|
Lãnh đạo Tổ hợp Khu Công nghiệp Deep C giám kiểm tra hoạt động của nhà máy xử lý nước thải. Nước thải sau xử lý này dùng để tưới cây và phục vụ các hoạt động khác trong khu công nghiệp. (Ảnh: TTXVN)
|
Phát triển kinh tế tuần hoàn đang là một xu hướng mạnh mẽ ở nhiều quốc gia trên thế giới bởi chính những lợi ích về cả kinh tế, môi trường và xã hội mà nó được kỳ vọng mang lại như: Tạo ra cơ hội tăng trưởng kinh tế, tạo việc làm và giảm tác động môi trường, thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững (SDG) và ứng phó với biến đổi khí hậu.
Do vậy, kinh tế tuần hoàn đang được Việt Nam xem là một ưu tiên trong giai đoạn tiếp theo của phát triển đất nước. Phóng viên TTXVN xin giới thiệu chùm 2 bài về liên quan đến nội dung: "Phát triển kinh tế tuần hoàn".
Bài 1: Giảm tác động môi trường
Để phát triển kinh tế tuần hoàn, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 55-NQ/TW, “Về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”, trong đó khẳng định phải ưu tiên phát triển năng lượng tái tạo, phát triển nhà máy điện sử dụng rác thải, chất thải để bảo vệ môi trường và phát triển kinh tế tuần hoàn.
Xanh hóa các ngành kinh tế
Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 687/QĐ-TTg về phê duyệt Đề án Phát triển kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam với mục tiêu góp phần giảm cường độ phát thải khí nhà kính ít nhất 15% vào năm 2030, hướng tới giảm phát thải ròng về 0 vào năm 2050. Đồng thời, tăng cường nhận thức, sự quan tâm đầu tư của các doanh nghiệp, nhà đầu tư trong và ngoài nước đối với mô hình kinh tế tuần hoàn, thúc đẩy xanh hóa các ngành kinh tế.
Mô hình Kinh tế tuần hoàn hỗ trợ xây dựng lối sống xanh, khuyến khích phân loại rác thải và thúc đẩy tiêu dùng bền vững. Điểm nổi bật của Đề án Phát triển kinh tế tuần hoàn cụ thể là đến năm 2025, các dự án kinh tế tuần hoàn bước đầu đi vào thực hiện và phát huy hiệu quả. Tái sử dụng, tái chế, xử lý 85% lượng chất thải nhựa phát sinh; giảm thiểu 50% rác thải nhựa trên biển và đại dương so với giai đoạn trước; giảm dần mức sản xuất và sử dụng túi ny-lông khó phân hủy và sản phẩm nhựa dùng một lần trong sinh hoạt.
Theo Phó Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Thế Chinh, nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường), phát triển kinh tế tuần hoàn còn thể hiện trách nhiệm của quốc gia trong giải quyết những thách thức toàn cầu do ô nhiễm môi trường, biến đổi khí hậu, đồng thời nâng cao năng lực, sức cạnh tranh của nền kinh tế. Kinh tế tuần hoàn giúp tận dụng được nguồn nguyên vật liệu đã qua sử dụng thay vì tiêu tốn chi phí xử lý; giảm thiểu khai thác tài nguyên thiên nhiên, tận dụng tối đa giá trị tài nguyên; hạn chế tối đa chất thải, khí thải ra môi trường.
Đối với xã hội, kinh tế tuần hoàn giúp giảm chi phí xã hội trong quản lý, bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu; tạo ra thị trường mới, cơ hội việc làm mới, nâng cao sức khỏe người dân... Thực hiện kinh tế tuần hoàn có thể xem là một trong những giải pháp đột phá để giải quyết mối quan hệ giữa kinh tế với môi trường trong bối cảnh phát triển công nghiệp, đô thị, thay đổi về tiêu dùng và lối sống.
Đặc biệt, trong bối cảnh nguồn cung nguyên liệu, nhiên liệu đang bị đứt gãy do giãn cách xã hội, thực hiện kinh tế tuần hoàn còn đang được xem xét như là một trong những giải pháp góp phần phục hồi nền kinh tế hậu COVID-19.
|
Rừng lùng tại xã Đồng Văn, huyện Quế Phong (Nghệ An). (Ảnh: TTXVN)
|
Tạo sinh kế cho người dân
Cây lùng được coi là cây đặc hữu ở nước ta và được trồng nhiều tại huyện Quế Phong, Nghệ An. Cây có đặc tính đốt dài, trong đó có những đốt dài tới 1,5m; cấu tạo sợi dài, mịn, trắng, rất phù hợp cho việc sản xuất các sản phẩm đồ thủ công mỹ nghệ cao cấp để xuất khẩu, đặc biệt là hàng mây tre đan. Do đó, việc phát triển một cách bền vững chuỗi giá trị cây lùng có chất lượng và hiệu quả cao sẽ góp phần nâng cao được giá trị các sản phẩm tre. Bên cạnh đó, việc quản lý và khai thác rừng lùng một cách hiệu quả sẽ góp phần phục hồi hệ sinh thái xanh, giảm thiểu thiệt hại do thiên tai gây ra như lũ ống, lũ quét, sạt lở đất tại các huyện miền núi của tỉnh Nghệ An.
