(TTĐN) - Từ đất làng, họ được sinh ra, lớn lên, rồi được học tập, đào tạo trong môi trường quân đội, trở thành người cán bộ, sĩ quan Biên phòng (BP). Về với núi rừng biên giới, nơi phần đông là những ngôi làng người dân tộc thiểu số (DTTS), họ như những “cánh chim Ch’rao” giữa khoảng trời trong xanh để thỏa sức cống hiến. Quá trình công tác, nhiều người đã trưởng thành, đảm nhận những cương vị quan trọng như đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp, chỉ huy cao nhất BĐBP tỉnh, hay đơn giản chỉ là người cán bộ cơ sở bình dị mà vô cùng cao quý trong vòng tay cộng đồng. Chúng tôi đang nói về những người lính BP sinh ra từ đất làng, hiện đang miệt mài cống hiến trên vùng biên giới Gia Lai...
 |
Mộc mạc như người nông dân, Đại úy Rơ Ô Thuy tạo dấu ấn đậm nét trong mô hình phát triển lúa nước ở xã Ia Mơ. (Ảnh: Thái Kim Nga)
|
Đất lành gọi tên biên giới
Chúng tôi gọi địa bàn biên giới tỉnh Gia Lai là mảnh đất lành không phải ở đây có mặt bằng dân trí và điều kiện dân sinh tốt, mà hoàn toàn ngược lại, nếu so sánh với các vùng nội địa. Với tổng diện tích tự nhiên lên đến hơn 140.000ha, trong khi dân số chỉ khoảng 50 ngàn người (gần 60% là đồng bào DTTS) sinh sống trên 48 thôn, làng của 7 xã thuộc 3 huyện, có thể nói, khu vực biên giới tỉnh Gia Lai là nơi có mật độ dân cư thưa thớt và tất nhiên sẽ có những khó khăn nhất định trong đầu tư phát triển về an sinh xã hội.
Tuy nhiên, với những người con sinh ra từ đất làng thì “ngọn núi” lớn kia lại trở thành mảnh đất lành để họ phát huy ưu thế của “người thợ” chuyên đi xây dựng và kiến tạo. Nói một cách hình tượng, họ giống như “đàn Ch’rao” (chim sáo) được bay về tổ ấm của mình, ở đó có sự tương đồng về ngôn ngữ, văn hóa - nơi mà “chỉ cần nhìn vào đôi mắt, tôi đã biết trái tim em muốn nói gì”.
Xin được lấy câu chuyện của Thượng tá Rơ Mah Tuân, Bí thư Đảng ủy, Chính ủy BĐBP Gia Lai (nguyên Đại biểu Quốc hội khóa XIV) làm dẫn chứng. Hơn 20 năm trước, chàng trai trẻ Rơ Mah Tuân tốt nghiệp Học viện BP, được điều động về làm Đội trưởng Vận động quần chúng, Đồn BP Ia Mơ, BĐBP Gia Lai. Ngày ấy, tình hình an ninh trên địa bàn Tây Nguyên diễn biến rất phức tạp. Các thế lực thù địch và bọn phản động đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, kích động người nhẹ dạ cả tin, phá hoại khối đoàn kết dân tộc, tổ chức câu móc, đưa đón vượt biên trái phép.
Xã biên giới Ia Mơ (huyện Chư Prông) mặc dù nằm trong hành lang trọng điểm vượt biên trái phép, nhưng chưa bao giờ là địa bàn trọng điểm để hoạt động phạm pháp này lợi dụng câu móc. Bởi, tại đây có “bức thành trì” vững chắc mang tên thế trận lòng dân được người lính BP, trong đó, có chàng sĩ quan trẻ tuổi sinh ra từ đất làng - Rơ Mah Tuân xây dựng, kiến tạo. Bên cạnh giúp dân xóa đói giảm nghèo, xây dựng đời sống văn hóa, anh cùng với đồng đội đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ biên giới, phòng chống vượt biên trái phép. Đã có không ít đối tượng lạ mặt xâm nhập vào địa bàn thực hiện hành vi phạm pháp, nhưng ngay lập tức bị quần chúng nhân dân phát hiện, bắt giữ.
Thậm chí, có vụ bà con một mình “tương kế tựa kế” tay không dẫn cả đám vượt biên về giao cho đồn BP xử lý. Cùng với đó là những vụ việc truyền bá mê tín dị đoan, duy trì các tập tục lạc hậu trong cộng đồng bị phát hiện, ngăn chặn bởi chính các chủ nhân đất rừng biên giới đã nói lên vai trò không thể thiếu của người lính BP. Địa bàn biên giới lúc bấy giờ tuy khó khăn, thiếu thốn, nhưng lại là mảnh đất lành để những người con sinh ra từ đất làng cống hiến, ngày càng hoàn thiện mình hơn.
Tạo dấu ấn trong công tác dân vận với nhiều cách làm hay, sáng tạo và hiệu quả, Đội trưởng Vận động quần chúng Rơ Mah Tuân còn lập nên “chiến quả” cuộc đời khi hòa nhịp trái tim với cô sơn nữ Rơ Com Tọa ở làng Klăh, xã Ia Mơ. Tình yêu người lính thật giản dị mà ngọt ngào, bên dòng suối Mơ - giữa đất làng, họ có mái ấm gia đình hạnh phúc với những đứa con thơ và khoảng trời bao la để cống hiến và phát triển.
Những “cánh chim Ch’rao” bay về tổ ấm
BĐBP Gia Lai hiện có hơn 100 cán bộ, sĩ quan là người đồng bào DTTS, “rải đều” ở các vị trí công tác từ nhân viên cấp đội, đội trưởng, cán bộ tăng cường xã, đến chỉ huy đồn BP và BĐBP cấp tỉnh (vượt 6,2% so với Nghị quyết Đại hội Đảng bộ BĐBP tỉnh lần thứ XIII, nhiệm kỳ 2020 - 2025 đề ra). Ở bất kỳ cương vị nào, những người con sinh ra từ đất làng vẫn luôn khẳng định tốt vai trò, nhất là những trải nghiệm “ba bám, bốn cùng” ở cơ sở, họ như “đàn chim Ch’rao” được bay về tổ ấm của mình để thỏa sức cống hiến.
 |
Khi “cánh chim Ch’rao” bay về tổ ấm, buôn làng luôn tràn ngập tiếng cười. (Ảnh: Thái Kim Nga)
|
Nếu như xã Ia Dom, huyện Đức Cơ (tỉnh Gia Lai) được ví như ngôi nhà BP khi có đến hàng chục người con hiện đang miệt mài cống hiến trên khắp các nẻo đường biên giới, thì những thôn, làng còn lại (trên khu vực biên giới), bà con nhân dân luôn tự hào và vững tâm khi đồng hành bên cạnh những cán bộ BP sinh ra từ đất làng. Những câu chuyện về “tiểu đội Jrai” ở đội công tác địa bàn Đồn BP Ia Chia, “Tổ 3 người” trong mô hình “phát triển lúa nước” ở xã Ia Mơ, hay làn gió mát đến từ cán bộ tăng cường trong mô hình “tự quản trong đồng bào có đạo” ở xã Ia Pnôn... đã nói lên tất cả.
Giữa đất trời biên giới, họ lặng lẽ như cánh chim Ch’rao, mang tin vui đến với buôn làng bằng tấm lòng, tình yêu thương và trách nhiệm của người lính Cụ Hồ. Ở đó, dẫu có cả sự thăng hoa và trầm lắng trong công việc, nhưng với họ, thắng không kiêu, bại không nản, để “chỉ số tín nhiệm” luôn đạt mức tuyệt đối trong lòng dân biên giới.
Đã từng được trải nghiệm địa bàn cùng “Tổ 3 người” trong mô hình phát triển lúa nước ở xã Ia Mơ do Đồn BP Ia Mơ xây dựng, chúng tôi thấm thía hơn giá trị “cầm tay chỉ việc”, nói thế nào cho dân hiểu và hiểu thế nào khi dân nói. Tại đây, cả Đội trưởng Vận động quần chúng Rơ Ô Thuy (hiện là Thiếu tá, Chính trị viên phó Đồn BP Ia Púch, BĐBP Gia Lai) và hai người còn lại là Thiếu tá quân nhân chuyên nghiệp Lê Ô Y Win và Trung úy quân nhân chuyên nghiệp Ksor Lem không chỉ làm “tròn vai” cán bộ dân vận, mà còn hóa thân thành người nông dân chính hiệu để cùng xuống đồng cày xới đất đai, cùng nâng niu ngọn lúa suốt từ ngày xuống giống cho đến kỳ thu hoạch với bà con.
Họ không chỉ nói nhiều, hiểu nhiều, mà làm cũng rất nhiều, thuần thục từng công đoạn canh tác, từng kỹ năng sử dụng phương tiện cơ giới để cây lúa nước thực sự “bén rễ” trên đất làng. Và, khi chuyện đồng áng đã đi vào quy củ, họ như người nông dân vừa cày xong thửa ruộng, thoải mái đắm mình giữa cánh đồng trong một giấc ngủ trưa.
Chứng kiến những người lính BP sinh ra từ đất làng sống trong vòng tay yêu thương của cộng đồng, chúng tôi chỉ có thể ví họ như cánh chim Ch’rao bay về tổ ấm cho đất trời biên giới đầy ắp những niềm tin./.
Thái Kim Nga
Nguồn: bienphong.com.vn