(TTĐN) - Sau nhiều thử nghiệm, với sự hỗ trợ của Bộ đội biên phòng (BĐBP), bà con các dân tộc vùng biên tỉnh Lạng Sơn chọn gắn bó với cây thông mã vĩ – loài cây thích ứng được với vùng đất khô cằn, khí hậu khắc nghiệt, độ dốc lớn của vùng đất biên ải. Dọc dải biên cương Lạng Sơn, những rừng thông bạt ngàn cứ nối dài, xanh ngắt suốt bốn mùa. Người dân khẳng định, cây thông đã thực sự trở thành cây giảm nghèo, làm giàu của họ.
|
Vùng biên Lạng Sơn đã được phủ xanh bởi các loại cây trồng lâu năm, trong đó nhiều nhất là thông mã vĩ. (Ảnh: Thu Hằng)
|
Cây kinh tế chủ lực
Chúng tôi theo cung đường tuần tra biên giới được đổ bê tông phẳng lỳ, uốn lượn qua những đồi thông xanh mát qua xã Yên Khoái, Tú Mịch, Tam Gia (huyện Lộc Bình) tới Bính Xá, Bắc Xa (huyện Đình Lập). Hai bên đường, rừng thông phủ xanh vùng đồi núi trập trùng. Diện mạo của vùng biên thay đổi hoàn toàn so với gần 20 năm về trước. Những ngôi nhà tầng khang trang mọc lên ngày càng nhiều, thay cho những ngôi nhà ngói cũ, nhỏ hẹp trước đây. Đường bê tông đã vươn tới những thôn, bản xa xôi, hẻo lánh, thay cho con đường đất bùn lầy mỗi khi mưa xuống trước đây. Vùng biên được thắp sáng bởi hệ thống đèn năng lượng mặt trời do các đồn Biên phòng xây dựng từ mô hình “Thắp sáng đường tuần tra biên giới”.
Sinh ra và lớn lên ở xã Tam Gia, năm nay đã gần 60 tuổi, hơn ai hết, ông Lành Văn Ái cảm nhận rõ sự đổi thay của mảnh đất quê hương. “Trước đây ai cũng đói khổ vì một năm chỉ trồng ngô, trồng lúa được một vụ. Khắp vùng này, nhà nào cũng thiếu ăn lúc giáp hạt, nhà ở thì lụp xụp, đường sá đi lại khó khăn. Từ ngày có cây thông, đời sống của người dân khấm khá dần lên. Bây giờ, có đường, có điện, kinh tế ổn định, cuộc sống khá giả hơn nhiều” - ông Ái chia sẻ khi nhìn lại những thăng trầm của vùng đất chôn rau, cắt rốn.
Ông Ái kể: “Ngày xưa, cuộc sống khó khăn vô cùng. Vùng đất này toàn là đồi núi, trồng cây nào cũng khó sống. Nước sinh hoạt, nước sản xuất đều thiếu, chúng tôi chỉ trồng ngô và trồng lúa được một vụ. Đất cằn cỗi nên cây lúa, cây ngô cho năng suất rất thấp. Tôi làm lụng vất vả, hôm nào cũng thức dậy từ 3 giờ sáng xay lúa, giã gạo, gánh nước, làm đủ thứ việc nhưng vẫn không đủ ăn. Không riêng gì nhà tôi mà những nhà khác cũng thế, Nhà nước phải trợ cấp gạo lúc giáp hạt. Mãi tới khi cây thông được đưa về trồng ở đây, cho khai thác nhựa thì cuộc sống của chúng tôi mới đổi thay như bây giờ”.
Cảm nhận của ông Ái cũng là tâm tư chung của những người dân xã Tam Gia khi nhìn lại hành trình đi lên của quê hương mấy chục năm qua. Đi trên con đường bê tông rộng 3m mới được hoàn thành cuối năm 2023, ông Lành Văn Tịch, dân tộc Tày, Bí thư chi bộ bản Lòng Pò Bó, xã Tam Gia phấn khởi nói với tôi: “Diện mạo thôn xóm được khang trang như bây giờ phần lớn là nhờ cây thông. Chúng tôi từng trồng thử nghiệm nhiều loại cây, nhưng chỉ có loài thông mã vĩ là sinh trưởng và phát triển tốt ở vùng đất này. Vậy là, từ năm 2003, bà con bắt đầu triển khai trồng thông. Từ một diện tích nhỏ, đến nay, hầu hết khu vực đồi núi ở đây được phủ xanh bởi loại cây này. Đời sống bà con theo đó khấm khá dần lên. Năm 2013, giá nhựa thông lên tới 50.000- 60.000 đồng/kg, bà con ai cũng phấn khởi”.
Nhà ông Tịch trồng 7ha thông, mỗi năm cho thu nhập khoảng 100 triệu đồng. Ông Tịch cho hay: “Trồng thông như của để dành, sau khoảng 15 năm mới được khai thác nhựa, lúc đó mới có thu nhập. Cạo nhựa được khoảng 10 năm thì phải cắt bỏ, trồng cây mới. Giá nhựa thông lúc cao lúc thấp, nhưng chỉ cần giá trên 30.000 đồng/kg là chúng tôi có thể sống dư giả”.
Cũng theo lời ông Tịch, bản Lòng Pò Bó có 90 hộ dân, nhờ phát triển kinh tế nông, lâm nghiệp mà cả bản chỉ còn 1 hộ nghèo và 4 hộ cận nghèo. Trên bình diện cả xã, cây thông đã giúp người dân xóa đói, giảm nghèo thành công, thu nhập bình quân đầu người được nâng lên, đời sống nhân dân được cải thiện rõ rệt. Năm 2022, xã Tam Gia đã hoàn thành các tiêu chí xây dựng nông thôn mới. Thu nhập bình quân đầu người đạt gần 40 triệu đồng/người/năm.
Cùng nhìn lại quá trình cây thông đến với vùng biên Tam Gia, cô Tô Thị Tươi, xã Bính Xá kể: “Cây thông giờ đây đã trở thành cây kinh tế chủ đạo ở đây. Trung bình, mỗi hộ dân trồng từ 15 đến 30ha thông, có nhà còn trồng tới 100ha. Nhiều nhà giàu lên từ thông”.
Tìm hướng nâng cao giá trị của cây thông
Đến nay, cây thông đã trở thành sinh kế bền vững của đồng bào các dân tộc ở vùng biên Lạng Sơn. Không chỉ là cây xóa đói, giảm nghèo, nhờ mở rộng diện tích trồng thông, nhiều hộ dân đã trở nên giàu có. Tại “thủ phủ” thông Bắc Xa (huyện Đình Lập), không khó để tìm thấy những ngôi nhà cao tầng, khang trang, biểu thị sự giàu có của gia chủ. Điển hình như gia đình ông Hoàng Văn Sáu ở bản Quầy. Từ hộ nghèo, thiếu ăn triền miên, đến nay, ông không chỉ xây nhà lầu mà còn mua xe hơi, thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm.
|
Trồng thông sau khoảng 15 năm thì người dân được khai thác nhựa, từng bước nâng cao đời sống. (Ảnh: Thu Hằng)
|
“Tất cả là nhờ cây thông. Tôi bắt đầu trồng loại cây này từ năm 2006, thay thế cho những đồi ngô năng suất thấp. Ban đầu, tôi chỉ trồng vài ha, đến nay, diện tích rừng thông của gia đình tôi đã tăng lên gần 50ha. Nhờ cây thông mã vĩ, gia đình tôi có nguồn thu ổn định, từng bước thoát khỏi cảnh đói nghèo và trở nên giàu có. Mỗi năm, tiền bán nhựa thông mang lại cho gia đình tôi vài trăm triệu đồng” - ông Sáu chia sẻ. Ở xã Bắc Xa, những hộ dân giàu có như ông Sáu không hiếm, có thể kể đến gia đình ông Tô Đức Lượng, Tô Văn Mộc, Tô Văn Lập.
Hiện, xã Bắc Xa có hơn 350 hộ dân. Thu nhập của người dân đến từ sản xuất nông, lâm nghiệp. Trong cơ cấu kinh tế đồi rừng của Bắc Xa, cây thông chiếm tỉ lệ lớn nhất. Diện tích đất trồng thông của toàn xã hiện lên tới 11.000ha. Đây là nguồn thu nhập chủ yếu của người dân. Trong những năm qua, nhờ cây thông, tỉ lệ hộ nghèo của xã Bắc Xa đã giảm xuống còn 4,8%. Diện mạo xã hoàn toàn thay đổi với hệ thống đường, trường, trạm được xây dựng kiên cố, nhà cửa khang trang. Năm 2019, xã biên giới này đã đạt chuẩn nông thôn mới.
Cùng với niềm vui thoát khỏi đói nghèo nhờ thông mã vĩ, những người dân mà chúng tôi gặp ở biên giới Lạng Sơn cũng có những nỗi niềm trăn trở bởi mấy năm gần đây, giá nhựa thông xuống thất thường do phụ thuộc hoàn toàn vào thị trường Trung Quốc. Ông Tịch cho biết: “Sau nhiều năm được giá, những năm gần đây, đặc biệt là sau dịch Covid-19, giá nhựa thông liên tục giảm, có lúc thấp nhất chỉ còn khoảng 22.000 đồng/kg. Điều này là do nhựa thông chưa có nhiều đầu ra, bà con chủ yếu tiêu thụ ở thị trường Trung Quốc. Nếu như có cơ sở chế biến hoặc nhà máy trong nước thu mua thì có lẽ giá nhựa thông sẽ ổn định hơn”. Đây cũng là điều mong mỏi của nhiều người trồng thông ở vùng biên Lạng Sơn để có thể gia tăng giá trị của cây thông./.
Thu Hằng
Nguồn: bienphong.com.vn