(TTĐN) - Năm 1982, nhạc sĩ Hình Phước Long sáng tác ca khúc nổi tiếng có tựa đề "Gần lắm Trường Sa". Lời bài hát cũng là tấm lòng của người dân trong đất liền gửi ra đảo xa. Suốt mấy chục năm qua, có rất nhiều chương trình hướng về Trường Sa và Nhà giàn DK1 thân yêu. Giờ đây, trong mỗi chuyến hành trình của các đoàn công tác ra thăm quân, dân ở huyện đảo Trường Sa và Nhà giàn DK1, mọi người đều hô vang "Cả nước vì Trường Sa, Trường Sa vì Tổ quốc". Tấm lòng của đất liền gửi đảo xa được thể hiện trên từng công trình, từng ngôi nhà, vườn rau, gói quà...
|
Nhà văn hóa đa năng ở đảo Đá Đông A với tổng vốn đầu tư 50 tỷ đồng, do chính quyền và nhân dân thành phố Hà Nội tặng. (Ảnh: Văn Chương)
|
Bình minh đỏ rực phía đường chân trời, tàu 561 - Khánh Hòa 01 của Lữ đoàn 955, Vùng 4 Hải quân kéo một hồi còi dài chào cán bộ, chiến sĩ đảo Đá Đông A. Cụm đảo này như một lá chắn bao gồm Đá Đông A, Đá Đông B và Đá Đông C. Nhìn hòn đảo chìm với 2 ngôi nhà nổi được kết nối với nhau bằng cây cầu dẫn, móng nhà nằm choãi ra mép sóng góp thêm vào bản nhạc xào xạc ngày đêm của biển.
Mỗi khi ra Trường Sa, những lời thơ, bài hát hay nhất về Trường Sa lại vang lên trong các chương trình văn nghệ ngay trên boong tàu, mọi người thường nhắc đến bài hát "Tổ quốc nhìn từ biển" với những giai điệu sâu lắng, giàu cảm xúc: Nếu Tổ quốc đang bão dông từ biển/Có một phần máu thịt ở Hoàng Sa/Ngàn năm trước con theo cha xuống biển/Mẹ lên rừng thương nhớ mãi Trường Sa... |
|
Ngôi nhà mới và đẹp trên đảo được gắn tấm biển rất to với dòng chữ: “Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố Hà Nội tặng công trình Nhà văn hóa đa năng đảo Đá Đông A, huyện Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa. Đơn vị thiết kế: Viện Kỹ thuật công trình đặc biệt/Học viện Kỹ thuật quân sự”. Ngôi nhà được xây dựng giống 2 ngôi nhà ở đảo Đá Tây A, Đá Tây C do Thành đoàn thành phố Hồ Chí Minh phối hợp thực hiện, kinh phí được quyên góp từ Cuộc phát động "Góp đá xây Trường Sa".
Ở giữa biển khơi, cứ thấy tên của một địa phương, đơn vị nào trong đất liền được gắn biển, cảm xúc theo đó lại rạo rực, trào dâng trong lòng. Thượng úy Đỗ Văn Vũ, cán bộ công tác tại đảo chia sẻ, anh đã nhiều năm công tác tại huyện đảo Trường Sa và được luân chuyển đến nhiều đảo khác nhau, nhưng tới nơi nào cũng nhìn thấy dấu ấn của đất liền, nhất là thành phố Hồ Chí Minh, những công trình này đã để lại hơi ấm tình cảm đọng lại trong lòng mỗi người chiến sĩ.
Thành phố Hà Nội là địa phương hỗ trợ xây dựng nhiều công trình ở Trường Sa, dự án mới được bàn giao vào tháng 7/2023 cũng là nhà văn hóa đa năng tại đảo Đá Đông B. Ngôi nhà như pháo đài nổi được xây dựng với tổng kinh phí lên tới 50 tỷ đồng. Vì điều kiện thi công đặc biệt khó khăn và có những kết cấu được tạo ra để ngôi nhà trở thành công trình lưỡng dụng nên giá thành xây dựng lớn hơn gấp nhiều lần công trình tương đương ở trong đất liền.
