(TTĐN) - Để bảo vệ môi trường, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Tuyên Quang phát động phong trào "Tuyên Quang chung tay xử lý rác thải và chống rác thải nhựa"., đây là 1 trong 2 nhiệm vụ đột phá trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức phong cách Hồ Chí Minh giai đoạn 2020 - 2025 và những năm tiếp theo của tỉnh. Trong thực hiện, nhiều việc làm thiết thực đã đem lại ý nghĩa to lớn, có sức lan tỏa mạnh tạo hiệu ứng sâu rộng, nâng cao ý thức tự giác của mỗi người dân trong việc bảo vệ môi trường ở địa phương.
 |
Các em học sinh Trường trung học cơ sở Hoàng Khai, huyện Yên Sơn, tỉnh Tuyên Quang tham gia đổi rác thải nhựa lấy cây xanh.
|
Tạo sức lan tỏa từ phong trào
Phó Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) tỉnh Tuyên Quang Đỗ Minh Tân cho biết, MTTQ các xã, phường, thị trấn xây dựng các mô hình “Thùng rác gia đình”; “Hãy thả rác vào thùng”, “Khu dân cư sáng - xanh - sạch - đẹp”; đặt thùng đựng rác “Nơi thu gom vỏ chai nhựa gây Quỹ ủng hộ Vì người nghèo”; từ công tác tuyên truyền của MTTQ, nhiều hộ dân ở các khu dân cư đã đồng tình tích cực hưởng ứng tình nguyện đóng góp kinh phí để xây dựng các bể xử lý lý rác ở khu vực cộng cộng, bể ủ rác hữu cơ ở gia đình. Từ 28 mô hình điểm cấp huyện về thu gom, xử lý rác thải và chống rác thải nhựa sau 2 năm tổ chức triển khai thực hiện đã lan tỏa và nhân rộng trên địa bàn toàn tỉnh với 4.577 tổ, nhóm tự quản về bảo vệ môi trường, thu gom, xử lý rác thải và chống rác thải nhựa; lắp đặt 1.448 biển mô hình. MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội đã vận động đoàn viên, hội viên, thành viên các tổ, nhóm tự quản và nhân dân đóng góp kinh phí xây dựng trên 24.800 bể, hố xử lý rác thải ở khu dân cư và hộ gia đình.
Chung tay xử lý rác thải và chống rác thải nhựa là một trong bốn nhiệm vụ đột phá, đổi mới của Hội LHPN tỉnh, từ công tác tuyên truyền và hoạt động của các câu lạc bộ, nhận thức, ý thức và thói quen của hội viên và nhân dân đã từng bước thay đổi. Nhiều mô hình, cách làm hay, sáng tạo phù hợp với tình hình thực tế của địa phương đã được các chị em áp dụng thực hiện. Các hội viên phụ nữ đã làm được trên 23 nghìn viên gạch sinh thái, xây dựng được 61 công trình bàn ghế, bồn hoa, cổng nhà văn hóa, thư viện cho bé và các điểm check in... với tổng trị giá trên 287 triệu đồng. Các cơ sở hội thu gom phân loại rác thải nhựa bán gây quỹ được trên 108 triệu đồng để giúp đỡ 105 hội viên phụ nữ nghèo và 28 trẻ em nghèo, ốm đau, mắc bệnh hiểm nghèo, có hoàn cảnh khó khăn và các hoạt động khác của hội...
 |
Đoàn thành niên tổ chức đổi rác thải nhựa lấy đồ dùng học tập
|
Cùng với đó, Hội Nông dân với các mô hình: Thu gom bao bì phân bón, thuốc bảo vệ thực vật ở đồng ruộng; xử lý rác thải nông nghiệp rác thải sinh hoạt gia đình thành phân bón tại nguồn; xử lý nước thải, chất thải bằng biện pháp sinh học góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường; “nói không với rác thải nhựa”... Đoàn Thanh niên là các mô hình: "Đổi rác thải nhựa lấy đồ dùng học tập"; "Đổi rác thải nhựa lấy cây xanh"; "Ngôi nhà xanh", "Ngôi nhà kế hoạch nhỏ", "Gạch sinh thái"; phong trào “Dọn rác check - in” trên Facebook được đoàn viên, thanh niên thực hiện ở nhiều địa điểm du lịch trong tỉnh; tổ chức cuộc thi viết, video "Tìm hiểu pháp luật về bảo vệ môi trường và ô nhiễm nhựa"; thi vẽ tranh với chủ đề "Chúng em với môi trường và nguồn nước sạch”...
