(TTĐN) - Tỉnh Quảng Nam có hai huyện biên giới Nam Giang, Tây Giang với hơn 170km đường biên giới tiếp giáp với hai huyện K’lừm và Đắc Chưng, tỉnh Sê Kông, nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào. Với quan điểm “Giúp bạn là giúp mình”, tỉnh Quảng Nam đã có nhiều mô hình, hoạt động nhằm chia sẻ khó khăn, giúp nhân dân tỉnh Sê Kông phát triển kinh tế, xã hội, giảm nghèo bền vững, qua đó, thắt chặt hơn nữa tình hữu nghị, đoàn kết Việt Nam-Lào.
|
Đồn Biên phòng Ga Ry tặng quà cho nhân dân bản Bhanoon, huyện K’lừm nhân dịp Tết Bunpimay năm 2024. (Ảnh: Trúc Hà)
|
Tuy là một huyện biên giới nghèo, song nhiều năm qua, huyện Nam Giang đã triển khai nhiều hoạt động công tác kết nghĩa, giúp đỡ huyện Đắc Chưng. Trong đó, ngoài các hoạt động thăm hỏi, động viên, tặng quà, thì huyện Nam Giang còn hỗ trợ tiền mặt để giúp bạn xây dựng nhiều mô hình phát triển kinh tế, xã hội giảm nghèo bền vững. Tháng 4/2019, cùng với việc tham dự Tết cổ truyền Bunpimay của huyện Đắc Chưng, huyện Nam Giang đã khánh thành, bàn giao một ngôi trường với quy mô 10 phòng học, nhà công vụ giáo viên, khu nội trú học sinh... cho thầy và trò Trường Trung học cơ sở (THCS) huyện Đắc Chưng.
Với một huyện nghèo, khó khăn vào bậc nhất, nhì tỉnh Sê Kông, thì việc được xây tặng ngôi trường trị giá hơn 5 tỷ đồng là món quà vô cùng ý nghĩa, thiết thực cho ngành giáo dục của địa phương. Ông Bun Săm Si Sắc, Hiệu trưởng Trường THCS Đắc Chưng thay mặt học sinh, thầy cô giáo gửi lời cảm ơn tới chính quyền và nhân dân tỉnh Quảng Nam nói chung và huyện Nam Giang nói riêng. Theo ông Bun Săm Si Sắc, Trường THCS Đắc Chưng có hơn 400 học sinh các bộ tộc Lào ở những bản rất xa. Trước đó, khu nội trú xuống cấp, trường hư hỏng nhiều. Nay có trường mới, có nơi ở mới, học sinh không còn bỏ học nữa, giáo viên cũng có điều kiện dạy tốt hơn.
Chính quyền và người dân 8 thôn giáp biên huyện Đắc Chưng cũng không quên thời gian sau dịch Covid-19. Suốt thời gian dài, việc xuất, nhập cảnh phổ thông phải tạm dừng trên tất cả các cửa khẩu tuyến biên giới Việt Nam-Lào đã gây ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống của người dân hai bên biên giới. Không chỉ là việc thăm thân mà người dân Lào các bản giáp biên còn thường sang Việt Nam để trao đổi hàng hóa, khám chữa bệnh. Biết được khó khăn ấy của bà con, UBND huyện Nam Giang, Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng (BĐBP) Quảng Nam tổ chức “Phiên chợ 0 đồng” cho 1.000 người dân Lào ở 8 bản giáp biên tại cửa khẩu Nam Giang. Mọi người tới đây để tham gia “mua hàng không tốn tiền”, nhận quà của đoàn từ thiện..., niềm vui như nhân lên gấp bội khi bà con cũng được các bác sĩ ở Bệnh viện 199 khám bệnh, cấp phát thuốc miễn phí.
Trong khi đó, huyện biên giới Tây Giang có hơn 70km đường biên giáp với huyện K’lừm cũng không kém cạnh. Trước đây, mỗi năm, Trung tâm Y tế huyện Tây Giang đón và điều trị miễn phí từ 400 đến 800 lượt bệnh nhân Lào ở các bản của huyện K’lừm. Từ thực tế này, Trung tâm Y tế huyện Tây Giang đã mạnh dạn đề xuất với UBND huyện và Sở Y tế tỉnh Quảng Nam về việc đào tạo nâng cao nhân lực cho đội ngũ y, bác sĩ của huyện bạn. Kinh phí đào tạo do UBND huyện Tây Giang hỗ trợ, còn về chuyên môn, nơi ăn, ở, Trung tâm Y tế huyện đảm bảo. Cách làm này không chỉ giúp nâng cao năng chuyên môn cho các y, bác sĩ huyện K’lừm, mà còn giúp giảm tải lưu lượng người Lào qua lại biên giới.