Đi qua những đảo nổi, đảo chìm, Nhà giàn DK1 ở huyện đảo Trường Sa và thềm lục địa của Tổ quốc, những nơi càng gian khó thì càng thấy được hơi ấm của đất liền hướng về biển, đảo thân yêu. Bà Lê Thị Thái, Tỉnh ủy viên, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Đồng Nai có mặt trong đoàn công tác số 17 ra thăm quân, dân huyện đảo Trường Sa và Nhà giàn DK1 vào đầu tháng 5/2024 chia sẻ, địa phương huy động được hơn 5 tỷ đồng để xây dựng khu vui chơi, văn hóa, thể thao cho quân, dân trên đảo. Đoàn cũng tặng nhiều phần quà trị giá hơn 300 triệu đồng cho cán bộ, chiến sĩ trên các đảo và Nhà giàn DK1.
Tàu 561 - Khánh Hòa 01 lặng lẽ vượt sóng hết ngày qua đêm, đi tới từng hòn đảo, mỗi người trong đoàn công tác lại lặng lẽ quan sát, lắng đọng trong lòng mình từng ánh mắt của những người lính trẻ. Tại khu vực Nhà giàn DK1/11, hai ngôi nhà giàn thế hệ cũ và mới nằm sát nhau và nối thông bằng chiếc cầu thang treo. Nhà giàn cũ trở thành nơi tăng gia sản xuất, vườn rau được quây bằng tôn gắn dòng chữ “Văn phòng Tỉnh ủy Đắk Lắk tặng vườn rau Nhà giàn DK1/11 năm 2023”.
Tại hội trường Đồn Biên phòng Trường Sa, nơi rất nhiều đoàn công tác ở các tỉnh, thành: Cà Mau, Khánh Hòa, Phú Yên, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Đắk Nông, Đà Nẵng... từng đặt chân tới để giao lưu, có những thùng quà của Liên doanh Vietsovpetro, thùng sách của "Tủ sách Đặng Thùy Trâm" và gia đình nhà thơ Thanh Thảo gửi tặng. Thiếu tá Nguyễn Văn Trường, Đồn trưởng Đồn Biên phòng Trường Sa tâm sự, hơi ấm từ đất liền là nguồn động viên để cán bộ, chiến sĩ Biên phòng ngày đêm hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao.
|
Ca nô chở quà từ tàu 561 - Khánh Hòa 01 vào đảo cho người dân và cán bộ, chiến sĩ xã đảo Sinh Tồn. (Ảnh: Văn Chương)
|
Tôi chợt nhớ trong ca bin tàu 561 - Khánh Hòa 01, trước khi cập vào đảo Trường Sa Lớn (thị trấn Trường Sa), anh em thủy thủ đã liên lạc và nói “còn vài hải lý nữa là tới Thủ đô”. Thì ra 2 từ "Thủ đô" bắt nguồn từ việc trên đảo được xây dựng công trình quy mô nhất là Nhà khách Thủ đô với thiết kế 2 tầng, tổng diện tích 600m2, gồm 21 phòng, 50 giường, tổng kinh phí xây dựng là 16 tỷ đồng. Công trình này được khánh thành vào năm 2010, do chính quyền và nhân dân Thủ đô Hà Nội tặng.
Tại đảo Cô Lin, nơi một thời từng lưu lại câu chuyện nóng bỏng về bảo vệ chủ quyền biển, đảo, anh em lính trẻ kể về những cái ôm chặt, những cái bắt tay rất khó quên của các anh chị trong đất liền ra thăm đảo. Thiếu tướng Hoàng Kiền, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân (nguyên Tư lệnh Binh chủng Công binh) trước giờ chia tay còn bịn rịn bên bậc tam cấp và cùng những người lính trẻ nhắc lại lời của cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng căn dặn (trong chuyến thăm Vùng 4 Hải quân vào tháng 5/2016) về tinh thần cả nước hướng về Trường Sa.
Tại xã đảo Sinh Tồn, trước khi đoàn công tác đặt chân lên đảo thì ca nô nhanh chóng thực hiện nhiệm vụ vận chuyển quà của các đoàn Đắk Nông, Đồng Nai. Đi dọc dãy nhà của bà con quê gốc ở tỉnh Khánh Hòa và đưa cả gia đình ra đảo định cư, tôi nhìn thấy nụ cười hiền lành của từng cặp vợ chồng trẻ. Những người lính khiêng từng thùng quà đặt ngay trước cửa của mỗi gia đình. Những món quà này là nguồn động viên, dù vẫn là nhỏ nhoi so với sự hy sinh của quân, dân trên đảo. Câu khẩu hiệu “Cả nước vì Trường Sa, Trường Sa vì Tổ quốc” đã tiếp thêm sinh lực cho họ vững vàng trước bão tố, phong ba./.
Lê Văn Chương
Nguồn: bienphong.com.vn