Tại huyện Quế Phong (Nghệ An), 7 tổ nhóm nông dân sản xuất với 212 hộ thành viên quản lý, khai thác 839,3 ha rừng lùng đã đón nhận chứng chỉ FSC (chứng chỉ dùng cho các nhà quản lý rừng hay những nhà sản xuất các sản phẩm từ rừng đảm bảo được tiêu chí về phát triển bền vững, cân bằng được các giá trị bảo vệ môi trường với lợi ích xã hội của các bên liên quan). Đây là địa phương đầu tiên tại Nghệ An nhận chứng chỉ FSC, đánh dấu một bước tiến cho người khai thác rừng ở Nghệ An.
Chứng chỉ FSC được cấp bởi Hội đồng quản lý rừng thế giới nhằm khuyến khích các hoạt động khai thác đi đôi với phát triển bền vững tài nguyên rừng, ngăn chặn việc khai thác rừng bừa bãi. Đây được xem là giấy thông hành cho các sản phẩm từ cây lùng của địa phương để xâm nhập vào các thị trường khó tính như châu Âu, Mỹ, Nhật Bản, mang lại thu nhập cao và bền vững hơn cho người dân, doanh nghiệp.
Từ năm 2018, Dự án “Phát triển bền vững và toàn diện chuỗi giá trị nghêu và tre ở Việt Nam (SCBV)” đã tổ chức các lớp tập huấn kỹ thuật và chia sẻ kinh nghiệm trồng, chăm sóc và khai thác rừng lùng theo tiêu chuẩn FSC, khiến người dân địa phương dần dần có niềm tin.
Anh Hà Văn Phong, hộ trồng lùng tại xã Đồng Văn, huyện Quế Phong (Nghệ An) tâm sự: “Song song với lý thuyết, dự án còn hỗ trợ các mô hình thí điểm phục tráng rừng lùng tại một số bản. Các chuyên gia chỉ dạy tận tình và cụ thể, từ cách phân loại và khai thác cây theo độ tuổi, cách chặt sát gốc và dọn rác sau khi khai thác. Trước khi có dự án, cây lùng đạt hiệu quả kinh tế rất thấp, sau khi có dự án thì cây lùng mang lại hiệu quả khai thác cao hơn.”
Ông Phan Văn Thắng, Giám đốc Trung tâm Trung tâm Nghiên cứu Lâm sản ngoài gỗ (Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam) chia sẻ: Dự án đã mang lại tác động rất lớn trong phát triển bền vững cây lùng tại Nghệ An và Thanh Hóa, góp phần xóa đói giảm nghèo cho người dân…”
Theo ông Hoàng Trung Sơn, Phó trưởng phòng phát triển và sản xuất rừng (Chi cục Kiểm lâm tỉnh Nghệ An), về môi trường, khi rừng có chứng chỉ FSC thì các hoạt động khai thác kinh doanh được kiểm tra, giám sát, có kế hoạch cụ thể, chi tiết về từng vị trí, diện tích và cường độ khai thác, làm sao để khi khai thác xong không làm ảnh hưởng đến tài nguyên rừng, trong quá trình khai thác thì vật liệu và rác thải được thu gom theo đúng quy định, trong quá trình khai thác thì không làm ảnh hưởng đến môi trường sống của các loài động vật.
Bà Bùi Văn Hiền, Phó Chủ tịch UBND huyện Quế Phong, Nghệ An nhấn mạnh: "Sắp tới huyện sẽ quy hoạch dự kiến ngoài gần 1.000 ha được cấp chứng chỉ FSC thì sẽ mở rộng ra 1.000 đến 2.000 ha để thực hiện việc cấp chứng chỉ FSC".
Với những kết quả đạt được, ngày 1/7/2022, Trung tâm Nghiên cứu Lâm sản ngoài gỗ (Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam) phối hợp với UBND huyện Quế Phong tổ chức Hội thảo “Giới thiệu, công bố và đón nhận chứng chỉ FSC cho nhóm hộ tại huyện Quế Phong”. Trong thời gian tới, huyện Quế Phong sẽ tiếp tục đồng hành cùng doanh nghiệp và người dân phát triển nhiều hơn nữa các mô hình kinh tế xanh gắn với bảo vệ môi trường bền vững, bảo vệ hệ sinh thái, đa dạng sinh học vừa tạo sinh kế lâu dài cho người dân địa phương./.
*Bài 2: Hướng đi mới cho nền kinh tế
TTXVN
Nguồn: Bnews.vn