(TTĐN) - Được điều động về “cắm bản” tại bản Giàng 2, xã Hương Vĩnh, huyện Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh, các đảng viên mang quân hàm xanh thuộc tổ công tác của BĐBP Hà Tĩnh kiên trì thực hiện phương châm “lời nói đi đôi với việc làm”, từng bước giúp đồng bào dân tộc Chứt thay đổi nếp nghĩ, cách làm. Khi có bộ đội làm điểm tựa, bà con ở bản biên giới xa xôi, còn nhiều khó khăn, đã tự giác lao động, sản xuất, xây dựng cuộc sống ngày càng ấm no, hạnh phúc hơn.
Bài 1: Đồng bào dân tộc Chứt có chi bộ độc lập
Sau quá trình dài được BĐBP, chính quyền địa phương bồi dưỡng, một số quần chúng ưu tú tại bản Giàng 2 đã được kết nạp vào Đảng, giúp đồng bào dân tộc Chứt thành lập chi bộ độc lập. Những đảng viên tại bản biên giới này nhanh chóng phát huy tinh thần trách nhiệm, tiên phong vận động bà con từ bỏ các phong tục, tập quán lạc hậu, thay đổi thói quen canh tác, sản xuất, xây dựng bản làng đổi thay tích cực.
 |
Cán bộ Biên phòng và đảng viên đồng bào Chứt ở bản Giàng 2 treo cờ Tổ quốc chào mừng ngày lễ lớn của đất nước. (Ảnh: Viết Lam)
|
Khi bản làng có đảng viên
Bản Giàng 2 nằm nép mình bên cánh rừng già, gần với khu vực biên giới Việt - Lào, chỉ có 17 hộ gia đình với 54 nhân khẩu là đồng bào dân tộc Chứt định cư. Nhờ những chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước, chính quyền địa phương và BĐBP, bản làng đang đổi thay, ngày càng khởi sắc. Cánh đồng lúa nước tại đây đang chín rộ, báo hiệu thêm một vụ mùa bội thu. Hai bên trục đường bê tông nội bản, hàng cây xanh che bóng mát do dân bản và bộ đội trồng đang dần phát triển tốt tươi. Tại trung tâm bản, đảng viên Hồ Thị Hường - người dân tộc Chứt cùng bộ đội, bà con chung tay vệ sinh môi trường, tổ chức treo cờ Đảng, cờ Tổ quốc chào mừng các ngày lễ lớn của đất nước. Khi được hỏi, chị Hường chia sẻ: “Mình là đảng viên thì phải gương mẫu, đi trước trong mọi việc ở bản, bà con mới tin tưởng làm theo. Sau quá trình dài được chính quyền địa phương, BĐBP tuyên truyền, vận động, "cầm tay chỉ việc", suy nghĩ của đồng bào Chứt đã thay đổi rất nhiều”.
Theo những câu chuyện do các thế hệ cán bộ, chiến sĩ BĐBP Hà Tĩnh kể lại, hàng chục năm trước, trong quá trình tuần tra biên giới, các anh phát hiện đồng bào Chứt định cư ở bản Giàng 2 giữa bốn bề rừng già. Người dân sống gần như không giao tiếp với cụm dân cư khác, chủ yếu dựa vào săn bắn, khai thác các loại cây, củ, quả rừng để tự cung, tự cấp. Trải qua thời gian, nhờ Nhà nước và chính quyền địa phương đầu tư, bản đã có đường giao thông, điện lưới, sóng điện thoại... Tuy nhiên, do đời sống tách biệt, nhận thức còn hạn chế, cuộc sống của người Chứt vẫn còn nhiều khó khăn, với không ít tập quán lạc hậu.
Trước thực trạng đó, đầu năm 2024, BĐBP Hà Tĩnh và chính quyền địa phương xây dựng đề án, tập trung nguồn lực, triển khai các biện pháp nhằm đưa bản Giàng 2 khởi sắc. Để thực hiện mục tiêu, một tổ công tác mang quân hàm xanh được điều động về “cắm bản" của đồng bào Chứt, để “cùng ăn, cùng ở, cùng làm” với nhân dân.
Trung tá Lê Văn Thọ, Tổ trưởng tổ công tác tăng cường bản Giàng 2, BĐBP Hà Tĩnh cho biết: “Sau một thời gian bám địa bàn, chúng tôi nhận thấy nhiệm vụ đầu tiên cần triển khai là phát hiện, bồi dưỡng những quần chúng ưu tú trong đồng bào Chứt để phát triển đảng viên, tiến tới thành lập chi bộ. Bởi chỉ khi trong bản có người tiên phong, việc triển khai mọi mặt mới hiệu quả hơn”.
Những người con ưu tú của bản Giàng 2 như Hồ Thị Hường (sinh năm 1990), Cù Thị Như (sinh năm 1998) được đảng viên Biên phòng giới thiệu, bồi dưỡng và vinh dự được kết nạp vào Đảng. Trên cơ sở đó, đến tháng 9/2024, Chi bộ bản Giàng 2 được thành lập, đi vào hoạt động nền nếp. Những đảng viên người Chứt đã nhanh chóng tạo một “luồng gió mới”, giúp thay đổi suy nghĩ của bà con trong bản.
Quân dân khai hoang trồng lúa nước
Khi bản làng có chi bộ với những đảng viên tiên phong, tổ công tác Biên phòng đã vận động bà con khai hoang ruộng nước, hướng tới tự chủ lương thực. Chính những đảng viên như Hồ Thị Hường, Cù Thị Như đã cùng bộ đội đến từng hộ gia đình tuyên truyền để bà con tin tưởng, cùng chung tay đẩy lùi đói nghèo. Khi nhận được sự đồng thuận của người dân, những người lính mang quân hàm xanh, với sự hỗ trợ của máy móc cơ giới, bắt đầu khai hoang, phục hóa ruộng đất. Từ người già đến trẻ em trong cộng đồng dân tộc Chứt cũng đến hỗ trợ bộ đội làm ruộng. Sau thời gian dài vất vả, hơn 3,5ha đất trồng lương thực đã hình thành ngay trước mặt bản, trong đó 1,5ha là ruộng lúa nước, diện tích còn lại trồng hoa màu.
 |
Niềm vui của quân và dân ở bản Giàng 2 khi vụ mùa bội thu. (Ảnh: Minh Toàn)
|
Cây lúa nước được gieo xuống vùng đất mới khai hoang khiến các cán bộ tổ công tác Biên phòng không khỏi lo lắng. Các anh sợ nếu không thành công sẽ làm mất niềm tin của dân bản. Từ khi hạt giống bắt đầu nảy mầm, bộ đội thay nhau theo dõi, điều tiết nước, phòng dịch bệnh, làm cỏ, bón phân để cây lúa trổ bông... Công sức của những người lính mang quân hàm xanh đã được đền đáp: Vụ mùa đầu tiên, ruộng lúa nước trước mặt bản Giàng 2 phát triển tốt, lúa trĩu bông. Cả bản thu hoạch được hơn 5 tấn lúa tươi - lần đầu tiên đồng bào Chứt có được nguồn lương thực dồi dào đến vậy.
Ông Hồ Văn Sơn (ở bản Giàng 2) chia sẻ: “Khi nghe bộ đội nói trồng lúa nước sẽ cho nhiều lúa, bà con chưa tin. Rồi bộ đội và các đảng viên làm trước, kiên trì hướng dẫn chúng tôi làm theo. Sau vụ mùa đầu tiên thắng lợi, chúng tôi đã biết cách trồng, chăm sóc lúa nước và không còn lo thiếu gạo ăn nữa”.
Khi cây lúa nước phát triển xanh tốt ở bản Giàng 2, BĐBP lại tiếp tục tập trung nguồn lực, nhân lực để xây dựng bản Giàng 2 ngày một khởi sắc. Những người lính mang quân hàm xanh cùng nhân dân đã chung tay xây dựng công trình “Ánh sáng vùng biên” với 20 cột đèn năng lượng mặt trời dọc theo các trục đường và điểm sinh hoạt cộng đồng. Khi công trình đưa vào sử dụng, buổi tối, bản làng được chiếu sáng, bà con càng thêm vui. Người Chứt không còn đi ngủ sớm, họ đến nhà văn hóa cộng đồng để múa hát, chơi bóng chuyền. Có “ánh sáng vùng biên”, việc đi lại của người dân thuận lợi hơn, tình hình an ninh trật tự trong bản được đảm bảo, một số hủ tục dần được xóa bỏ.
Bài 2: Những ngôi nhà mới mang nặng tình quân dân
Viết Lam - Minh Toàn
Nguồn: bienphong.com.vn