Năm 2022, Trung tâm Y tế huyện Tây Giang lần đầu tiên đào tạo chuyên môn cho 6 y, bác sĩ của huyện K’lừm. Đây là việc đặc biệt, bởi lần đầu tiên, trong cả nước, một trung tâm y tế tuyến huyện miền núi nhận đào tạo chuyên môn về ngành y cho địa phương nước láng giềng. Các y, bác sĩ Lào được đào tạo về siêu âm, X-quang, điện tim, cấp cứu đa khoa, sản khoa. Qua hơn 6 tháng đào tạo, chia sẻ kinh nghiệm, các bác sĩ Trung tâm Y tế huyện Đắc Chưng đã tự triển khai được tất cả các công việc liên quan đến máy móc thiết bị cũng như chuyên môn hằng ngày.
Bác sĩ Souphanh Likhasit cho biết: “Tôi cảm thấy rất xúc động khi là một trong những bác sĩ được Trung tâm Y tế huyện Tây Giang bồi dưỡng, đào tạo. Không những được học và thực hành chuyên môn về siêu âm, tôi và các bạn còn được các y, bác sĩ huyện Tây Giang lo cho chỗ ăn, ở và đối xử như những người thân trong gia đình. Những kiến thức đã học được, chúng tôi sẽ về áp dụng trong khám chữa bệnh cho nhân dân”.
Ông Arất Blúi, Phó Chủ tịch UBND huyện Tây Giang cho biết: “Từ nguồn huy động quỹ “Nghĩa tình biên giới”, chúng tôi sẽ tiếp tục quan tâm đào tạo và chuyển giao kỹ thuật chuyên môn cho bạn để bạn về triển khai nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe nhân dân tốt hơn. Thời gian qua, UBND huyện Tây Giang có nhiều hoạt động hỗ trợ giáo dục, y tế, phát triển kinh tế, cùng chung tay bảo vệ đường biên, cột mốc... Đó là những việc làm nhỏ nhưng mang đầy ý nghĩa lớn của chính quyền, quân và dân các huyện biên giới Quảng Nam với nhân dân các bộ tộc Lào bên kia biên giới. Hoạt động này không chỉ thắt chặt tình đoàn kết, keo sơn gắn bó, mà còn giúp phát huy truyền thống hữu nghị tốt đẹp Việt Nam-Lào mà Chủ tịch Hồ Chí Minh và Chủ tịch Kaysone Phomvihane đã dày công vun đắp".
|
Thiếu tá, bác sĩ Nguyễn Văn Quốc Trí (Phòng khám quân dân y A Xan, huyện Tây Giang) khám, chữa bệnh chị Nang Nhon (bản Tà Vàng, huyện K’lừm). (Ảnh: Trúc Hà)
|
Nói đến việc xây dựng tình đoàn kết, hữu nghị Việt-Lào anh em, không thể không nhắc đến Bộ Chỉ huy BĐBP Quảng Nam. Đại tá Hoàng Văn Mẫn, Chính ủy BĐBP Quảng Nam cho biết: "Trong các hoạt động bảo vệ biên giới, hai lực lượng cũng thường xuyên duy trì giao ban, tuần tra song phương để duy khu vực biên giới bình yên và ổn định. Những năm qua, BĐBP Quảng Nam luôn phát huy được truyền thống và cùng nhau xây dựng mối quan hệ đoàn kết, hữu nghị Việt Nam-Lào ngày càng phát triển".
Theo đó, BĐBP Quảng Nam đã tổ chức hàng ngàn chuyến tình nguyện, với nhiều hoạt động an sinh xã hội thiết thực, ý nghĩa giúp bạn Lào. Đặc biệt, trong hơn 2 năm bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, mặc dù điều kiện hết sức khó khăn, song các chiến sĩ Biên phòng Quảng Nam vẫn chuyển hàng chục tấn gạo cùng nhu yếu phẩm, thuốc men, vật tư y tế, khẩu trang chống dịch hỗ trợ người dân hai huyện K’lừm và Đắc Chưng. Các Đồn Biên phòng: A Nông, Tr’hy, Ga Ry, La Êê, Đắc Pring và cửa khẩu quốc tế Nam Giang đang trực tiếp nhận đỡ đầu 7 cháu học sinh người Lào theo Chương trình "Nâng bước em tới trường - Con nuôi đồn biên phòng", với việc hỗ trợ 500 nghìn đồng/cháu/ tháng.
Các đồn Biên phòng cũng kêu gọi các nhà hảo tâm tặng hàng nghìn suất quà cho người dân các bản giáp biên của người Lào là lương thực, nhu yếu phẩm, quần áo, dụng cụ lao động... Các đồn Biên phòng cũng tích cực duy trì và nâng cao hiệu quả hoạt động mô hình kết nghĩa bản-bản hai bên biên giới, qua đó, ngày càng thắt chặt hơn nữa tình đoàn kết của hai huyện, hai tỉnh, hai quốc gia./.
Nguyễn Hòa Bình
Nguồn: bienphong.com.vn