
|
Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh trao Huân chương Độc lập hạng Nhất lần 2 cho Bộ Xây dựng (Ảnh: baoxaydung.com.vn)
|
Thi đua gắn thực tiễn
Bám sát định hướng Đại hội XI của Đảng: “Phát triển ngành Xây dựng đạt trình độ tiên tiến trong khu vực”, trong năm năm qua, ngành xây dựng luôn xác định tổ chức thực hiện có hiệu quả phong trào thi đua yêu nước là một động lực chính để hoàn thành thắng lợi mục tiêu, nhiệm vụ của toàn ngành.
Để thi đua đạt hiệu quả, ngành đã đổi mới cách tổ chức với nhiều hình thức nội dung phong phú, với tiêu chí cụ thể, bám sát nhiệm vụ, điều kiện thực tế của từng đơn vị từ quản lý nhà nước đến sản xuất kinh doanh. Điển hình là các phong trào “Lao động giỏi, Lao động sáng tạo” với mục tiêu “Năng suất, chất lượng, hiệu quả, bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động”; hay phong trào “Thực hành tiết kiệm, chống tham nhũng, chống lãng phí, chống các tệ nạn xã hội”; Các cuộc vận động: “Bảo đảm và nâng cao chất lượng công trình sản phẩm ngành Xây dựng”; “Tổ chức điều kiện sống và làm việc cho công nhân viên chức ngành Xây dựng”;...
Bộ Xây dựng và Công đoàn Xây dựng Việt Nam phối hợp, chỉ đạo các đơn vị trong ngành đã phát động 1.500 đợt, chiến dịch thi đua và có 336 công trình đăng ký chào mừng các sự kiện trọng đại của đất nước. Các phong trào đã phát triển không ngừng cả về quy mô và chất lượng, tập trung giải quyết những vấn đề thực tiễn đặt ra, gắn với thực hiện nhiệm vụ trọng tâm của từng cơ quan, đơn vị, và trở thành động lực phấn đấu của các tập thể, cá nhân trong lao động, sản xuất, học tập và công tác.
Trong hoạt động quản lý nhà nước, nội dung thi đua được cụ thể hóa, gắn với từng nhiệm vụ chuyên môn, đặc thù công tác của đơn vị, với yêu cầu nâng cao hiệu lực và hiệu quả. Một trong những kết quả nổi bật là công tác hoàn thiện thể chế. Theo đó, Bộ đã chủ động đề xuất, đẩy nhanh tiến độ và nâng cao chất lượng soạn thảo nhiều văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực đầu tư - xây dựng thuộc thẩm quyền ban hành của Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và của Bộ Xây dựng, với nhiều quan điểm đổi mới có tính đột phá, xác định rõ trách nhiệm của nhà nước, xã hội, các cấp, ngành, doanh nghiệp, nội dung phủ kín các lĩnh vực quản lý, tạo môi trường đầu tư thông thoáng, thuận lợi nhằm thu hút và phân bổ hợp lý các nguồn lực cho đầu tư phát triển; hạn chế thất thoát, lãng phí, tiêu cực, nhất là đối với các dự án đầu tư có sử dụng vốn nhà nước; bảo đảm kết hợp hài hòa giữa phát triển kinh tế với thực hiện chính sách an sinh xã hội.
Tại các đơn vị sản xuất, kinh doanh, nội dung thi đua cũng được cụ thể hóa bằng các phong trào, chiến dịch thi lao động sáng tạo, sáng kiến cải tiến kỹ thuật, phấn đấu vượt tiến độ các công trình, dự án, bảo đảm chất lượng cao.. Tiêu biểu là các chiến dịch, đợt thi đua cao điểm trên công trình xây dựng Nhà Quốc hội, Thủy điện Sơn La, Lai Châu, Nậm Chiến, Nhà máy Nhiệt điện Mông Dương, gói thầu A 8 dự án đường cao tốc Hà Nội – Lào Cai, nhà ga T2 Sân bay Nội Bài, cầu Thanh Trì,... đã rút ngắn thời gian, tăng năng suất lao động, giảm chi phí và tiết kiệm vốn đầu tư. Nổi bật là việc đưa Nhà máy thủy điện Sơn La vào vận hành trước tiến độ ba năm làm lợi gần 40.000 tỷ đồng; tại công trình Nhà máy thủy điện Lai Châu đã tổ chức 46 đợt thi đua, giúp bảo đảm tiến độ phát điện tổ máy số 1 vào cuối năm 2015, tiến tới hoàn thành toàn bộ công trình vào năm 2016, sớm hơn một năm so với tiến độ phê duyệt; Phong trào “Phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật”, “Luyện tay nghề, thi thợ giỏi”, đã có hơn 3.000 sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, đề tài khoa học các cấp, làm lợi cho các đơn vị 1.217,20 tỷ đồng; 95 cá nhân có sáng kiến, cải tiến kỹ thuật được nhận Bằng Lao động sáng tạo của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam...
 |
Phát động thi đua trên công trường xây dựng Nhà máy
nhiệt điện Thái Bình (Ảnh: nhandan.com.vn) |
Đổi mới cả lượng và chất
Bên cạnh đó, ngành đã chú trọng việc kịp thời phát hiện, biểu dương, khen thưởng và nhân rộng các điển hình tiên tiến. Công tác khen thưởng có nhiều đổi mới, bảo đảm công khai, chính xác, đúng người, đúng việc, song hướng chú trọng đến người trực tiếp lao động sản xuất, hay khen thưởng “nóng” nhiều trường hợp đột xuất có thành tích xuất sắc. Ngành luôn gắn thi đua với khen thưởng, lấy thi đua là cơ sở, căn cứ là tiêu chí để khen thưởng. Khen thưởng là điều kiện, động lực thúc đẩy phong trào thi đua, tạo nên thành công và hiệu quả phong trào thi đua toàn Ngành.
Việc kịp thời biểu dương, tôn vinh các tấm gương lao động cả về tinh thần và vật chất đã khích lệ người lao động sáng tạo, phấn đấu, tạo sức lan tỏa sâu rộng trong toàn ngành. Trải qua 5 năm, ngành xây dựng đã tôn vinh 1.190 cá nhân điển hình tiên tiến, trở thành những tấm gương tiêu biểu cho các tập thể và lao động trong ngành làm theo và nhân rộng.
Các phong trào thi đua không chỉ giúp ngành xây dựng hoàn thành thắng lợi các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội, mà còn góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, tạo sức mạnh đoàn kết và quyết tâm cho người lao động trong toàn ngành.
Giai đoạn 2016 – 2020, ngành Xây dựng xác định mục tiêu tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng toàn diện công tác thi đua khen thưởng, với chủ đề “ Đoàn kết, đổi mới, sáng tạo, kỷ cương, phát triển bền vững”.
Để công tác thi đua khen thưởng thực sự trở thành ý thức và trách nhiệm thường xuyên của các cấp ủy, lãnh đạo và cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, ngành yêu cầu các cấp ủy, tổ chức đảng cần tăng cường sự chỉ đạo các phong trào thi đua, khen thưởng, đưa nội dung này vào chương trình công tác hàng năm, bảo đảm tính thiết thực, hiệu quả; Không ngừng đổi mới toàn diện công tác thi đua, khen thưởng về cả nội dung, hình thức và phương pháp; gắn với cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”; Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, kịp thời phát hiện, biểu dương và nhân rộng các điển hình tiên tiến, chú trọng khen thưởng những tập thể nhỏ, cá nhân trực tiếp; Tiếp tục hoàn thiện hệ thống thể chế pháp luật và kiện toàn bộ máy làm công tác thi đua, khen thưởng...
Kết quả khen thưởng 5 năm (giai đoạn 2010-2015) của Ngành Xây dựng:
- Khen thưởng cấp Nhà nước : 01 cá nhân đạt danh hiệu Anh hùng lao động, 29 cá nhân đạt Chiến sĩ thi đua toàn quốc, 136 tập thể và 530 cá nhân được tặng thưởng Huân chương các loại, 244 tập thể và 529 cá nhân được nhận Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, 151 tập thể được tặng Cờ thi đua của Chính phủ.
- Khen thưởng cấp Bộ: 533 tập thể được tặng Cờ thi đua của Bộ Xây dựng, 3.184 tập thể và 12.826 cá nhân được tặng Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Xây dựng, 6.455 Tập thể lao động xuất sắc, 6.437 cá nhân đạt Chiến sĩ thi đua ngành, 6.147 cá nhân được nhận Kỷ niệm chương Vì sự nghiệp Xây dựng.
Nguồn: nhandan.com.vn