Thành công không nằm trên 'bàn giấy' - Bài 2: Không biện minh cho sự đánh đổi!
Với những khu đô thị hiện đại được hình thành, Đồng Nai có nhiều thuận lợi để thu hút chuyên gia, lao động tay nghề cao, qua đó nâng cao đầu tư chất lượng thu hút đầu tư lĩnh vực công nghiệp. (Ảnh: TTXVN)

Với những khu đô thị hiện đại được hình thành, Đồng Nai có nhiều thuận lợi để thu hút chuyên gia, lao động tay nghề cao, qua đó nâng cao đầu tư chất lượng thu hút đầu tư lĩnh vực công nghiệp. (Ảnh: TTXVN)

Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng đã quán triệt quan điểm: "Chủ động thích ứng có hiệu quả với biến đổi khí hậu, phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai, dịch bệnh, quản lý, khai thác, sử dụng hợp lý, tiết kiệm, hiệu quả và bền vững tài nguyên; lấy bảo vệ môi trường sống và sức khỏe nhân dân làm mục tiêu hàng đầu; kiên quyết loại bỏ những dự án gây ô nhiễm môi trường, bảo đảm chất lượng môi trường sống, bảo vệ đa dạng sinh học và hệ sinh thái; xây dựng nền kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, thân thiện với môi trường".

Trong bài viết: "Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam", Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng xác định: "Bảo vệ môi trường là một trong những vấn đề sống còn, tiêu chí để phát triển bền vững...".  Đó là sự lựa chọn đúng đắn mang tầm vóc chiến lược, đảm bảo hiệu quả kinh tế trong dài hạn của người đứng đầu Đảng ta.

Chúng ta không thể đánh đổi môi trường tự nhiên bằng bất cứ giá nào. Chúng ta kiên quyết không đánh đổi môi trường để lấy kinh tế. Đó cũng là quan điểm nhất quán và rõ ràng của Chính phủ Việt Nam. Chính phủ cũng xác định phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế carbon thấp là con đường để đưa đất nước phát triển bền vững. Cần khắc phục và loại bỏ ngay tư tưởng chạy theo lợi ích kinh tế trước mắt mà bỏ qua trách nhiệm bảo vệ môi trường; không hy sinh môi trường để đánh đổi lấy kinh tế...

Giống như hầu hết các quốc gia thu nhập thấp khác, Việt Nam đã sử dụng lợi thế tự nhiên về nguồn đất nông nghiệp, tài nguyên nước, rừng, biển và trữ lượng khoáng sản dồi dào làm nền tảng thúc đẩy tăng trưởng nhanh và mạnh trong giai đoạn đầu của sự phát triển. Tuy nhiên, mô hình phát triển kinh tế phần lớn dựa vào nguồn tài nguyên thiên nhiên đang cho thấy sự thiếu bền vững theo thời gian. Nhất là khi quá trình tăng trưởng và công nghiệp hóa nhanh của Việt Nam đã và đang để lại nhiều tác động tiêu cực đến môi trường và tài nguyên thiên nhiên. Nguồn vốn tự nhiên của Việt Nam rơi vào tình trạng suy giảm liên tục trong khoảng 2 thập kỷ qua, kéo theo đó là các vấn đề về môi trường như: Ô nhiễm không khí, ô nhiễm môi trường, mất an ninh nguồn nước, cạn kiệt tài nguyên…

Và đối với từng địa phương, tận dụng lợi thế để hình thành các khu kinh tế, tận dụng thiên nhiên ưu đãi để phát triển du lịch với việc hình thành các khu du lịch sinh thái biển đảo chất lượng cao tầm cỡ khu vực và quốc tế nên phát triển nóng cũng là điều dễ hiểu.

Trên thực tế, xây dựng cơ chế đặc thù cho các địa phương trong việc chuyển mục đích sử dụng đất không chỉ tạo thêm "cú hích" cho sự phát triển của địa phương mà còn cho vùng và cả nước. Tuy nhiên, không thể vì lợi ích kinh tế trước mắt mà địa phương lạm dụng. Phải xác định rằng, việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất để triển khai các dự án kinh tế cần được xem xét, cân nhắc kỹ lưỡng và thực hiện khi không còn phương án lựa chọn nào khác.

Dẫu biết rằng, trong bối cảnh còn nhiều khó khăn, địa phương nào cũng có nhu cầu để đẩy mạnh kinh tế và đó cũng là áp lực của các nhà hoạch định chính sách. Nhưng nếu viện các lý do trên để biện minh cho việc tiếp tục tàn phá thiên nhiên một cách ồ ạt như vậy là chưa thấy trách nhiệm, khó thuyết phục được dư luận. Trong thực tế, mỗi giai đoạn nhất định, ở mỗi thời kỳ chúng ta cần có sự linh hoạt trong thực hiện các mô hình tăng trưởng để thích ứng. Chúng ta có thể nhận thấy rõ sự chuyển biến tích cực về mô hình tăng trưởng ở một số địa phương mà Quảng Ninh, Đồng Nai là một ví dụ điển hình.

Quảng Ninh trong nhiều năm nằm trong tốp những tỉnh miền núi phía Bắc có tốc độ phát triển vào loại tốt mà đóng góp chủ yếu chính là ngành công nghiệp. Trong đó, khai thác than, khoáng sản đóng vai trò chủ đạo. Tuy nhiên, đây lại là ngành có tài nguyên hữu hạn, dần tiến đến cạn kiệt; đi cùng với những mặt tích cực, theo thời gian, những tác động xấu từ mô hình tăng trưởng "nâu" ngày càng thể hiện rõ hơn. Quảng Ninh đã sớm nhận diện đúng hướng đi, thực hiện chuyển đổi mô hình tăng trưởng từ "nâu" sang "xanh" theo đó giảm dần những ngành lệ thuộc nhiều vào tài nguyên khoáng sản, có tác động lớn đến môi trường, thúc đẩy các ngành có hàm lượng công nghệ cao, công nghiệp thông minh, thân thiện với môi trường. Qua đó dần cân đối hài hoà giữa khai thác nguồn tài nguyên khoáng sản với việc bảo vệ cảnh quan, môi trường, lấy phát triển dịch vụ, du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn, tạo dựng thương hiệu một địa phương phát triển năng động, nhiều đổi mới.

Tại Đồng Nai, địa phương có sự phát triển công nghiệp mạnh mẽ, là tỉnh dẫn đầu cả nước về các khu công nghiệp (KCN) với 32 khu công nghiệp. Việc xây dựng và phát triển các KCN đã tạo điều kiện cho tỉnh huy động các nguồn vốn, đặc biệt là nguồn vốn đầu tư nước ngoài, góp phần tăng trưởng kinh tế, tạo công ăn việc làm. Tuy nhiên, địa phương đang chịu áp lực lớn trong quản lý, xử lý ô nhiễm môi trường ở tất cả các mặt như khí thải, nước thải công nghiệp, bảo vệ tài nguyên khoáng sản. Nhận thức rõ điều đó, Đồng Nai đã và đang thực hiện nhiều giải pháp quyết liệt nhằm bảo vệ môi trường hướng tới phát triển bền vững, xây dựng, phát triển các KCN theo hướng xanh, sạch nhằm nâng cao giá trị sản xuất, cải thiện môi trường đầu tư.

