(TTĐN) - Sau châu Âu, hàng loạt quốc gia châu Á rơi vào cảnh thiếu điện, nhưng nguyên nhân lại có nhiều điểm chung, đó là giá năng lượng tăng cao, lạm phát leo thang và nắng nóng triền miên. Và ở đây, câu chuyện về việc châu Âu vượt qua khủng hoảng thiếu điện có thể mang tới cho châu Á những kinh nghiệm quý báu.
|
Hà Lan khuyến khích phát triển điện áp mái để giải bài toán năng lượng (Ảnh: Shutterstock)
|
Gần đây, Bangladesh được nhắc nhiều trên truyền thông quốc tế cùng tình trạng thiếu điện. Trong vòng 5 tháng đầu năm 2023, quốc gia châu Á này đã phải cắt điện 114 ngày, nhiều hơn tổng số ngày cắt điện trong cả năm 2022. Việc cắt điện thường xuyên không chỉ khiến người dân than trời, mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng tới hoạt động sản xuất, kinh doanh. Nguyên nhân chính dẫn đến thiếu điện tại Bangladesh chủ yếu là do nguồn cung khí đốt bị gián đoạn và tình trạng nắng nóng kéo dài. Để đối phó, giới chức Bangladesh đã yêu cầu tăng nhập khẩu khí hóa lỏng thêm 70%. Tuy nhiên, do đồng nội tệ mất giá và dự trữ ngoại hối suy giảm mạnh, tình trạng thiếu điện tồi tệ nhất trong vòng một thập kỷ ở nước này khó có thể giải quyết trong một sớm một chiều.
Một quốc gia châu Á khác cũng đang vật lộn tới tình trạng thiếu điện là Nhật Bản. Cuộc khủng hoảng năng lượng toàn cầu năm ngoái đã khiến chi phí nhập khẩu nhiên liệu hóa thạch tăng đột biến, ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động sản xuất của các doanh nghiệp điện lực tại Nhật Bản. Để đối phó với tình trạng thiếu điện, từ mùng 1 tháng 6, giá điện sinh hoạt ở Nhật Bản được điều chỉnh tăng từ 14% đến 42% tùy theo từng khu vực. Đây là một quyết định gây “đau đớn” không chỉ với đời sống mỗi gia đình Nhật Bản, mà còn làm tăng sức ép đối với nền kinh tế vốn đã trì trệ nhiều năm qua của “xứ sở hoa anh đào”. Ngoài tăng giá điện, chính phủ Nhật Bản còn nỗ lực thúc đẩy việc lắp đặt các tấm pin mặt trời trên các tòa nhà công cộng. Đối với các hộ gia đình, nếu họ có nhu cầu thì sẽ được lắp đặt miễn phí. Các chiến dịch khuyến khích người dân, doanh nghiệp sử dụng các thiết bị thân thiện với môi trường, dùng đèn LED, điều chỉnh cài đặt điều hòa không khí... cũng được khởi động.
Đối với Trung Quốc, hạn hán khiến nhiều đoạn sông Trường Giang cạn nước, làm giảm sản lượng của các nhà máy thủy điện. Trong khi đó, nắng nóng lại làm tăng nhu cầu tiêu thụ điện. Để giải toả cơn khát điện, các địa phương ở Trung Quốc đã thực thi nhiều biện pháp đối phó. Ví dụ tỉnh Tứ Xuyên thông báo sẽ xây nhiều nhà máy điện khí mới và làm thêm đường dây truyền tải kết nối tỉnh này với các lưới điện lân cận. Tỉnh Quảng Đông thì phê duyệt xây các nhà máy điện than mới với công suất lên tới 18 Gigawatts. Còn Vân Nam cũng đề ra chiến lược cải cách điện than theo định hướng thị trường, nhằm đảm bảo an toàn hệ thống điện đồng thời đưa ra giải pháp để điện than sinh lời.
Trên thực tế, cơn khát điện mà các nước châu Á đang phải đối mặt thì châu Âu đã trải qua từ năm ngoái, thậm chí còn ở mức nghiêm trọng hơn là khủng hoảng năng lượng. Từ sau khi xảy ra khủng hoảng dầu mỏ vào thập niên 1970 tới trước khi xung đột giữa Nga và Ukraine bùng nổ vào cuối tháng 2 năm ngoái, châu Âu ra sức thúc đẩy quan hệ về năng lượng với Nga. Trong nhiều năm, Nga liên tục là quốc gia cung cấp năng lượng lớn nhất của châu Âu. Theo số liệu của cơ quan thống kê châu Âu, năm 2021, nghĩa là trước thời điểm Nga phát động chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine, tỉ lệ nhập khẩu khí đốt thiên nhiên, dầu mỏ và than từ Nga của châu Âu lần lượt chiếm 45%, 30% và 50%.
Tuy nhiên, chiến sự ở Ukraine cùng với hàng loạt biện pháp trừng phạt Nga đã trở thành ngòi nổ dẫn tới cuộc khủng hoảng năng lượng tại châu Âu. Thiếu nguồn cung nhiên liệu đầu vào từ Nga, nhiều nhà máy điện than, điện khí, điện dầu ở châu Âu lao đao. Cộng thêm việc phải đối mặt với hạn hạn 500 năm mới có một lần và sự sụt giảm sản lượng điện hạt nhân khiến tình hình thiếu điện ở châu Âu càng thêm trầm trọng. Nhiều nước châu Âu đã phải rốt ráo tìm nguồn cung năng lượng thay thế Nga từ Trung Đông, châu Phi… Nhưng khủng hoảng năng lượng cũng trở thành cơ hội để thay đổi.
Năm 2022, sản lượng điện mặt trời của Liên minh châu Âu tăng 24%, đạt kỷ lục mới. Sang tháng 5 năm 2023, một cột mốc quan trọng trong quá trình chuyển đổi sang năng lượng sạch của Liên minh châu Âu cũng được xác lập. Đó là khi lần đầu tiên sản lượng điện mặt trời toàn khối vượt sản lượng điện than. So với năng lượng gió, thủy điện hoặc địa nhiệt, ưu điểm của điện mặt trời là lắp đặt nhanh chóng. Do vậy, năng lượng mặt trời được nhiều nước châu Âu coi là giải pháp nhanh chóng và dễ dàng để đối phó với cuộc khủng hoảng năng lượng khi nguồn cung khí đốt, dầu mỏ từ Nga cạn kiệt. Câu chuyện ở Hà Lan là một minh chứng rõ nét.
Hiện nay, Hà Lan đang dẫn đầu thế giới về sản lượng điện mặt trời. Ở nước này cứ một trăm nghìn dân là có 100 megawatt điện mặt trời, gấp ba lần ở Trung Quốc và hai lần ở Tây Ban Nha. Chương trình thưởng cho những ngôi nhà lắp đặt tấm pin năng lượng mặt trời không chỉ giúp các gia đình tự chủ một phần nguồn cung cấp điện, mà còn đưa Hà Lan trở thành quốc gia có mạng lưới điện mặt trời dày đặc nhất thế giới, đặc biệt là không bị rơi vào cảnh thiếu điện như nhiều nước khác. Sau thành công của Hà Lan, nhiều nước châu Âu đã noi gương, tăng tốc lắp đặt các tấm pin mặt trời.
|
Các nước biển Bắc cam kết tăng cường năng lượng gió (Ảnh: energia)
|
Bên cạnh đó, khi cấu trúc năng lượng dựa nhiều vào nguồn cung khí đốt từ Nga bị phá huỷ, châu Âu còn đẩy mạnh phát triển năng lượng gió. Cùng với điện mặt trời, năm 2022, điện gió đã đạt sản lượng kỷ lục, chiếm 22% tổng sản lượng điện của Liên minh châu Âu, lần đầu tiên vượt qua điện khí, chiếm khoảng 20%. Đáng lưu ý là sang năm 2023, một hội nghị thượng đỉnh đã được tổ chức ở châu Âu, trọng tâm thảo luận là việc nâng cao năng lực sản xuất năng lượng xanh từ nguồn tài nguyên của biển Bắc. Tại hội nghị, lãnh đạo các nước châu Âu ven biển Bắc nhất trí quy chuẩn hoá các tiêu chuẩn kỹ thuật, đẩy nhanh tốc độ xây dựng các trang trại điện gió trên biển Bắc, hướng đến mục tiêu đến năm 2030 sẽ sản xuất được 120 Gigawatts điện gió trên biển Bắc, tức gấp gần 5 lần công suất hiện nay. Đến năm 2050, tổng sản lượng điện gió tại biển Bắc sẽ lên đến 300 Gigawatts trên năm, đủ sức cung cấp điện tiêu dùng cho 300 triệu hộ gia đình tại châu Âu.
Rõ ràng, khi an ninh năng lượng trở thành vấn đề mang tính chất sống còn đối với tương lai phát triển, châu Âu đã có những bước đi mạnh mẽ và đã đạt được mục tiêu kép. Đó là vừa khắc phục tình trạng thiếu điện, vừa giảm được phát thải. Với sự gia tăng mạnh mẽ của điện mặt trời và điện gió, tổ chức tổ chức tư vấn về khí hậu - năng lượng Ember ước tính rằng, việc sản xuất điện từ nhiên liệu hóa thạch của châu Âu có thể giảm tới 20% trong năm 2023 này, nghĩa là gấp đôi mức giảm kỷ lục trước đó vào năm 2020. Những gì mà châu Âu làm và đạt được trong việc đối phó với tình trạng thiếu điện có thể là kinh nghiệm quý cho các nước châu Á cả trong việc đảm bảo an ninh năng lượng lẫn trong việc thực hiện cam kết cắt giảm lượng phát thải khí nhà kính.
Thành Nam
Nguồn: baotintuc.vn