|
Một góc Thành phố Hồ Chí Minh hôm nay (Ảnh: nhandan.com.vn) |
Sức lan tỏa sâu, rộng
TP. Hồ Chí Minh vừa là nơi thu hút đầu tư, cũng là nơi lan tỏa các phong trào, thi đua yêu nước. Đến thành phố mang tên Bác, ta có thể cảm nhận sự sôi động diễn ra ở các lĩnh vực trong đời sống kinh tế, xã hội. Đó là những tập thể, cá nhân ngày đêm hăng say thi đua xây dựng quê hương, đất nước đẹp giàu. Ngành thuế với “Công chức Thuế thu được thuế - thu được lòng dân”; Cục Hải quan thành phố “Thân thiện - Minh bạch - Hiệu quả”; Phong trào “Nụ cười Bưu điện”; ngành tài chính thi đua “Đẩy mạnh cải cách hành chính”; Tổng Công ty Du lịch Sài Gòn “Luyện tay nghề, thi thợ giỏi”.
Sức lan tỏa mạnh mẽ nhất là các phong trào: "Cả thành phố chung sức xây dựng nông thôn mới"; cuộc vận động "Vì người nghèo" gắn với sáu Chương trình đột phá của thành phố; “Học tập, làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, với nhiều mô hình phong phú, thiết thực được người dân thành phố đồng tình và tích cực tham gia hưởng ứng. Các phong trào này đóng vai trò làm đòn bẩy, tạo động lực tháo gỡ nhiều vấn đề khó khăn, bức xúc trong sản xuất, kinh doanh, tăng năng suất lao động, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân.
Từ các phong trào thi đua, thành phố phát hiện nhiều gương điển hình, nhân tố mới cần nhân rộng, tạo sự lan tỏa, khuyến khích tinh thần thi đua của các tập thể, cá nhân. Bảo hiểm xã hội quận 3 đi đầu về ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý các chế độ Bảo hiểm; Công ty TNHH MTV Việt Nam Kỹ nghệ súc sản (VISSAN), 18 năm liền nỗ lực cung cấp đủ nguồn thực phẩm an toàn, với giá ổn định cho người dân; hàng chục nghìn cán bộ, nhân viên thuộc Liên hiệp Hợp tác xã TP. Hồ Chí Minh (Saigon Co.op - đơn vị hàng đầu lĩnh vực bán lẻ) “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”...
Phong trào thi đua còn lan tỏa sâu, rộng đến đội ngũ công nhân, nông dân, học sinh, sinh viên và các tầng lớp xã hội. Những tấm gương như: Anh công nhân Nguyễn Mai Phương, Công ty CP Cấp nước Phú Hòa Tân, với sáng kiến “Quản lý công tác Đọc số HandHeld”, đã giảm được ba lao động, giảm thời gian cập nhật, tra cứu thông tin và nâng cao hiệu quả quản lý; tỷ phú nông dân Nguyễn Thị Hường (huyện Hóc Môn), từ lúc nuôi 40 con bò sữa, rồi cùng hàng trăm hộ nông dân lập ra hợp tác xã sản xuất nông nghiệp, phổ biến kỹ thuật chăn nuôi tiên tiến và tổ chức thu mua sữa tươi cho các hộ nuôi bò sữa trên địa bàn đúng giá thị trường. Nhà sư Thích Thiện Chiếu, trụ trì chùa Kỳ Quang (quận Gò Vấp) lập cơ sở đào tạo hướng nghiệp cho trẻ không nơi nương tựa, khuyết tật và phòng khám từ thiện giúp trẻ em chịu nhiều thiệt thòi có cơ hội trở về với cộng đồng. Đó còn là Nguyễn Dương Kim Hảo, học sinh lớp 9, Trường THCS Nguyễn Gia Thiều, quận Tân Bình sở hữu nhiều sáng kiến độc đáo về công nghệ thông tin, đoạt giải sáng tạo của Viện Hàn lâm Hàn Quốc, như: tắt thiết bị điện khi ra ngoài, máy tính hóa học bỏ túi, cân bằng phương trình...
Phát biểu ý kiến trong lễ tổng kết phong trào thi đua yêu nước tại TP. Hồ Chí Minh vừa qua, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang khẳng định: Trong suốt chặng đường lịch sử đã qua, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố luôn khắc sâu làm theo lời dạy của Bác. Thành phố liên tục là địa phương dẫn đầu phong trào thi đua của cả nước. Nhiều phong trào thi đua yêu nước do thành phố phát động như: giảm nghèo, tăng hộ khá, bảo trợ bệnh nhân nghèo, chung sức xây dựng nông thôn mới, vì biển, đảo quê hương, vì tuyến đầu Tổ quốc… được thực hiện và mang lại kết quả cao, tạo động lực, khí thế để thực hiện thắng lợi mục tiêu đề ra. TP. Hồ Chí Minh cần tiếp tục quán triệt sâu sắc tư tưởng về thi đua yêu nước của Bác Hồ; tăng cường tuyên truyền, vận động thu hút sự tham gia tích cực của đảng viên và đông đảo nhân dân; đổi mới cả nội dung lẫn hình thức thi đua, các phong trào thi đua phải có mục tiêu, nội dung cụ thể, gắn với nhiệm vụ chính trị của thành phố.
Thi đua cần chiều sâu và thực chất
Để có được tổng sản phẩm nội địa của thành phố tăng bình quân 9,6% mỗi năm, gấp 1,66 lần mức bình quân cả nước, 5 năm qua, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố đã nỗ lực vượt qua khó khăn thử thách, từng bước đổi mới công tác tổ chức phong trào thi đua yêu nước. Các cấp, các ngành phát huy tính năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm trong việc thực hiện các phong trào thi đua yêu nước. Nhiều tập thể, cá nhân điển hình tiên tiến được phát hiện, biểu dương kịp thời; nhiều phong trào thi đua yêu nước của nhân dân thành phố được nhân rộng, lan tỏa, như xóa đói, giảm nghèo và xây dựng nông thôn mới trở thành phong trào chung của cả nước.
Trong 5 năm qua, toàn thành phố có hơn 93.000 hộ đã vượt chuẩn nghèo (thu nhập 16 triệu đồng/người/năm) và đang hướng đến giai đoạn “tăng hộ khá”. Đến nay, thành phố còn 20.243 hộ nghèo (chiếm tỷ lệ 1,03% tổng hộ dân) và 51.955 hộ cận nghèo, thu nhập từ 16 đến 21 triệu đồng/người/năm. Có 50 trong số 56 xã tại TP. Hồ Chí Minh cơ bản đạt chuẩn nông thôn mới và huyện Củ Chi đã được Chính phủ công nhận đạt chuẩn nông thôn mới. Bên cạnh đó, thành phố huy động hơn 18.000 tỷ đồng từ ngân sách nhà nước, các thành phần kinh tế, từ nhân dân tiếp tục xây dựng các công trình giao thông, thủy lợi, văn hóa - xã hội - y tế,... thúc đẩy phát triển sản xuất, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần người dân, góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động và thu hút doanh nghiệp đầu tư về khu vực nông thôn.
Theo Ban Thi đua - Khen thưởng TP. Hồ Chí Minh, 5 năm qua (2010 - 2015) thành phố đã tặng 1.998 Cờ Thi đua xuất sắc; 69.543 tập thể và cá nhân được tặng Bằng khen; công nhận 19.354 Chiến sĩ thi đua cấp thành phố và tuyên dương, khen thưởng nhiều tập thể, cá nhân có đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội.
Đồng chí Đỗ Văn Đạo, Trưởng ban Thi đua - Khen thưởng TP. Hồ Chí Minh thẳng thắn cho rằng, để thi đua đi vào thực chất, cần khuyến khích mỗi tập thể, cá nhân làm tốt công việc của mình. Thi đua với khen thưởng phải luôn luôn song hành. Những việc làm tốt phải được khen thưởng xứng đáng. Tuy nhiên, hình thức khen thưởng hiện nay còn nặng tính hình thức, xin - cho. Người có công, nếu cơ quan chủ quản không đề nghị, sẽ không được khen thưởng. Không ít trường hợp có thành tích bình thường, nhưng vẫn được khen. Điều này làm giảm động lực phấn đấu của tập thể, cá nhân tích cực, ảnh hưởng phong trào thi đua yêu nước. Chính vì vậy, cần đổi mới chính sách khen thưởng theo hướng có sáng kiến, phát minh, có đóng góp lớn cho xã hội, thì nên thưởng xứng đáng. Các cấp quản lý, cơ quan chủ quản khi phát hiện những tập thể, cá nhân có công lao, thành tích… cần chủ động làm báo cáo thành tích tránh để người có thành tích tự đề xuất. Mặt khác, người đứng đầu đơn vị cần gương mẫu, tích cực trong phong trào thi đua.
Để phong trào thi đua đi vào thực chất, có chiều sâu, nhiệm vụ trọng tâm của các phong trào thi đua trong 5 năm tới, là xây dựng Đảng bộ TP. Hồ Chí Minh thật sự trong sạch, vững mạnh, bảo đảm hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, không ngừng đổi mới, năng động, sáng tạo, giữ vững ổn định chính trị - xã hội, nâng cao chất lượng tăng trưởng và năng lực cạnh tranh của kinh tế thành phố, đi đôi với bảo vệ môi trường, nâng cao chất lượng cuộc sống người dân, bảo đảm an sinh xã hội. Xây dựng TP. Hồ Chí Minh văn minh, hiện đại, nghĩa tình, đóng vai trò động lực trong sự nghiệp công nghiệp hóa - hiện đại hóa; từng bước trở thành trung tâm về kinh tế, tài chính, thương mại, khoa học - công nghệ của đất nước và khu vực Đông - Nam Á. Thành phố kêu gọi các tầng lớp nhân dân, các giới đồng bào hãy cùng chung sức, chung lòng, đoàn kết, quyết tâm phấn đấu, hưởng ứng một cách thiết thực nhất các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động do Đảng, Nhà nước, chính quyền, MTTQ và các đoàn thể phát động, góp phần hoàn thành thắng lợi mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội TP. Hồ Chí Minh và đất nước./.
Nguồn: nhandan.com.vn