Hội Cựu chiến binh giám sát các hộ tư nhân trong việc xả thải chất thải và chăn nuôi gia súc, gia cầm đúng nơi quy định. Liên đoàn Lao động tuyên truyền, vận động các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, đoàn viên, công nhân, người lao động phát huy sáng kiến cải tiến kỹ thuật tạo ra các sản phẩm thân thiện với môi trường, gắn với phong trào "Lao động giỏi, lao động sáng tạo"; “cơ quan xanh”, doanh nghiệp với mô hình “Thùng rác hữu cơ”, “Thùng rác vô cơ”, “Thùng rác thải nhựa” …
Nhiều các làm hay, sáng tạo
Phường An Tường, thành phố Tuyên Quang là điển hình trong thực hiện phong trào “Tuyên Quang chung tay phân loại rác thải và chống rác thải nhựa”. Để phong trào đạt hiệu quả, ban đầu Ủy ban MTTQ phường thành lập mô hình tự quản thí điểm về phân loại, thu gom, vận chuyển và xử lý rác thải nhựa tại nguồn. Từ đó nhân rộng tới 19 tổ, xóm nhân dân với 85 nhóm và 447 thành viên. Trong quá trình hoạt động, Ủy ban MTTQ phường An Tường đã tích cực đổi mới các nội dung tuyên truyền trên các nền tảng mạng xã hội như: Zalo, Facebook, kết nối qua hệ thống truyền thanh của phường; phát hơn 3.000 tờ rơi tuyên truyền, tài liệu hướng dẫn để vận động nhân dân tích cực tham gia; đồng thời, tổ chức ký cam kết thi đua tới các hộ gia đình trên địa bàn để tạo khí thế thi đua trong nhân dân.
Kim Quan là xã còn nhiều khó khăn của huyện Yên Sơn. Bí thư Đảng ủy xã Trọng Văn Vĩnh cho biết, trước đây quá trình thực hiện việc phân loại và xử lý rác thải tại gia đình gặp nhiều khó khăn nhưng nhờ tích cực tuyên truyền, vận động, hướng dẫn, nhất là từ khi triển khai xây dựng nông thôn mới người dân thực hiện việc phân loại rác thải khá tốt. Giờ đây, không còn tình trạng rác thải sinh hoạt vứt bừa bãi trên đường, dưới khe suối hay ngoài đồng ruộng như trước nữa. Tất cả rác thải sinh hoạt đều được người dân phân loại ngay tại nhà, rác vô cơ đưa tới nơi quy định để xử lý.
Cũng ngay từ đầu năm học mới, các phong trào “đổi rác thải nhựa lấy đồ dùng học tập”, “đổi rác thải nhựa lấy cây xanh”, tái chế rác thải nhựa tiếp tục được duy trì ở nhiều trường học. Em Nguyễn Thu Trà, lớp 9 trường Tiểu học và THCS Phú Thịnh, xã Phú Thịnh (Yên Sơn) nói: “Chúng em thích nhất hoạt động tham gia đổi rác thải nhựa, phế liệu lấy đồ dùng học tập như bút, thước kẻ, vở viết... từ vỏ lon, chai nhựa, sách báo cũ thu gom được, em đã đổi được một chiếc hộp bút xinh xắn. Thông qua hoạt động, chúng em cũng hiểu được ý nghĩa của việc thu gom, phân loại và tái chế rác thải để bảo vệ môi trường xanh, sạch hơn”.
Phong trào đổi rác thải nhựa lấy quà cũng đã được nhiều địa phương vùng cao thực hiện. Người dân mang các vật dụng bằng nhựa như chai nhựa, thau, rổ nhựa, giấy vụn đã qua sử dụng đến điểm đổi rác để lấy quà. Quà tặng được chuẩn bị sẵn gồm nhu yếu phẩm như bột canh, nước mắm, nước rửa chén hay chậu nhựa, hót rác, giỏ đi chợ bằng nhựa tái sinh, xà phòng giặt...
 |
Quang cảnh thành phố Tuyên Quang.
|
Từ nhiều năm nay, Khách sạn Mường Thanh Tuyên Quang thực hiện chiến dịch “Mường Thanh nói không với đồ nhựa - Cùng lựa chọn lan tỏa sống xanh”. Anh Phạm Minh Đức, Giám đốc Khách sạn Mường Thanh (TP. Tuyên Quang) cho biết, khách sạn đã thay thế 13 vật dụng phổ biến nhất có chất liệu nilon/nhựa như: Ống hút, hộp đựng đồ take away, cốc nhựa, túi đựng đồ take away, túi đựng dao cạo… sang chất liệu thân thiện với môi trường và sức khỏe như: vải, giấy tự hủy. Đây là những đồ vật nhỏ nhưng lại chiếm số lượng tiêu thụ rất lớn trong khách sạn.
Bắt kịp trào lưu “Nói không với rác thải nhựa”, nhiều điểm du lịch cộng đồng tại Lâm Bình đã tiên phong sử dụng các dụng cụ sinh hoạt có nguồn gốc thiên nhiên để phục vụ du khách. Anh Cao Văn Minh, Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin huyện Lâm Bình cho biết, huyện hiện có trên 30 homestay. Hầu hết các điểm homestay đều có sử dụng đồ dùng thân thiện với môi trường như: cốc làm từ tre, túi đan bằng guột, bằng vải thổ cẩm...
Bằng những việc làm cụ thể, thiết thực, mỗi địa phương, trường học, cơ sở kinh doanh đã có những cách làm hiệu quả trong việc hạn chế sử dụng rác thải nhựa. Từ đó, đưa phong trào chống rác thải nhựa ngày càng phát triển sâu rộng, nâng cao ý thức của mỗi người dân về việc bảo vệ môi trường sống./.
Thanh Phúc