phát hiện, sức lan tỏa, hấp dẫn… của tác phẩm).

Đối với tác phẩm báo in, báo điện tử, trang thông tin điện tử: Phải là bản in chính, hoặc sao chụp từ báo in, báo điện tử nhưng phải rõ ràng (phải gửi kèm đường dẫn qua thư điện tử với báo điện tử và trang thông tin điện tử). Nếu tác phẩm có sự tiếp nối nhỏ, lẻ, phải cắt dán phần tiếp nối trên giấy trắng khổ A4 và đánh số trang rõ ràng phần tiếp nối; kèm theo 01 bản sao.

Đối với tác phẩm phát thanh: Phải ghi lên đĩa CD, hoặc USB hoặc bằng đường dẫn các dịch vụ lưu trữ dữ liệu trên Internet như Dropbox, Google drive…, mỗi đĩa chỉ ghi 01 tác phẩm, trên nhãn đĩa ghi rõ tên đơn vị, tác giả, tác phẩm; thể loại; thời lượng và thời gian phát sóng; văn bản phần lời của tác phẩm; kèm theo xác nhận của đơn vị chủ quản.

Đối với tác phẩm truyền hình: Phải gửi đường dẫn các dịch vụ lưu trữ dữ liệu trên Internet như Dropbox, Google drive… của tác phẩm và gửi kèm đĩa DVD hoặc USB và ghi rõ tên đơn vị, tác giả, tác phẩm; thể loại; thời lượng; thời gian phát sóng; kịch bản với lời bình chi tiết; kèm theo xác nhận của đơn vị chủ quản.

Đối với tác phẩm ảnh báo chí: Cùng với ảnh đã đăng trên báo, tạp chí…, phải kèm theo ảnh phóng trên giấy ảnh cỡ 18cm×24cm (ảnh đơn) và 12cm×18cm (đối với ảnh trong nhóm hoặc phóng sự ảnh).

Đối với tác phẩm ảnh phong cảnh: Cùng với ảnh đã đăng trên báo, tạp chí…, phải kèm theo ảnh phóng trên giấy ảnh cỡ 18cm×24cm (ảnh đơn) và 12cm×18 cm (đối với ảnh trong nhóm).

Đối với sách: Phải là bản chính (khuyến khích gửi kèm file PDF kèm ảnh chụp cuốn sách qua thư điện tử). Nếu tác phẩm dự giải là sách dịch phải có văn bản gửi kèm theo thống nhất giữa tác giả, dịch giả và Nhà xuất bản về việc tham dự giải và nhận giải thưởng (nếu đoạt giải).

2.2. Video clip và các sáng kiến, ý tưởng, sản phẩm có giá trị thông tin đối ngoại

Đối với video clip: Hồ sơ gồm: Thông tin về tác giả, nhóm tác giả; khái quát về tác phẩm (chú ý nêu bật được tính phát hiện, sức lan tỏa, hấp dẫn, các thông số thể hiện độ lan tỏa, các địa chỉ trên Internet mà video clip được lan tỏa, chia sẻ); phải gửi đĩa DVD hoặc USB hoặc bằng đường dẫn các dịch vụ lưu trữ dữ liệu trên Internet như Dropbox, Google drive…

Đối với các sáng kiến, ý tưởng, sản phẩm có giá trị thông tin đối ngoại: Hồ sơ gồm nội dung/thuyết minh sáng kiến, ý tưởng của đơn vị, tác giả cụ thể và chứng minh được hiệu quả lan tỏa của sáng kiến, ý tưởng.

Với 02 hạng mục video clip và các sáng kiến, ý tưởng, sản phẩm có giá trị thông tin đối ngoại, việc gửi tác phẩm dự thi có thể được thực hiện bằng một trong các hình thức sau đây:

(1) Tác giả, nhóm tác giả gửi tác phẩm tham dự.

(2) Các cơ quan, đơn vị, địa phương chủ động đề xuất và gửi tác phẩm về Hội đồng Giải thưởng.

Lưu ý: Nếu thực hiện theo hình thức này, cần phải có sự thống nhất, đồng thuận giữa đơn vị gửi tác phẩm và tác giả (bằng văn bản).

Những tác phẩm bị coi là phạm quy (bị loại) là tác phẩm không đáp ứng các quy định tại Quy chế này.

Hội đồng không hoàn trả các tác phẩm gửi tham dự Giải thưởng.

Điều 8. Cơ cấu Giải thưởng

 1. Cơ cấu Giải thưởng gồm:

 01 Giải đặc biệt: được trao cho 01 tác phẩm có nội dung xuất sắc nhất trong các tác phẩm tham dự Giải thưởng.

Giải thưởng được trao cho các tác phẩm, sản phẩm thuộc các hạng mục: (1) Báo in tiếng Việt; (2) Báo điện tử, trang thông tin điện tử tiếng Việt; (3) Báo in tiếng nước ngoài; (4) Báo điện tử, trang thông tin điện tử tiếng nước ngoài; (5) Phát thanh; (6) Truyền hình; (7) Ảnh; (8) Sách; (9) Video clip và (10) các sáng kiến, ý tưởng, sản phẩm có giá trị thông tin đối ngoại.

Cơ cấu Giải thưởng cho mỗi hạng mục gồm: 01 Giải Nhất; 02 Giải Nhì; 03 Giải Ba và 05 Giải Khuyến khích.

Số lượng Giải thưởng sẽ do Hội đồng Giải thưởng quyết định theo thực tế chất lượng tác phẩm dự thi.

2. Ngoài giải thưởng cho các tác phẩm, các đơn vị, tập thể, cá nhân tích cực tham dự Giải thưởng hoặc có những đóng góp quan trọng cho Giải thưởng sẽ được xem xét trao tặng Bằng khen của Ban Tuyên giáo Trung ương. Số lượng không quá 30% tổng số giải thưởng của các tác phẩm thông tin đối ngoại đã được quy định tại Khoản 1, Điều 8 Quy chế này.

 Điều 9. Quyền lợi của các tác giả đoạt Giải thưởng

 1. Đối với tác phẩm, sản phẩm đoạt Giải, phần thưởng gồm có:

 - Biểu trưng của Giải thưởng toàn quốc về thông tin đối ngoại.

 - Chứng nhận của Hội đồng Giải thưởng.

 - Tiền thưởng theo quy định Giải thưởng.

 2. Đối với các đơn vị, tập thể hoặc cá nhân được tặng Bằng khen:

 - Bằng khen của Ban Tuyên giáo Trung ương.

 - Tiền thưởng theo quy định của Nghị định số 91/2017/NĐ-CP, ngày 31/7/2017 của Thủ tướng Chính phủ Quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Thi đua, Khen thưởng.

 Điều 10. Hội đồng Giải thưởng, Ban Tổ chức và Ban Thư ký

1. Hội đồng Giải thưởng do Ban Tuyên giáo Trung ương quyết định thành lập. Thành phần Hội đồng Giải thưởng gồm đại diện Lãnh đạo các ban, bộ, ngành: Ban Chỉ đạo Công tác thông tin đối ngoại; Ban Tuyên giáo Trung ương; Bộ Ngoại giao; Bộ Thông tin và Truyền thông; Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Bộ Khoa học và Công nghệ; Tổng cục Chính trị Quân đội Nhân dân Việt Nam; Báo Nhân dân; Thông tấn xã Việt Nam; Đài Truyền hình Việt Nam; Đài Tiếng nói Việt Nam; Hội Nhà báo Việt Nam; Hội Xuất bản Việt Nam. Đồng chí Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo Công tác thông tin đối ngoại làm Chủ tịch Hội đồng Giải thưởng.

 Hội đồng Giải thưởng có nhiệm vụ:

Xây dựng kế hoạch và chỉ đạo các đơn vị liên quan triển khai các nội dung công việc của Giải thưởng theo kế hoạch đã phê duyệt.

Thành lập Hội đồng Sơ khảo, Hội đồng Chung khảo, Ban Tổ chức và Ban thư ký Giải thưởng.

Xây dựng và ban hành Quy chế xét tặng Giải thưởng; thực hiện việc xét tặng Giải thưởng toàn quốc về thông tin đối ngoại lần thứ VII.

Tổ chức Lễ trao giải và tổng kết, đánh giá kết quả thực hiện Giải thưởng toàn quốc về thông tin đối ngoại lần thứ VII.

Hội đồng Giải thưởng được sử dụng con dấu của Ban Tuyên giáo Trung ương trong quá trình hoạt động; được quyền sử dụng tác phẩm, sản phẩm đoạt giải để phục vụ công tác thông tin đối ngoại.

2. Ban Tổ chức Giải thưởng do Ban Tuyên giáo Trung ương quyết định thành lập. Thành phần Ban Tổ chức gồm đại diện cấp vụ các ban, bộ, ngành: Ban Tuyên giáo Trung ương; Bộ Ngoại giao; Bộ Thông tin và Truyền thông; Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Bộ Khoa học và Công nghệ; Tổng cục Chính trị Quân đội Nhân dân Việt Nam; Báo Nhân dân; Thông tấn xã Việt Nam; Đài Truyền hình Việt Nam; Đài Tiếng nói Việt Nam; Hội Nhà báo Việt Nam; Hội Xuất bản Việt Nam.

 Ban Tổ chức có nhiệm vụ giúp việc cho Hội đồng Giải thưởng tổ chức các hoạt động của Giải thưởng theo mục tiêu, yêu cầu đã đề ra; theo dõi, báo cáo Hội đồng Giải thưởng tình hình triển khai thực hiện các nhiệm vụ được giao và tham mưu để tổ chức tổng kết, trao Giải thưởng.

3. Ban Thư ký do Ban Tuyên giáo Trung ương quyết định thành lập. Thành phần Ban Thư ký gồm cán bộ cấp phòng, chuyên viên của Ban Tuyên giáo Trung ương và Cơ quan thường trực Giải thưởng.

 Ban Thư ký có nhiệm vụ:

Giúp Ban Tổ chức theo dõi, đôn đốc việc thực hiện kế hoạch tổ chức Giải thưởng, tổng hợp báo cáo tình hình tiến độ, kết quả tiếp nhận tác phẩm dự thi.

Tiếp nhận, tổng hợp, phân loại các tác phẩm dự thi theo đúng Quy chế, Thể lệ Giải thưởng đã được ban hành.

Chuẩn bị nội dung các cuộc họp của Hội đồng Giải thưởng, Hội đồng Sơ khảo và Hội đồng Chung khảo; tham mưu, chuẩn bị tổng kết, trao giải thưởng.

Dự trù kinh phí phục vụ triển khai Giải thưởng và thực hiện các thủ tục thanh quyết toán theo quy định của Nhà nước.

Thực hiện các nhiệm vụ khác do Hội đồng Giải thưởng phân công.

 Điều 11. Quy trình xét, công bố và trao Giải thưởng

1. Hội đồng chấm Giải

Hội đồng chấm giải gồm Hội đồng Sơ khảo và Hội đồng Chung khảo do Chủ tịch Hội đồng Giải thưởng quyết định thành lập. Hội đồng chấm giải xây dựng Quy chế chấm giải phù hợp với yêu cầu của Giải thưởng, Luật Báo chí, Luật Xuất bản, Luật Bản quyền, Luật Sở hữu trí tuệ và các quy định pháp luật liên quan.

 Hội đồng Sơ khảo có trách nhiệm xét chọn sơ tuyển các tác phẩm, sản phẩm xuất sắc trên các tiêu chí định tính và định lượng phù hợp, tìm ra các sản phẩm có giá trị quảng bá tích cực hình ảnh đất nước, văn hóa, con người Việt Nam ra thế giới, theo từng ngôn ngữ mà tác phẩm được trình bày để đề cử vào vòng chung khảo.

 Hội đồng Sơ khảo chấm trực tiếp trên bản tiếng nước ngoài. Đối với tác phẩm sách và các sáng kiến, ý tưởng, sản phẩm có giá trị thông tin đối ngoại, có thể chấm trên bản dịch. Các tác phẩm báo chí bằng tiếng Việt, khuyến khích gửi kèm bản tiếng nước ngoài nếu đã được đăng tải trên các phương tiện báo chí bằng tiếng nước ngoài.

 Hội đồng Chung khảo tiến hành đánh giá, thẩm định và lựa chọn các tác phẩm xuất sắc nhất trên cơ sở xét chọn của Hội đồng Sơ khảo để trình Hội đồng Giải thưởng xem xét, quyết định.

 Trên cơ sở kết quả xét chọn của Hội đồng Chung khảo, Hội đồng Giải thưởng có trách nhiệm thẩm định và báo cáo Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Trưởng Ban Chỉ đạo Công tác thông tin đối ngoại Trung ương phê duyệt danh sách các tác phẩm đoạt giải (thông qua Thường trực Hội đồng Thi đua Khen thưởng Ban Tuyên giáo Trung ương).

 Số lượng giải do Hội đồng Giải thưởng quyết định trên cơ sở Quy chế Giải thưởng. Việc lựa chọn các tác phẩm xuất sắc để trao giải không nhất thiết phải xét đủ số lượng giải thưởng của mỗi loại hình dự thi.

 Tổng số giải thưởng được trao hàng năm không vượt quá quy định tại Điều 8 của Quy chế này.

2. Thời gian tổ chức Lễ công bố và trao Giải thưởng toàn quốc về thông tin đối ngoại do Lãnh đạo Ban Chỉ đạo Công tác thông tin đối ngoại, Lãnh đạo Ban Tuyên giáo Trung ương quyết định.

Điều 12. Cơ quan Thường trực Giải thưởng

Các cơ quan luân phiên đảm nhiệm thường trực Giải thưởng hằng năm gồm: Thông tấn xã Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, Báo Nhân dân. Cơ quan thường trực Giải thưởng lần thứ VII là Đài Tiếng nói Việt Nam, có nhiệm vụ:

1. Phối hợp với các đơn vị liên quan giúp Hội đồng Giải thưởng tổ chức triển khai, phổ biến, hướng dẫn thực hiện Quy chế Giải thưởng tới các đơn vị, cá nhân có liên quan.

2. Làm đầu mối thu nhận, tổng hợp và phân loại các tác phẩm thông tin đối ngoại dự thi; xây dựng hồ sơ danh sách tác phẩm.

3. Phối hợp với Ban Thư ký Giải thưởng nhân sao các tác phẩm để gửi cho Hội đồng Sơ khảo, Hội đồng Chung khảo xét chọn.

4. Phối hợp, hỗ trợ về cơ sở vật chất phục vụ quá trình làm việc của Hội đồng Giải thưởng và Hội đồng chấm Giải.

5. Phối hợp với các đơn vị tổ chức Họp báo phát động và Lễ trao Giải thưởng.

6. Phối hợp với các đơn vị liên quan huy động hợp pháp nguồn tài trợ từ các cơ quan, đơn vị hỗ trợ cho công tác tổ chức Giải thưởng (nếu được phép).

Điều 13. Kinh phí thực hiện Giải thưởng

1. Kinh phí tổ chức Giải thưởng toàn quốc về thông tin đối ngoại hằng năm được bố trí từ nguồn kinh phí thường xuyên của Ban Tuyên giáo Trung ương (thông tin đối ngoại) theo quy định của Luật Ngân sách Nhà nước và nguồn huy động hợp pháp của các tổ chức, cá nhân (nếu có).

2. Kinh phí tổ chức Giải thưởng hàng năm được chi cho các nội dung như sau:

Kinh phí hoạt động của Hội đồng Giải thưởng, Ban Tổ chức, Ban Thư ký Giải thưởng;

- Kinh phí hoạt động của Hội đồng Sơ khảo và Hội đồng Chung khảo. Đối với các tác phẩm bằng tiếng nước ngoài, nhất là các tiếng không thông dụng, Hội đồng Giải thưởng sẽ quyết định mức thù lao chấm bài dự thi;

- Kinh phí cho công tác tuyên truyền về Giải thưởng và các khoản chi khác;

- Kinh phí tổ chức Lễ trao Giải thưởng;

- Kinh phí hỗ trợ tác giả, đại diện nhóm tác giả người nước ngoài đoạt giải Nhất, Nhì đến tham dự Lễ trao giải và nhận giải (nếu có) sẽ do Hội đồng Giải thưởng quyết định.

3. Tiền Giải thưởng được sử dụng từ nguồn kinh phí thường xuyên của Ban Tuyên giáo Trung ương (thông tin đối ngoại) và nguồn huy động hợp pháp của các tổ chức, cá nhân (nếu có).

Chương III
TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Điều 14. Tổ chức thực hiện

1. Vụ Thông tin đối ngoại và Hợp tác quốc tế, Ban Tuyên giáo Trung ương, Văn phòng Ban Chỉ đạo Công tác thông tin đối ngoại có trách nhiệm phối hợp với Thường trực Hội đồng Thi đua Khen thưởng Ban Tuyên giáo Trung ương và Hội đồng Giải thưởng tổng hợp, trình Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương ban hành Quyết định khen thưởng cho các tác giả có tác phẩm đoạt Giải thưởng theo quy định của Quy chế này.

2. Văn phòng Ban Tuyên giáo Trung ương phối hợp với Vụ Thông tin đối ngoại và Hợp tác quốc tế, Ban Tuyên giáo Trung ương, Văn phòng Ban Chỉ đạo Công tác thông tin đối ngoại hướng dẫn sử dụng kinh phí của Giải thưởng theo quy định hiện hành của Nhà nước và quy định tại Quy chế này.

3. Vụ Thông tin đối ngoại và Hợp tác quốc tế, Ban Tuyên giáo Trung ương, Văn phòng Ban Chỉ đạo Công tác thông tin đối ngoại phối hợp với Cơ quan thường trực hoàn thiện các văn bản có liên quan phục vụ Giải thưởng; xây dựng phương án kinh phí Giải thưởng và huy động nguồn lực xã hội hóa (nếu có).

4. Các thành viên Hội đồng Giải thưởng và các cơ quan, đơn vị, cá nhân liên quan có trách nhiệm phối hợp triển khai tổ chức Giải thưởng theo quy định tại Quy chế này.

5. Trong quá trình thực hiện, nếu thấy có vấn đề chưa phù hợp, Hội đồng Giải thưởng và các tổ chức, cá nhân phản ánh về Ban Chỉ đạo Công tác thông tin đối ngoại để xem xét, quyết định.

Điều 15. Giải quyết khiếu nại, tố cáo và xử lý vi phạm

1. Các cá nhân có quyền khiếu nại về kết quả xét trao Giải thưởng và những vi phạm quy định, trình tự, thủ tục xét trao Giải thưởng. Đơn khiếu nại phải ghi rõ họ tên, địa chỉ, lý do khiếu nại và gửi tới Cơ quan thường trực Giải thưởng. Cơ quan thường trực Giải thưởng có trách nhiệm xem xét và trả lời đơn khiếu nại, báo cáo kết quả giải quyết khiếu nại lên Hội đồng Giải thưởng. Không xem xét đơn không có tên, địa chỉ rõ ràng hoặc mạo danh.

2. Tác phẩm tham dự Giải thưởng nếu vi phạm Luật Báo chí, Luật Xuất bản, Luật Bản quyền, Luật Sở hữu trí tuệ và các quy định của Nhà nước có liên quan và Quy chế này, Hội đồng Giải thưởng sẽ thu hồi Giải thưởng, thông báo cơ quan chức năng để giải quyết theo quy định của pháp luật./.

Nguồn: Ban Tổ chức Giải thưởng

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất