Bài 1: Anh dũng chiến đấu trấn giữ “phên dậu” nơi đầu nguồn sông Hậu
Trong tháng 12 lịch sử này - dịp toàn quân, toàn dân tưng bừng các hoạt động chào mừng kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập QĐND Việt Nam và 35 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân, chúng tôi may mắn được trở lại An Giang, vùng đất nơi đầu nguồn sông Hậu. Càng đi sâu tìm hiểu, càng thấy trân quý tinh thần chiến đấu quả cảm, sự hy sinh anh dũng của các thế hệ CANDVT - BĐBP An Giang...
|
Cán bộ Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế Vĩnh Xương thăm, động viên ông Nguyễn Văn Hiếu (xã Vĩnh Xương, thị xã Tân Châu) - thương binh 2/4 nhân dịp kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập QĐND Việt Nam. (Ảnh: Đăng Bảy)
|
Giữ vững và phát huy truyền thống vẻ vang của đơn vị
Trên dọc tuyến biên giới An Giang, từ điểm đầu tiên là Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế Vĩnh Xương đến điểm cuối là Đồn Biên phòng Vĩnh Gia (giáp với Kiên Giang), đâu đâu cũng bắt gặp không khí thi đua sôi nổi, lập thành tích chào mừng ngày kỷ niệm trọng đại của Quân đội. Tại Đồn Biên phòng cửa khẩu Long Bình, nơi đầu nguồn sông Hậu, chúng tôi đã được Chính trị viên, Trung tá Huỳnh Hữu Hòa đưa đi tham quan địa bàn bằng chiếc vỏ lãi mà đơn vị vẫn dùng để tuần tra hàng ngày. Dọc theo 10km đường biên giới trên sông, thỉnh thoảng, chúng tôi lại bắt gặp những chiếc xuồng câu, xuồng thả lưới của người dân hai bên biên giới. Những câu chào hỏi vang lên rồi ai vào việc nấy, lặng lẽ, bình yên như chính dòng sông đang bước vào đầu mùa khô...
Theo Trung tá Huỳnh Hữu Hòa, Đồn Biên phòng cửa khẩu Long Bình phụ trách 2 xã Khánh An, Khánh Bình và thị trấn Long Bình, huyện An Phú, tỉnh An Giang. Trên đoạn biên giới dài 15,3km do đơn vị quản lý, có 12km chạy dọc sông (gần 10km sông Hậu và trên 2km sông Bình Ghi)...
Là ranh giới phân định với nước Campuchia, từ bao đời nay, sông Hậu và sông Bình Ghi là bức tường thành vững chắc, góp phần bảo vệ biên cương. Nhắc tới địa danh Bình Ghi, người dân địa phương không thể quên địa danh Vạt Lài, xã Khánh Bình. Đây là cái nôi cách mạng của huyện An Phú nói riêng, tỉnh An Giang nói chung. Trong giai đoạn chiến tranh khốc liệt, Vạt Lài là nơi trú đóng của Phân đội 2 cơ động, Đồn CANDVT Long Bình (nay là Đồn Biên phòng cửa khẩu Long Bình, BĐBP An Giang). Theo lịch sử BĐBP An Giang, từ ngày 21 đến ngày 24/12/1977, Pol Pot đã 24 lần đánh vào khu vực biên giới do Đồn CANDVT Long Bình phụ trách, tập trung nhiều ở khu vực Vạt Lài.
Trung tá Huỳnh Hữu Hòa cho biết: "Trong thời khắc lịch sử đó, Phân đội 2 đã chiến đấu hơn 40 trận lớn nhỏ, bẻ gãy nhiều đợt tấn công của địch từ cấp tiểu đoàn đến cấp trung đoàn, tiêu diệt 42 tên địch, thu giữ 11 súng các loại, bắn chìm 2 chiếc thuyền, thu hàng vạn viên đạn. Chiến công xuất sắc đó đã góp phần bảo vệ vững chắc biên cương của Tổ quốc, bảo vệ an toàn tính mạng, tài sản của nhân dân. Với thành tích đặc biệt xuất sắc nói trên, ngày 20/12/1979, Phân đội cơ động 2, Đồn CANDVT Long Bình đã được Đảng, Nhà nước tuyên dương Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân...".
Phát huy truyền thống vẻ vang của đơn vị, suốt chiều dài lịch sử 48 năm qua, cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng cửa khẩu Long Bình luôn giữ vững lời thề, nỗ lực vượt khó vươn lên, vững vàng nơi tuyến đầu biên giới, đấu tranh phòng, chống có hiệu quả với các loại tội phạm, góp phần bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia, xây dựng biên giới hòa bình, hữu nghị, ổn định và phát triển.
“Một tấc không đi, một ly không lùi”
Ngược dòng lịch sử cách đây 48 năm (tháng 6/1976), trước yêu cầu nhiệm vụ quản lý, bảo vệ biên giới, lực lượng CANDVT An Giang được thành lập. Không lâu sau đó, CANDVT An Giang đã phải đương đầu với những thử thách vô cùng khó khăn, đó là chiến đấu bảo vệ biên giới Tây Nam.
|
Cán bộ, chiến sĩ BĐBP An Giang tuần tra, bảo vệ biên giới. (Ảnh: Đăng Bảy)
|
Đại tá Nguyễn Phong Giang, nguyên Chỉ huy phó Chính trị (nay là Chính ủy) BĐBP An Giang, nguyên Phó Chủ nhiệm Chính trị BĐBP nhớ lại: Đêm 30/4/1977, Pol Pot huy động toàn bộ quân chủ lực, quân địa phương các tỉnh, huyện đóng ở dọc biên giới phía đối diện, tấn công sang biên giới An Giang, mở đầu cuộc chiến tranh quy mô lớn trên toàn tuyến biên giới phía Tây Nam. Tại An Giang, địch tổ chức thành từng đại đội, tiểu đoàn, chia làm nhiều mũi bao vây, tấn công 11 điểm đồn, trạm CANDVT và các chốt của dân quân du kích dọc biên giới.
Tuy mới được thành lập, quân số, vũ khí, trang bị còn thiếu, địa bàn hoạt động còn nhiều khó khăn, phức tạp, nhưng CANDVT An Giang, với khẩu hiệu “một tấc không đi, một ly không lùi” đã quyết bám trụ trên tuyến đầu biên giới, viết nên những trang sử vẻ vang, góp phần cùng quân dân trong tỉnh nhà đánh bại hoàn toàn cuộc chiến tranh xâm lược của kẻ thù, giải phóng biên giới. Dưới sự lãnh đạo, giúp đỡ tận tình của các cấp ủy, chính quyền, lực lượng vũ trang và nhân dân địa phương, CANDVT An Giang luôn giữ vững lời thề: Hy sinh tất cả vì Tổ quốc Việt Nam...
Theo đó, trong trận chiến đấu không cân sức này, nhiều đơn vị CANDVT An Giang đã lập công xuất sắc, đẩy lùi hàng trăm đợt tấn công của địch, giành giật từng công sự, chiến hào, chặn đứng bước tiến của chúng để giữ vững đồn, trạm. Nhiều cán bộ, chiến sĩ nêu cao tinh thần cách mạng tấn công, bị thương nhiều lần vẫn không rời trận địa, bám trụ chiến đấu đến cùng. Để bảo vệ tài sản, tính mạng cho nhân dân, giữ yên bờ cõi Tổ quốc, CANDVT An Giang đã anh dũng chiến đấu hàng trăm trận. Có tới 130 cán bộ, chiến sĩ thuộc CANDVT An Giang đã vĩnh viễn nằm lại trên biên giới khi tuổi đời còn rất trẻ...
Suốt 48 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành, CANDVT - BĐBP An Giang được Đảng, Nhà nước tặng thưởng Huân chương Chiến công hạng Nhất, Nhì, Ba; có 3 tập thể và 1 cá nhân được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân. Ngoài ra, còn có hàng ngàn tập thể, cá nhân được tặng thưởng huân chương, huy chương các loại, cờ dẫn đầu phong trào thi đua... vì thành tích xuất sắc trong chiến đấu, bảo vệ biên cương bờ cõi nơi đầu nguồn sông Hậu.../.
Bài 2: Tô thắm tình quân - dân cá nước trên tuyến biên giới An Giang
Đăng Bảy
Nguồn: bienphong.com.vn