Phát triển khu công nghiệp sinh thái - Bài 1: Tham vọng Khu công nghiệp Net Zero
Khu công nghiệp Đình Vũ (Hải Phòng) (Ảnh minh họa: TTXVN)

Khu công nghiệp Đình Vũ (Hải Phòng) (Ảnh minh họa: TTXVN)

Tuy vậy, việc hình các khu công nghiệp sinh thái không phải điều dễ dàng khi còn vướng mắc nhiều ở cơ chế lẫn sự quyết tâm, đồng hành của doanh nghiệp.

Bài 1: Tham vọng Khu công nghiệp Net Zero

Khái niệm khu công nghiệp sinh thái lần đầu được đưa ra ở Việt Nam tại Điều 2, Nghị định 82/2018/NĐ-CP quy định về quản lý khu công nghiệp và khu chế xuất. Khu công nghiệp sinh thái được hiểu là “cộng đồng” các doanh nghiệp cùng sản xuất, dịch vụ hướng đến mục tiêu vừa phát triển vừa bảo vệ môi trường.

Tiêu chuẩn của một khu công nghiệp sinh thái đòi hỏi sự đầu tư lớn mới có thể đáp ứng quy định. Theo đó, về kết cấu hạ tầng phải đúng pháp luật, bảo vệ môi trường, lao động và đủ dịch vụ cơ bản. Bên cạnh đó, sản xuất sạch, sử dụng tài nguyên hiệu quả và diện tích đất dành cho công trình xanh tối thiểu 25%.

Trong khu công nghiệp sinh thái có ít nhất 1 liên kết cộng sinh công nghiệp với ít nhất 10% tổng số doanh nghiệp thành viên tham gia. Ngoài ra, khu công nghiệp sinh thái phải có cơ chế giám sát, quản lý đầu vào, đầu ra, hoạt động hiệu quả tài nguyên, phát thải.

Định hướng đã có, từ đây, đã có những doanh nghiệp mạnh dạn đầu tư phát triển, mang lại giá trị kinh tế xã hội và đóng góp vào việc giảm phát thải bền vững.

Khu công nghiệp Net Zero

Nhắc đến khu công nghiệp, khu chế xuất, hình ảnh thường thấy là những nhà xưởng, máy móc hoạt động đêm ngày, những chuyến xe nặng nề chở hàng ra vào, những kho hàng vật tư, bến bãi, cùng với đó là khói bụi, ô nhiễm nguồn nước. Thế nhưng, với Nam Cầu Kiền - một trong số ít các khu công nghiệp sinh thái, những hình ảnh đó đã được thay bằng công viên, ao cá, vườn hoa, cà phê checkin cho các bạn trẻ...

Đến thăm khu công nghiệp Nam Cầu Kiền (Thủy Nguyên, thành phố Hải Phòng), chúng tôi không khỏi ngỡ ngàng bởi không ai nghĩ rằng nơi đây là một khu công nghiệp sản xuất. Ngay từ lối vào, từng hàng cây xanh mát che phủ những con đường, dòng kênh xanh với đầy tôm, cá. Tiến sâu vào khu công nghiệp này, không khí càng trở nên trong mát hơn với những vườn cây hoa Nhật Bản, vườn Hạnh phúc, vườn Hà Lan, bể bơi, nhà hàng... được thiết kế riêng biệt để tạo không gian nghỉ ngơi, thư giãn.

Hồ điều hòa xử lý nước thải của khu công nghiệp - nơi được ví như "quả thận", lọc bỏ chất thải nguồn nước xanh mát với hàng nghìn con cá bơi lội.

Ông Phạm Hồng Điệp, Chủ tịch HĐQT Công ty Shinec, chủ đầu tư Khu công nghiệp Nam Cầu Kiền thông tin, ở khu công nghiệp này, trên 40% diện tích đất được xây dựng làm công viên, cây xanh, đất công cộng, hạ tầng cơ sở. Đến nay, 100% nước thải, khí thải, bụi, chất thải của các nhà máy trong khu công nghiệp được xử lý và đo đếm bằng hệ thống điện tử, quan trắc tự động, giám sát 24/24h... đảm bảo hệ sinh thái xanh, sạch 100%.

Không chỉ vậy, để thực hiện đa dạng hóa sinh học, hướng tới hình thành một công viên bách thảo, tại Nam Cầu Kiền, khu vườn hoa với hàng nghìn giò hoa lan, hàng trăm giống cây được sưu tầm để trồng. Hệ thống cây xanh tại khu công nghiệp này được chia thành nhiều tầng, lớp.

Các hàng cây cao để cách ly tiếng ồn và bụi từ xung quanh với phi lao, bạch đàn, long não; cây tạo cảnh quan như chà là, đa, tre, gạo, phong linh, phượng hoàng lửa, hoa ban, huỳnh liên, phượng đỏ… Hàng trăm cây ăn quả với đủ các giống như xoài, đu đủ, bưởi, nhãn, hồng xiêm, chuối… cũng được trồng thành từng khu vực.

Theo ông Phạm Hồng Điệp, đầu tư khu công nghiệp sinh thái, chi phí sẽ tăng lên khoảng 30% so với các khu công nghiệp thông thường. Nhưng với tư duy đi trước đón đầu, Nam Cầu Kiền đặt ra mục tiêu đến năm 2030 khu công nghiệp phải thực hiện bằng được Net zero (phát thải bằng 0), hướng tới trở thành khu công nghiệp sinh thái kiểu mẫu, đầu tiên, truyền cảm hứng cho các nhà đầu tư trong cả nước có cách nhìn đầu tư bền vững, đầu tư cho tương lai phát triển kinh tế gắn chặt với bảo vệ môi trường; từ đó tạo ra nhiều hệ sinh thái cộng sinh. Hiện khu công nghiệp đã có hơn 80 nhà đầu tư đồng hành, với 7 quốc tịch; trong đó có những “ông lớn” đứng thứ 16 trên thế giới, chuyên sản xuất chíp điện tử.

Hình thành các chuỗi sản xuất tuần hoàn

Hình thành chuỗi sản xuất tuần hoàn tại khu công nghiệp được xem là một trong các tiêu chí quan trọng của khu công nghiệp sinh thái. Tại nhiều khu công nghiệp hiện nay, việc hình thành một chuỗi sản xuất tuần hoàn đã là việc khó, song với Nam Cầu Kiền, đã có tới 3 chuỗi sản xuất tuần hoàn và đang đi vào xây dựng chuỗi sản xuất tuần hoàn thứ tư.

Ông Phạm Hồng Điệp cho hay, đầu tiên, phải kể chuỗi cộng sinh tuần hoàn ngành thép với 16 doanh nghiệp tham gia. Xỉ thép, tạp chất từ phế liệu kim loại của ngành thép sẽ được phân loại để thu hồi kim loại. Sắt tồn dư đưa trở lại nhà máy thép để luyện phôi. Phần xỉ thép không chứa kim loại được nghiền, sàng tái chế làm phụ gia xi măng, vật liệu xây dựng thay đá tự nhiên và tạo ra các sản phẩm khác như gạch không nung, cấu kiện bê tông,…

Đại diện Công ty CP Đại Thắng, đơn vị phân loại và xử lý rác thải công nghiệp, rác thải rắn trong Khu công nghiệp Nam Cầu Kiền cho biết, các loại chất thải sẽ được xử lý, tái chế thành nguyên phụ liệu dùng cho doanh nghiệp trong khu công nghiệp bao gồm các loại chất thải điện tử, thép, nhựa... "Chúng tôi có dây chuyền công nghệ thu hồi hết phế liệu, làm ra các sản phẩm và rác thải gần như bằng 0”.

Còn với chuỗi cộng sinh ngành nhựa, hiện Nam Cầu Kiền có 8 đơn vị tham gia, 65% nguyên liệu đến từ doanh nghiệp nội khu với khoảng cách 1km và 85% nhựa phế liệu được tái chế. Cuối cùng là chuỗi sản xuất khép kín ngành phụ trợ có 20 doanh nghiệp tham gia đến từ nhiều mảng như phụ trợ ô tô, điện – điện tử, chế biến nông sản.

"Nam Cầu Kiền đang chuẩn bị cho vòng tuần hoàn thứ tư liên quan đến năng lượng tái tạo, đặt mục tiêu trung hòa carbon toàn khu vào năm 2024. Theo tính toán, tổng công suất tại toàn bộ hệ thống điện mái tại đây có thể đạt 45 MW và hệ sinh thái mua, bán điện cho các nhà máy trong khu sẽ được hình thành", ông Phạm Hồng Điệp nói.

Trong tương lai, không chỉ chất thải rắn, khí được xử lý hoàn toàn, mà với nước thải công nghiệp, sau khi đã xử lý có thể được cung cấp ngược lại cho các nhà máy, thậm chí sản xuất thành nước uống đạt tiêu chuẩn, thay vì chỉ được dùng để rửa đường, tưới cây... như hiện nay. Nhờ sự hỗ trợ về kiến thức, công nghệ trong giảm phát thải khí nhà kính và xử lý nước thải từ thành phố Kitakyushu (Nhật Bản), ông Điệp tin tưởng điều này khả thi.

Theo ban Quản lý khu công nghiệp - khu kinh tế Hải Phòng, mô hình khu công nghiệp sinh thái được cho là hướng đi quan trọng để thành phố phát triển bền vững. Đây là "sản phẩm sạch" thu hút doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài khó tính. Với với việc tham gia khu công nghiệp sinh thái, doanh nghiệp có thể dễ dàng đạt chứng chỉ sản xuất xanh - giấy thông hành để đẩy mạnh xuất khẩu và phát triển bền vững hơn.

Bài cuối: Để giấc mơ Net Zero thành hiện thực

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất