Công an huyện Tịnh Biên: Tích cực trong công tác phòng, chống tội phạm

 Hội nghị triển khai kế hoạch mở đợt cao điểm tấn công, trấn áp tội phạm, đảm bảo an ninh trật tự Tết  Ất Mùi năm 2015 (Ảnh: PV)

Với đặc điểm tuyến biên giới dài, địa hình miền núi hiểm trở và có đông đồng bào dân tộc Khmer sinh sống, trình độ dân trí thấp, nhận thức pháp luật của một bộ phận Nhân dân còn hạn chế đã ảnh hưởng không nhỏ đến công tác bắt, vận động các đối tượng truy nã ra đầu thú.

Qua thống kê hàng năm, Công an huyện Tịnh Biên tiếp nhận và thụ lý hàng chục vụ phạm pháp hình sự. Sau khi gây án, một số đối tượng đã nhanh chân lẩn trốn khỏi địa phương, gây rất nhiều kho khăn cho công tác điều tra, xử lý.

Thượng tá Đào Văn Hùng, Phó trưởng Công an huyện Tịnh Biên, An Giang cho biết: Với đặc thù Tịnh Biên là huyện miền núi, đồng bào dân tộc chiếm khoảng 30% dân số, cho nên đối tượng truy nã là gặp rất nhiều khó khăn: Thứ nhất là do cuộc sống đồng bào dân tộc còn gặp nhiều khó khăn; cho nên, sau khi gây án, các đối tượng đi Bình Dương để kiếm sống nên việc truy tìm rất là khó khăn; thứ hai là huyện Tịnh Biên giáp biên giới Campuchia nên sau khi gây án các đối tượng tìm mọi cách lẩn trốn sang Campuchia, nên việc truy bắt và vận động đối tượng truy nã gặp rất nhiều khó khăn.

Theo hồ sơ quản lý của Công an huyện Tịnh Biên, năm 2015, số đối tượng truy nã đơn vị quản lý là 26 đối tượng, trong đó có 8 đối tượng nguy hiểm và đặc biệt nguy hiểm. Nhưng với tinh thần kiên quyết tấn công tội phạm, cán bộ, chiến sỹ Đội Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội, Công an huyện Tịnh Biên đã vận động, bắt giữ 17 đối tượng, vượt chỉ tiêu cấp trên giao gần 100%. Tuy nhiên, theo quan điểm của lãnh đạo Công an huyện thì biện pháp thuyết phục, vận động đối tượng truy nã ra đầu thù để hưởng chính sách khoan hồng của Đảng, Nhà nước vẫn được ưu tiên hàng đầu.

Trường hợp của Nguyễn Thanh Tùng, sinh năm 1995, trú huyện Tri Tôn là một điển hình. Tùng bị cơ quan điều tra khởi tố về hành vi “Cố ý  gây thương tích”. Do trước đó, giữa Tùng và Võ Thanh Nhân xảy ra mâu thuẫn, nên vào ngày 15/2/2013, khi thấy Nhân đang ngồi chơi game Tùng cầm dao xông vào chém trúng vào tay trái của Nhân 03 nhát, sau đó  Tùng bỏ trốn khỏi địa phương. Chính nhờ sự kiên trì vận động, giải thích của lực lượng Công an nên người thân của Tùng đã liên hệ và gọi Tùng ra đầu thú.

Đối tượng Nguyễn Thanh Tùng chia sẻ: Lúc em trốn đi Sài Gòn làm thì có nghe mấy chú Công an vận động đầu thú được hưởng sự khoan hồng của pháp luật, em suy nghĩ thấy em cũng sai nên em về đầu thú để làm lại cuộc đời không có trốn tránh hoài.

Dẫu biết rằng công tác “tầm nã” luôn gặp nhiều gian nan, vất vả nhưng với thành tích liên tục nhiều năm liền bắt, vận động đối tượng truy nã ra đầu thú luôn đạt và vượt chỉ tiêu cấp trên giao đã phần nào nói lên ý chí quyết tâm, sự mưu trí, gan dạ của những trinh sát hình sự ở huyện miền núi Tịnh Biên.

Các anh đã âm thầm dõi theo từng di biến động của tội phạm để buộc chúng về quy án, trả lại sự công bằng cho bị hại và thể hiện sự nghiêm minh của pháp luât, góp phần giữ trật tự kỷ cương, hạn chế sự gia tăng và phát sinh tội phạm ngoài xã hội.

Thượng tá Đào Văn Hùng khẳng định: Để làm tốt công tác truy bắt và vận động đối tượng truy nã ra đầu thú, trước tiên thì vai trò lãnh đạo quan tâm quán triệt cho toàn lực lượng nhất là lực lượng hình sự, để anh em quán triệt tập trung toàn lực lượng thực hiện công tác này. Trong đó, chú trọng công tác nghiệp vụ cơ bản, bám sát địa bàn, bám sát đối tượng để nắm chắc mọi di biến động của đối tượng, góp phần thực hiện nhiệm vụ Đảng, Nhà nước giao./.

Nguồn: antv.gov.vn

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất