(TTĐN) - Từ phong trào thi đua “Diệt giặc đói, diệt giặc dốt, diệt giặc ngoại xâm”, “Bình dân học vụ” đến phong trào thi đua “Hai tốt”, hiện nay là các phong trào "Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực", cuộc vận động "Hai không", "Mỗi thầy cô giáo là một tấm gương đạo đức tự học và sáng tạo", phong trào "Xã hội hóa trong giáo dục" và rất nhiều các phong trào khác được phát động sâu rộng, có sức lan tỏa mạnh mẽ để ngành Giáo dục và Đào tạo tỉnh Hà Giang vượt qua những khó khăn, nâng cao chất lượng dạy và học, góp phần quan trọng vào công cuộc phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

|
Lễ khai mạc cuộc thi Olympic Toán
tuổi thơ cấp Thành phố năm học 2014 - 2015 tại trường THCS Yên Biên, Thành phố
Hà Giang
(Ảnh: hagiang.gov.vn)
|
Năm 1948, sau khi ra "Lời kêu gọi thi đua ái quốc", để thực hiên nhiệm vụ diệt giặc dốt và động viên phong trào thi đua trong ngành Giáo dục, Bác Hồ đã trực tiếp viết thư gửi anh chị em cán bộ bình dân học vụ. Bác khẳng định: “Nhiệm vụ của các cô giáo, thầy giáo rất nặng nề nhưng rất vẻ vang. Muốn làm tròn nhiệm vụ đó thì phải luôn luôn gương mẫu về mọi mặt, không ngừng bồi dưỡng đạo đức cách mạng, lập trường chính trị; phải ra sức đoàn kết giúp đỡ nhau cùng tiến bộ" và “dù khó khăn đến đâu cũng phải tiếp tục thi đua dạy tốt và học tốt”.
Từ đó cho đến nay, phong trào thi đua "Hai tốt" - dạy tốt và học tốt diễn ra sôi nổi, rộng khắp trên cả nước, trong đó có tỉnh Hà Giang, địa bàn miền núi biên giới còn nhiều khó khăn. Hiện nay, phong trào thi đua “dạy tốt, học tốt” đã phát triển lên một bước mới. Thi đua “dạy tốt, học tốt” được cụ thể hóa thành các cuộc vận động và các phong trào cụ thể để nâng cao chất lượng công tác giáo dục và đào tạo, khắc phục khó khăn cơ bản của một tỉnh nghèo.
Đến hết năm 2014, toàn ngành có 639 đơn vị trường học, tăng 29 trường so với cùng kỳ năm 2010, 114 trường đạt chuẩn Quốc gia. Chất lượng giáo dục không ngừng được cải thiện, tỷ lệ huy động học sinh trong độ tuổi từ 6 đến 14 tuổi đến trường hàng năm duy trì và đạt tỷ lệ 98,3%; tỷ lệ học sinh lưu ban, bỏ học giảm. Tỷ lệ học sinh giỏi cấp trường, cấp huyện, thành phố, cấp tỉnh và cấp Quốc gia tăng so với đầu nhiệm kỳ. Ngành luôn giữ vững và duy trì tốt kết qủa phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi và phổ cập giáo dục THCS.
Đến nay có 177/195 xã, phường, thị trấn; 6/11 huyện, thành phố của tỉnh Hà Giang được công nhận đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi. Phấn đấu tỉnh được công nhận phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi trong năm 2015. Nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo, các đề án phát triển trường học cũng được triển khai như: Đề án phát triển trường THPT Chuyên, trường chất lượng cao, Đề án thành lập trường PTDT Bán trú; Đề án quy hoạch tổng thể ngành Giáo dục và Đào tạo đến năm 2020 đã đáp ứng quy mô giáo dục đại trà, phù hợp với giáo dục vùng dân tộc, chú trọng giáo dục chất lượng cao. "Dạy tốt học tốt" trở thành phong trào thi đua nền tảng cho các phong trào, các cuộc vận động khác của ngành Giáo dục và Đào tạo.Phong trào thi đua "Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực" được Bộ Giáo dục và Đào tạo phát động từ năm học 2008 - 2009 nhằm mục tiêu huy động các lực lượng trong và ngoài nhà trường xây dựng môi trường giáo dục an toàn, thân thiện, hiệu quả, phù hợp với điều kiện thực tế, đáp ứng nhu cầu của xã hội. Ngay từ những năm đầu tiên, các cơ sở giáo dục trên toàn tỉnh đã tích cực hưởng ứng phong trào này, và từ đây, phong trào đã tạo nên những chuyển biến tích cực, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện của các nhà trường.
Cuộc vận động “Mỗi thầy, cô giáo là một tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo” là sự vận dụng sáng tạo nội dung cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” cho phù hợp với đặc thù của ngành giáo dục - đào tạo. Từ cuộc vận động này, đội ngũ những nhà giáo vùng cao Hà Giang đã có chuyển biến tích cực về nhận thức và hành động, ý thức tổ chức, kỷ luật không ngừng được nâng cao. Chất lượng đội ngũ nhà giáo được nâng lên cả về trình độ chính trị, chuyên môn, nghiệp vụ sư phạm, ngoại ngữ, tin học. Phần lớn có bản lĩnh chính trị vững vàng, phẩm chất đạo đức tốt, yêu ngành, yêu nghề, có tinh thần trách nhiệm cao, tự bồi dưỡng để nâng cao trình độ đào tạo và năng lực sư phạm. Ngoài ra, rất nhiều các phong trào thi đua khác như: cuộc vận động “Dân số kế hoạch hóa gia đình”, xây dựng gia đình nhà giáo văn hóa, cơ quan văn hóa, trường học có nếp sống văn hóa; trên các lĩnh vực cải cách hành chính, phòng chống tham nhũng, lãng phí… đã được cán bộ, giáo viên, nhân viên, học sinh, sinh viên toàn ngành hưởng ứng và thực hiện nghiêm túc.
Có thể nói, phong trào thi đua yêu nước của ngành giáo dục và đào tạo trong những năm qua là sự kế thừa và phát triển sáng tạo, vận dụng quan điểm, tư tưởng thi đua yêu nước của Chủ tịch Hồ Chí Minh vào điều kiện cụ thể của ngành và các cấp quản lý giáo dục cùng với sự phối hợp chặt chẽ của các tổ chức công đoàn. Phong trào thi đua đã khởi sắc và góp phần vào việc khắc phục khó khăn, phát huy sức mạnh tổng hợp, đưa sự nghiệp giáo dục đào tạo của tỉnh không ngừng phát triển, xứng đáng với sự quan tâm và niềm mong đợi của Đảng bộ và Nhân dân các dân tộc trong tỉnh./.
Nguồn: hagiang.gov.vn