|
Ứng dụng eCDT cài đặt trên điện thoại thông minh để khai báo nguồn gốc hải sản đánh bắt. (Ảnh: Hoàng Nhị)
|
Tính đến nay, 100% cảng cá trên địa bàn tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đã áp dụng phần mềm eCDT để kiểm soát tàu cá ra vào cảng.
Ngư dân trên địa bàn tỉnh cũng đã bắt đầu quen dần với việc khai báo qua ứng dụng này để minh bạch truy xuất nguồn gốc hải sản đánh bắt nhằm gỡ thẻ vàng của Ủy ban châu Âu (EC).
Theo quy định của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, từ ngày 1/7/2024 tất cả các cảng cá đều phải áp dụng phần mềm eCDT để kiểm soát tàu cá ra vào cảng, giám sát sản lượng thủy sản khai thác.
Ứng dụng này giúp minh bạch hóa việc truy xuất nguồn gốc thuỷ sản, góp phần làm tốt công tác chống khai thác bất hợp pháp IUU. Đến nay, trên địa bàn tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu lực lượng chức năng tăng cường hướng dẫn ngư dân áp dụng, triển khai phần mềm này, hướng tới mục tiêu cùng với cả nước quyết tâm gỡ thẻ vàng của EC.
Cảng cá Cát Lở, thành phố Vũng Tàu là 1 trong 6 cảng cá có đủ điều kiện xác nhận nguồn gốc thủy sản sau khai thác của tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, từ tháng 3/2024 việc áp dụng phần mềm truy xuất nguồn gốc điện tử quốc gia eCDT đã triển khai.
Đến nay, 100% chủ tàu cá, thuyền trưởng đã thực hiện cài app, xác nhận sản lượng hải sản bốc dỡ qua cảng, truy xuất nguồn gốc hải sản xuất khẩu mà doanh nghiệp thu mua thông qua cảng.
Ông Trần Văn An, một chủ tàu đánh bắt xa bờ của thành phố Vũng Tàu cho biết, thông qua cài đặt phần mềm truy xuất nguồn gốc hải sản thì tất cả thông tin về quá trình khai thác thể hiện rất minh bạch.
Ông An chia sẻ: “Tôi thấy cập nhật phần mềm này rất thuận lợi cho ngư dân, khi ra biển đánh bắt khai báo trên biển rất dễ. Khi đánh được số lượng 50-70 kg hay 1 tạ cũng nhập vào, khi vào đến bờ không cần khai báo như trước, rất thuận tiện”.
|
Lực lượng biên phòng tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu tuyên truyền cho ngư dân về IUU trước khi ra khơi. (Ảnh: Hoàng Nhị)
|
Ông Trương Văn Sanh, Phó Giám đốc Cảng cá Cát Lở cho biết không chỉ thực hiện truy xuất nguồn gốc điện tử mà cảng cá còn có nhiệm vụ chuyển đổi số trong quản lý, điều hành hoạt động ngày một hiện đại, hiệu quả hơn.
Ông Huỳnh Văn Minh, ngư dân xã Phước Hải, huyện Đất Đỏ cho biết, ông gắn bó với nghề đánh bắt cá đổng từ gần 10 năm nay. Trước đây, thủ tục mỗi lần xuất cảng và đánh bắt trở về rất phức tạp, vì phải khai báo trên giấy. Khi nhà nước triển khai phần mềm eCDT, thay thế cho việc ghi chép nhật ký khai thác thủ công rất thuận tiện cho ngư dân.
Theo ông Minh, ban đầu người dân chưa quen sử dụng khai báo trên app nên còn bỡ ngỡ. Tuy nhiên, tại cảng cá ngư dân được cán bộ thuỷ sản, biên phòng và chính quyền địa phương hướng dẫn cài app, nhập thông tin, sau vài lần thao tác thì ngư dân cũng tự mình cài đặt thành công, tiến hành khai báo trên app.
Cũng theo ông Minh, từ khi thực hiện khai báo trên phần mềm eCDT thì tất cả các thông tin như sản lượng, loại hải sản, vùng biển đánh bắt, người thu mua… thể hiện hết trong aap này. Phần mềm này đăng nhập, khai báo rất là thuận lợi, cài đặt rất dễ chứ không có khăn gì. "Làm nghề đánh bắt xa bờ như chúng tôi thì phải khai báo rõ ràng, mình vi phạm sẽ bị phạt, làm sao đừng vi phạm ảnh hưởng đến việc gỡ thẻ vàng EC của Việt Nam", ông Minh chia sẻ.
Tại huyện Đất Đỏ, đến nay 100% chủ tàu cá, thuyền trưởng đều được nhân viên Ban quản lý cảng cá tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, Ủy ban Nhân dân xã Lộc An hướng dẫn cài đặt phần mềm trên điện thoại thông minh, phục vụ cho việc hoàn tất thủ tục xuất, nhập bến của tàu cá.
Đối với những tàu cá có đủ giấy tờ và không vi phạm các quy định chống khai thác IUU sẽ cho xuất, cập bến và bốc dỡ hải sản.
Ông Trần Văn Dũng, Phó trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn huyện Đất Đỏ cho biết do chưa thay đổi thói quen khai báo truyền thống (trên giấy, miệng) nên ban đầu người dân còn bỡ ngỡ, chưa nhận định cụ thể về hiệu quả của app eCDT, tuy nhiên qua vận động của lực lượng chức năng như Biên phòng, Ban quản lý cảng, chính quyền địa phương… thì người dân đã dần thay đổi thói quen, đồng tình việc triển khai áp dụng khai báo điện tử.
Mục đích cuối cùng là làm sao phải chứng minh nguồn gốc hải sản của phương tiện phải đúng số lượng, rõ ràng minh bạch… góp phần gỡ thẻ vàng của EC đạt yêu cầu.
Tại các cảng cá, Ban Quản lý sẽ giám sát sản lượng hải sản tàu cá bốc dỡ, đối chiếu với nhật ký khai thác điện tử và hệ thống giám sát hành trình, nếu khớp với nhau sẽ lưu số lượng lên hệ thống cơ sở nghề cá quốc gia và xác nhận sản lượng bốc dỡ cho chủ tàu cá. Các doanh nghiệp khi thu mua hải sản từ các tàu cá bốc dỡ qua cảng sẽ được xác nhận nguồn gốc khi có nhu cầu.
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, đến nay cả 5 cảng cá và 1 khu neo đậu tránh trú bão của tỉnh đã triển khai 100% ứng dụng phần mềm eCDT, qua đó minh bạch hóa sản lượng khai thác, tiến tới một nghề cá xanh, sạch, có trách nhiệm và phát triển bền vững.
Ông Nguyễn Văn Hồ, Phó Giám đốc Ban Quản lý cảng cá tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu cho biết phần mềm này sẽ hỗ trợ ngư dân khai báo xuất, nhập bến nhanh, thuận lợi, chính xác, nhất là đối với những chủ tàu có nhiều tàu cá, khắc phục được lỗi ghi hồi ký hiện nay.
Bên cạnh đó, hỗ trợ cảng cá, đồn biên phòng xác nhận, kiểm tra tàu cá ra, vào cảng cũng như việc giúp cơ quan quản lý (Chi cục Thủy sản) cấp biên nhận, giấy xác nhận, chứng nhận xuất khẩu nhanh chóng, chính xác.
Ông Hồ cho biết thêm việc ghi nhật ký khai thác và truy xuất nguồn gốc thủy sản điện tử là yêu cầu cấp bách để minh bạch hóa sản lượng khai thác, tiến tới gỡ “thẻ vàng” IUU mà Đoàn kiểm tra Ủy ban châu Âu EC đã khuyến nghị Việt Nam triển khai.
Mặc dù nhân lực còn mỏng và hạn chế về mặt chuyên môn, công nghệ nhưng các cảng cá của Bà Rịa-Vũng Tàu vẫn nỗ lực triển khai, hướng dẫn ngư dân thực hiện./.
Hoàng Nhị
Nguồn: vietnamplus.vn