Và trong xu thế phát triển bền vững hiện nay, nhiều địa phương trên cả nước đã chọn xu hướng xây dựng các khu công nghiệp xanh. Việc này giúp cải thiện môi trường và phát triển cộng đồng hơn về tính bền vững; đồng thời, cũng mang lại nhiều lợi ích cho chính doanh nghiệp. Hướng tới mục tiêu xây dựng các khu công nghiệp sinh thái, các nhà máy xanh, nhiều địa phương đã xây dựng cơ chế ưu đãi với các doanh nghiệp bảo vệ môi trường. Thậm chí nhiều địa phương đã kiên quyết từ chối những dự án có nguy cơ gây ô nhiễm vì mục tiêu phát triển bền vững. Tại Hưng Yên, tỉnh kiên quyết từ chối tiếp nhận các dự án có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường ngay từ bước đầu; thẩm định chặt chẽ báo cáo đánh giá tác động, cấp giấy phép môi trường; không tiếp nhận các dự án sản xuất công nghiệp rời lẻ ở ngoài khu công nghiệp, cụm công nghiệp.

Đó là những hướng đi đúng đắn, bền vững và phù hợp với xu thế thời đại mà các địa phương cần hướng tới.

Và một điều quan trọng nữa chúng ta đang sống trong một kỷ nguyên toàn cầu hóa với những biến đổi nhanh chóng, khó lường nhất là của biến đổi khí hậu và thiên tai dịch bệnh. Đặc biệt, đại dịch COVID-19 xuất hiện và bùng phát trong hai năm qua gây ra những thiệt hại nặng nề đối với các quốc gia trên nhiều lĩnh vực, nhất là sức khỏe, tính mạng và sinh kế của người dân, gia tăng thất nghiệp, đói nghèo, bất bình đẳng, thiếu an ninh, an toàn cho người dân… Chính vì vậy vấn đề sức khỏe và an toàn của người dân lại được Đảng, Nhà nước và Chính phủ quan tâm và nhấn mạnh hơn bao giờ hết. Việt Nam xác định lấy con người là trung tâm, chủ thể, là nguồn lực chủ yếu và mục tiêu của sự phát triển; phát triển toàn diện, gắn kết chặt chẽ, hài hòa giữa giá trị truyền thống và giá trị hiện đại. Điều này cũng củng cố thêm đường lối, chính sách về phát triển bền vững lấy con người và chất lượng cuộc sống làm trung tâm và cần tính tới những tính toán cụ thể về xã hội và môi trường.

Và điều quan trọng để hài hòa hóa được mục tiêu phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường cần đổi mới tư duy, lý luận và phương pháp làm quy hoạch. Công tác quy hoạch phải có tầm nhìn dài hạn, đồng bộ và hiện đại, lấy con người và chất lượng cuộc sống làm trung tâm và cần tính tới những tính toán cụ thể về xã hội và môi trường. Không phải ồ ạt quy hoạch các khu kinh tế, khu công nghiệp như một nhu cầu bắt buộc để phát triển với tất cả các địa phương. Cần khẳng định môi trường là điều kiện, nền tảng, yếu tố tiên quyết cho phát triển bền vững kinh tế xã hội. Bảo vệ môi trường vừa là mục tiêu, vừa là nhiệm vụ, cần được đặt ở vị trí trung tâm của các quyết định phát triển. Đầu tư cho bảo vệ môi trường là đầu tư cho phát triển bền vững.

Trước mỗi dự án thực hiện cần đánh giá tác động kỹ lưỡng cả về kinh tế, môi trường, xã hội có tính liên kết vùng, nhất là quan tâm đến sinh kế cho những người dân sống từ nghề nông, nghề rừng trên địa bàn. Tuyệt đối không đánh đổi bằng mọi giá, phải coi phát triển bền vững là ưu tiên hàng đầu, không vì lợi ích kinh tế trước mắt mà đánh đổi môi trường, bởi chúng ta còn có trách nhiệm gìn giữ tài nguyên thiên nhiên cho thế hệ mai sau.

Không có lý do gì để biện minh cho sự đánh đổi môi trường lấy kinh tế, không còn con đường nào khác đó là hòa nhập với sân chơi chung toàn cầu, để phát triển bền vững.

Bài cuối: Vị thế càng tăng, trách nhiệm càng lớn

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất