Giúp ngư dân yên tâm khi đánh bắt trên các vùng biển giáp ranh
Cán bộ Trạm Kiểm soát Biên phòng Sông Đốc, Đồn Biên phòng Sông Đốc (BĐBP Cà Mau) phát tờ rơi tuyên truyền cho ngư dân trước khi ra biển hoạt động. (Ảnh: Lê Khoa)

Cán bộ Trạm Kiểm soát Biên phòng Sông Đốc, Đồn Biên phòng Sông Đốc (BĐBP Cà Mau) phát tờ rơi tuyên truyền cho ngư dân trước khi ra biển hoạt động. (Ảnh: Lê Khoa)

Khi ngư dân nắm chắc luật

Theo số liệu thống kê, đến tháng 10/2024, chỉ tính địa bàn 2 tỉnh Kiên Giang và Cà Mau, đã có gần 14.000 tàu cá, trong đó, có gần 5.300 tàu có chiều dài từ 15m trở lên đang hoạt động khai thác hải sản trên các vùng biển.

Vào tháng 3/2024 vừa qua, một chủ tàu đánh cá của ngư dân Cà Mau mang số CM 95...TS đang hoạt động trong vùng nước lịch sử giữa Việt Nam - Campuchia thì bị 1 tàu nước ngoài lên tàu kiểm tra và yêu cầu thuyền trưởng chạy tàu về phía vùng biển Campuchia. Sau đó gọi điện yêu cầu cho chủ tàu ở Cà Mau chuyển tiền chuộc tàu cá CM 95...TS, với số tiền 4.000 USD mới thả tàu về Việt Nam. Chủ tàu này cương quyết không đồng ý nộp tiền chuộc, do tàu cá của mình khai thác hải sản trong vùng nước lịch sử, không vi phạm vùng biển Campuchia. Thấy chủ tàu nắm chắc luật, biết không thể đòi tiền chuộc nên chúng đã lấy đi 180 lít dầu diesel trên tàu, sau đó đã thả tàu CM 95...TS quay về vùng biển tiếp tục hoạt động.

Ông Lê Văn Quang là chủ 3 tàu đánh cá (ngụ thị trấn Sông Đốc, huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau) thành viên đội tàu an toàn cho biết: “Tại vùng nước lịch sử Việt Nam - Campuchia, mật độ tàu cá hoạt động khá lớn và đa dạng về loại nghề khai thác hải sản. Lợi dụng vùng biển này, nhiều tàu cá của ngư dân Việt Nam đã bị lực lượng nước ngoài bắt giữ kéo về bên lãnh hải của họ để đòi tiền chuộc, tịch thu sản phẩm khai thác tạo nên tâm lý lo lắng cho một số ngư dân. Tuy nhiên, đó chỉ là những trường hợp không “nắm chắc luật”. Do thường xuyên được cán bộ Biên phòng tuyên truyền, tập huấn về pháp luật, nhất là tìm hiểu kỹ các nội dung được in trên các tờ rơi, tờ gấp, nên ngư dân chúng tôi luôn nắm chắc các Hiệp định, Hiệp nghị về phân định ranh giới trên biển giữa Việt Nam và các nước có vùng biển giáp ranh để đánh bắt không vi phạm pháp luật”.

Trung tá Trần Thanh Ngoan, Chính trị viên Đồn Biên phòng Sông Đốc, BĐBP Cà Mau cho biết: “Sau mỗi chuyến ngư dân đi biển trở về, Đội vận động quần chúng và Trạm kiểm soát Biên phòng phối hợp mời thành viên các “Đội tàu an toàn” trên địa bàn về đơn vị “giao ban” để thăm hỏi kết quả thu hoạch sản lượng, tình hình an ninh trật tự trên biển; những thuận lợi, khó khăn trong quá trình hoạt động... Đồng thời, cán bộ Đồn Biên phòng tuyên truyền, phổ biến những nội dung văn bản mới của Nhà nước về lĩnh vực hoạt động đánh bắt hải sản để ngư dân cập nhật; phát tờ rơi chỉ rõ khu vực, vùng biển ngư dân Việt Nam được phép và không được phép hoạt động, trong đó, luôn quan tâm đến các vùng biển giáp ranh, vùng nước lịch sử Việt Nam - Campuchia và các vùng biển chồng lấn với các nước trong khu vực; động viên ngư dân vươn khơi, bám biển khai thác hải sản, bảo vệ chủ quyền biển đảo theo đúng quy định của pháp luật. Qua đó, giúp ngư dân nâng cao hiểu biết và nắm chắc các quy định pháp luật của Việt Nam và quốc tế khi hoạt động trên các vùng biển".

Luôn sát cánh cùng ngư dân bám biển

Đại tá Vũ Hữu Khởi, Hải đoàn trưởng Hải đoàn Biên phòng 28 cho biết: “Tuần tra bảo vệ chủ quyền vùng biển kết hợp tuyên truyền ngư dân an tâm bám biển là mục tiêu, cũng là nhiệm vụ của Hải đoàn Biên phòng 28, do vậy, trong thời gian qua, trong quá trình thực hiện nhiệm vụ trên biển, các Hải đội tàu của Hải đoàn Biên phòng 28 đã kết hợp tuyên truyền, hỗ trợ, động viên, tạo sự yên tâm để ngư dân hoạt động khai thác hải sản đúng quy định của pháp luật trên các vùng biển Việt Nam, góp phần gỡ "thẻ vàng" IUU. Quá trình hoạt động trên biển, các tàu của Hải đoàn đều cặp mạn phát tờ rơi, tặng cờ Tổ quốc cho ngư dân; đồng thời tuyên truyền cho ngư dân nắm chắc pháp luật của Việt Nam cũng như luật pháp quốc tế về chủ quyền trên biển của mỗi quốc gia để hoạt động đánh bắt đúng quy định và tham gia bảo vệ chủ quyền, an ninh vùng biển của Việt Nam".

Cán bộ Trạm Kiểm soát Biên phòng Kênh Dài, Đồn Biên phòng Tây Yên (BĐBP Kiên Giang) hướng dẫn ngư dân nhận biết vùng nước lịch sử của Việt Nam - Campuchia trước khi ra biển hoạt động. (Ảnh: Lê Khoa)

Cán bộ Trạm Kiểm soát Biên phòng Kênh Dài, Đồn Biên phòng Tây Yên (BĐBP Kiên Giang) hướng dẫn ngư dân nhận biết vùng nước lịch sử của Việt Nam - Campuchia trước khi ra biển hoạt động. (Ảnh: Lê Khoa)

Đại tá Nguyễn Trường Giang, Phó Chỉ huy trưởng BĐBP Kiên Giang cho biết thêm: "BĐBP Kiên Giang xác định nhiệm vụ tuyên truyền, vận động, nâng cao hiểu biết về pháp luật và những quy định liên quan đến phòng, chống khai thác IUU cho nhân dân ở khu vực biên giới biển là một trong những nhiệm vụ chính trị quan trọng, cấp thiết và triển khai nhiều giải pháp, cách làm cụ thể, thiết thực nhằm tuyên truyền, phổ biến pháp luật và nâng cao nhận thức cho ngư dân về quyền lợi, nghĩa vụ của mình khi hoạt động trên biển, nhất là tại vùng nước lịch sử, vùng biển giáp ranh với các nước trong khu vực".

Cùng vói dó, BDBP Kiên Giang tập trung tuyên truyền sâu rộng về đường lối, chủ trương, chính sách, quan điểm, các văn bản pháp luật về biển, đảo của Đảng, Nhà nước; Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982, Luật Biển Việt Nam năm 2012; Hiệp định về vùng nước lịch sử giữa Việt Nam và Campuchia; Hiệp định về phân định ranh giới trên biển giữa Việt Nam và các nước có vùng biển giáp ranh; các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến chống khai thác IUU. Mới nhất là tập trung triển khai tuyên truyền nội dung Nghị quyết số 04/2024/NQ-HĐTP hướng dẫn áp dụng một số quy định của Bộ luật Hình sự về truy cứu trách nhiệm hình sự đối với hành vi liên quan đến khai thác, mua bán, vận chuyển trái phép thủy sản.

Ngoài ra, các đơn vị đã phối hợp cùng cấp ủy, chính quyền, ban, ngành, đoàn thể địa phương tổ chức tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật bằng nhiều hình thức đa dạng như tập trung trực tiếp, đơn lẻ, thông qua loa di động, hệ thống truyền thanh của các xã, huyện và nội bộ; phát tờ rơi, tờ gấp, tài liệu; tổ chức các tủ sách pháp luật, các điểm đọc báo. Đồng thời, đi đến từng doanh nghiệp, gặp từng chủ tàu để tuyên truyền, vận động, yêu cầu chấp hành tốt các quy định về khai thác thủy sản, tuyệt đối không vi phạm vùng biển nước ngoài./.

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất