Yên Bái phát triển nông nghiệp theo hướng thích ứng với biến đổi khí hậu
Hàng năm, thiên tai gây ra nhiều thiệt hại cho sản xuất nông nghiệp ở Yên Bái

Hàng năm, thiên tai gây ra nhiều thiệt hại cho sản xuất nông nghiệp ở Yên Bái

Nằm sâu trong nội địa, bão không đổ trực tiếp nhưng tỉnh Yên Bái lại thường xuyên bị ảnh hưởng bởi hoàn lưu sau các cơn bão gây dông lốc, mưa lớn kéo dài, sạt lở đất, đá, gây lũ ống, lũ quét... Không chỉ gây thiệt hại lớn về tính mạng, tài sản của nhân dân, các trận mưa lũ do hoàn lưu bão còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến kết quả sản xuất nông nghiệp.

Gia đình ông Nguyễn Hồng Nguyên ở thôn 11, xã Quy Mông, huyện Trấn Yên, tỉnh Yên Bái là một ví dụ. Gia đình ông năm nào cũng canh tác 1 vụ ngô trên phần đất ven sông Hồng; thỉnh thoảng năng suất cũng bị ảnh hưởng do cây ngô bị nước dâng ngập. Tuy nhiên năm nay thì gần như mất trắng bởi các trận mưa lốc đầu hè làm hàng nghìn gốc ngô đang trong giai đoạn sắp cho thu hoạch bị đổ rạp, không thể khôi phục lại. Tiền giống, phân bón, công chăm sóc... lên tới cả chục triệu đồng, nay phải chặt bỏ.

Ông Nguyên chia sẻ: "Đối với chúng tôi chủ yếu gắn bó với cây lúa, cây ngô; mà 2 loại cây này thường thiệt hại nhiều nhất nên là ảnh hưởng đến đời sống".

Theo số liệu thống kê, trong năm 2022, trên địa bàn tỉnh Yên Bái có gần 850 ha diện tích nông nghiệp bị thiệt hại do thiên tai, gần 180.000 cây giống bị hư hỏng, gần 20 ha nuôi trồng thủy sản không thể khắc phục. Thêm vào đó, rét đậm, rét hại diện rộng đã làm hàng trăm con gia súc bị chết…

Ước tính tổng thiệt hại trên 160 tỷ đồng. Nửa đầu năm 2023 này, con số thiệt hại do thiên tai vào khoảng 11 tỷ đồng. Ngoài ra, hiện tượng thời tiết cực đoan với sự thay đổi về nhiệt độ, độ ẩm, lượng mưa... cũng làm phát sinh sâu bệnh hại, làm thay đổi khung thời vụ gieo cấy của các loại cây trồng, ảnh hưởng tới sự sinh trưởng, phát triển của gia súc, gia cầm...

Người dân Yên Bái thay đổi cách thức canh tác để ứng phó với biến đổi khí hậu

Người dân Yên Bái thay đổi cách thức canh tác để ứng phó với biến đổi khí hậu

Ông Nguyễn Đức Điển, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Yên Bái cho biết, để ứng phó với biến đổi khí hậu và giảm thiểu những thiệt hại do các hình thái thời tiết cực đoan gây ra, ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Yên Bái đã đề ra nhiều giải pháp, như theo dõi sát dự báo thời tiết, chủ động trồng rừng, phủ xanh đất trống, đồi trọc để chống xói mòn, duy trì lớp thảm thực vật, đảm bảo khung thời vụ gieo trồng; đưa các giống cây trồng mới cho năng suất cao, khả năng chống chịu tốt vào sản xuất...

Ông Điển cho biết thêm: "Chúng tôi xác định chính xác cơ cấu mùa vụ, cơ cấu cây trồng, vật nuôi để tuyên truyền, vận động, hướng dẫn người sản xuất, tổ chức thực hiện nghiêm ngặt, đảm bảo các yếu tố sản xuất khác thì sẽ góp phần vào sự thành công của sản xuất nông nghiệp".

Ông Lương Văn Thư, Trưởng Phòng Nông nghiệp và phát triển nông thôn huyện vùng cao Mù Cang Chải chia sẻ, ngoài chú trọng thay đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, đưa những giống cây mới có sức chống chịu tốt vào sản xuất, huyện cũng hướng dẫn bà con nông dân thay đổi phương pháp canh tác nhằm bảo vệ cây trồng, bảo vệ đất và nguồn nước sạch.

"Chúng tôi vận động nhân dân là lựa chọn, sử dụng các giống cây trồng thích hợp với điều kiện thời tiết khí hậu, có sức chống chịu với điều kiện bất lợi của thời tiết khí hậu. Đối với sản xuất chăn nuôi thì cũng đã tăng cường tập huấn chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật cho người dân về chăm sóc, nuôi dưỡng gia súc và các biện pháp kỹ thuật phòng, chống đói rét cũng như dịch bệnh cho gia súc, gia cầm", ông Thư nói.

Những giống cây mới được đưa vào trồng ở vùng cao Mù Cang Chải

Những giống cây mới được đưa vào trồng ở vùng cao Mù Cang Chải

Gia đình anh Giảng A Hồng ở bản Trống Là, xã Hồ Bốn, huyện Mù Cang Chải hiện đang trồng hơn 1 ha giống ngô lai trên đất dốc. Giống cây này có ưu điểm nổi bật là chống chịu được hạn hán, thời gian sinh trưởng nhanh, phù hợp với thời vụ.

Nhờ tham gia tích cực các lớp tập huấn do địa phương tổ chức nên anh Hồng đã biết kết hợp giữa bón phân đạm với các loại phân chuồng, không sử dụng thuốc diệt cỏ, thuốc trừ sâu độc hại. Nhờ đó cây trồng phát triển tốt, đất thường xuyên được phủ xanh bằng các mùa ngô gối vụ.

Anh Hồng cho biết: "Chúng tôi được cán bộ khuyến nông xã tổ chức tập huấn, chuẩn bị đến thời vụ thì các gia đình thực hiện. Trước khi trồng cho phân NPK và phân chuồng, bao giờ cây được 5 đến 7 lá thì chúng tôi tiếp tục bón lần thứ hai".

Trong lĩnh vực chăn nuôi, nhiều giải pháp cũng đã được các hộ nông dân tích cực thực hiện, nổi bật là lựa chọn các giống vật nuôi mới có thế mạnh như dê, nhím, hươu, ốc nhồi, song song với các vật nuôi chủ đạo lâu nay là lợn, gà, trâu, bò... Bên cạnh đó là chủ động nguồn thức ăn tại chỗ như cỏ, rơm rạ, tránh phụ thuộc quá nhiều vào nguồn thức ăn công nghiệp.

Các nông hộ cũng ứng dụng khoa học công nghệ vào chăn nuôi như xây dựng hệ thống máng ăn, máng uống tự động, sử dụng đệm lót sinh học, men vi sinh để vệ sinh chuồng trại; đồng thời thay đổi hình thức chăn nuôi từ chăn thả tự do sang chăn nuôi bán chăn thả, chăn nuôi theo hình thức công nghiệp... Từ đó không chỉ bảo vệ được môi trường mà còn chủ động được trước thời tiết khắc nghiệt.

Anh Nguyễn Tiến Sơn ở thôn 4, xã Minh Quân, huyện Trấn Yên cho biết: "Ở đây chúng tôi lại chọn hướng khác bởi vì địa thế miền núi có những cái rất thuận lợi như: Khí hậu, độ thông thoáng và  diện tích nuôi,... nên lựa chọn nuôi gà bán chăn thả".

Đầu tư khoa học và có hệ thống trong trồng trọt, chăn nuôi sẽ là cơ sở để nông nghiệp ở tỉnh miền núi Yên Bái giảm thiểu những thiệt hại do thiên tai gây ra, từng bước xây dựng nền nông nghiệp xanh, bền vững trong thời gian tới./.

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất