 |
Quần thể Danh thắng Tràng An, Ninh Bình. (Ảnh: Vũ Minh)
|
Ninh Bình được biết đến là nơi có nguồn tài nguyên du lịch phong phú, với nhiều danh lam thắng cảnh nổi tiếng, vừa có địa hình đa dạng, vừa có vùng đồi núi, đồng bằng và vùng đồng bằng ven biển, có khí hậu ôn hòa, có hệ thống thảm thực vật rừng phong phú. Ngoài ra Ninh Bình cũng là địa bàn quan trọng về quân sự qua các thời kỳ lịch sử, với vị trí đặc biệt về giao thông, địa hình, lịch sử văn hóa, tài nguyên thiên nhiên. Với lợi thế trên, Ninh Bình luôn chú trọng phát triển các loại hình du lịch gắn với bảo vệ môi trường và phát triển bền vững, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Nguồn tài nguyên tự nhiên, văn hóa và lịch sử đa dạng, phong phú
Thực trạng cung ứng các dịch vụ du lịch, nguồn tài nguyên tự nhiên khá đa dạng và phong phú, nổi bật như Quần thể danh thắng Tràng An, Vườn Quốc gia Cúc Phương, Khu Bảo tồn thiên nhiên Đất ngập nước Vân Long, Khu Du lịch Kênh Gà - Vân Trình…
 |
Khánh tham quan Quần thể Danh thắng Tràng An, Ninh Bình. (Ảnh: Vũ Minh)
|
Quần thể danh lam Tràng An, được tổ chức Unesco ghi danh là Di sản văn hóa và thiên nhiên Thế giới, di sản hỗn hợp đầu tiên ở khu vực Đông Nam Á, bởi các giá trị đặc biệt về địa chất, địa mạo, di tích lịch sử, văn hóa và di tích khảo cổ chứa đựng tài nguyên du lịch độc đáo, đặc sắc và có giá trị nhất của tỉnh Ninh Bình.
 |
Khánh tham quan Khu Bảo tồn thiên nhiên Đất ngập nước Vân Long, Ninh Bình. (Ảnh: Vũ Minh)
|
Khu Bảo tồn thiên nhiên Đất ngập nước Vân Long được trao Bằng công nhận là khu Ramsar năm 2019, vùng đất ngập nước có tầm quan trọng quốc tế; khu vực này còn đạt hai kỷ lục về thiên nhiên đó là “Khu bảo tồn có đàn Voọc lớn nhất Việt Nam” và “Khu vực có bức tranh tự nhiên lớn nhất Việt Nam - Bức tranh núi Mèo Cào”. Đây là Khu Bảo tồn không những có giá trị về bảo tồn đa dạng sinh học, phục vụ cho nghiên cứu khoa học, mà còn có điều kiện để phát triển du lịch sinh thái, văn hóa - lịch sử.
 |
Khánh tham quan Vườn quốc gia Cúc Phương, Ninh Bình. (Ảnh: Vũ Minh)
|
Vườn Quốc gia Cúc Phương được công nhận là Vườn quốc gia đầu tiên của Việt Nam, thành lập từ tháng 7 năm 1962. Đây là nơi lưu giữ nhiều loài động vật, thực vật đa dạng và phong phú, vừa là khu bảo tồn thiên nhiên hàng đầu của Việt Nam và là điểm du lịch hấp dẫn với nhiều loại hình du lịch: Sinh thái, môi trường, nghiên cứu khoa học. Đặc biệt, năm 2020 là năm thứ hai liên tiếp Vườn Quốc gia Cúc Phương được Tổ chức Giải thưởng Du lịch Thế giới bình chọn là Vườn quốc gia hàng đầu châu Á.
Khu du lịch Kênh Gà - Vân Trình được xác định có một trong 5 nguồn nước khoáng đặc biệt quý giá của Việt Nam. Suối khoáng nóng ở đây không có mùi, nhiệt độ ổn định ở mức 53°C, đã được Bộ Y tế đánh giá có giá trị cao cho sức khỏe con người. Suối nước khoáng nóng cũng đã được Trung tâm Sách kỷ lục Việt Nam đưa vào tốp 5 suối nước khoáng nóng thu hút khách ở Việt Nam.
Các ngọn núi và hang động của Ninh Bình đẹp nổi tiếng. Đáng chú ý có núi Cánh Diều (Ngọc Mỹ Nhân), núi Non Nước, núi Kỳ Lân, động Địch Lộng, động Thiên Hà, động Bích Động, động Thiên Tôn, hang Sinh Dược, hang Múa... đây cũng là những khu vực có nhiều tiềm năng để phát triển du lịch.
Các hồ nước tự nhiên của Ninh Bình có cảnh quan sinh thái, khí hậu mát mẻ, thuận lợi cho phát triển du lịch nghỉ dưỡng, thể thao, đó là: Hồ Đồng Chương, hồ Yên Quang, hồ Yên Thắng, hồ Đồng Thái...
Vùng biển Kim Sơn - Cồn Nổi, vùng bãi bồi ven biển Kim Sơn, vùng cửa sông ven biển có dải cát mịn dài, xen kẽ là đầm lầy và cánh rừng ngập mặn... chiều dài 18 km, với diện tích khoảng 105.000 ha, phần lớn còn giữ được trạng thái hoang sơ. Nơi đây hội tụ hơn 500 loài động vật thủy sinh, 50 loại cây ngập nước vùng cửa sông ven biển và 200 loài chim, trong đó có nhiều loại quý, hiếm đã được ghi vào Sách Đỏ Việt Nam. Kể từ khi Bãi Ngang - Cồn Nổi được công nhận nằm trong Khu Dự trữ sinh quyển châu thổ Sông Hồng, đã xác định vùng này có giá trị du lịch sinh thái, du lịch biển và thu hút sự quan tâm của khách du lịch,
Bên cạnh tiềm năng về tài nguyên du lịch tự nhiên đa dạng và phong phú, ngành du lịch Ninh Bình cũng rất quan tâm đầu tư, khai thác tài nguyên du lịch, văn hóa, lịch sử. Theo số liệu của Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Ninh Bình, đến ngày 31 tháng 12 năm 2020 trên địa bàn tỉnh Ninh Bình có 1.821 di tích lịch sử văn hóa, trong đó có 379 di tích xếp hạng cấp tỉnh trở lên (81 chi tiết xếp hạng cấp quốc gia, 3 di tích cấp quốc gia đặc biệt, 01 di sản thế giới và 5 bảo vật quốc gia). Trong đó, di tích quốc gia đặc biệt là Khu hang động Tràng An - Tam Cốc, chùa Bích Động, khu Cố đô Hoa Lư và núi Non Nước. Di sản thế giới là quần thể danh thắng Tràng An. Các bảo vật Quốc gia tiêu biểu là: Hai Long sàng bằng đá ở đền vua Đinh Tiên Hoàng, cột đá ở Chùa Nhất Trụ. Các di tích xếp hạng cấp tỉnh tiêu biểu là: Cố đô Hoa Lư, đền thờ Đức Thánh Nguyễn, đền Thái Vi, đền Trương Hán Siêu, Chùa Bái Đính, Chùa Bích Động, Động Địch Lộng và chùa Non Nước. Ngoài ra Ninh Bình còn có 260 lễ hội truyền thống, nổi bật là: Lễ hội Trường Yên, lễ hội đền Thái Vi, lễ hội chùa Bái Đính, lễ hội Đền Nguyễn Công Trứ, lễ hội Tràng An... trong đó, lễ hội Trường Yên được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể của quốc gia.
Số liệu thống kê của Sở Du lịch Ninh Bình cho thấy, trong những năm qua khách đến Ninh Bình tăng trưởng tương đối nhanh, năm 2010 số lượt khách đến Ninh Bình là 3.096.000 lượt khách/năm, đến năm 2014 sau khi quần thể danh thắng Tràng An được tổ chức Unesco công nhận là di sản văn hóa thiên nhiên thế giới, lượng khách đến Ninh Bình đã đạt 4.398.767 lượt khách/năm, tăng 28% so với năm 2010, mức tăng trung bình giai đoạn 2010 - 2014 là 11,94%. Giai đoạn từ 2015-2020, số lượng khách du lịch đến Ninh Bình tăng trưởng tương đối đều. Trong đó, năm 2015 Ninh Bình đón 5.993.208; năm 2016 là 6.500.072 lượt khách/năm; 2017 đón 7.056.325 lượt khách/năm; Năm 2018 là 7.378.618 lượt khách/năm; năm 2019 là 7.543.383 lượt khách/năm; riêng năm 2020 do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, số lượng khách về du lịch tại Ninh Bình cũng đạt 2.625.354 lượt.
Những giải pháp phát triển du lịch gắn với bảo vệ môi trường
 |
Khu du lịch Tam Cốc-Bích Động. (Ảnh: Vũ Minh)
|
Những năm vừa qua Ninh Bình đã tận dụng được những lợi thế về tài nguyên du lịch, làm mới các sản phẩm đang có. Cùng với đó, Ninh Bình còn coi trọng công tác bảo tồn, bảo vệ môi trường và phát triển du lịch bền vững. Ngành Du lịch Ninh Bình đã xây dựng kế hoạch hành động thực hiện Nghị quyết số: 07/NQ-TU ngày 29 tháng 10 năm 2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Ninh Bình về “Phát triển du lịch tỉnh Ninh Bình giai đoạn 2021-2030 và định hướng đến năm 2045”, trong đó nhấn mạnh đến bảo vệ môi trường, phát triển du lịch bền vững. Theo đó, “Phát triển du lịch Ninh Bình cần quan tâm đến lợi ích của cộng đồng dân cư, đảm bảo cho cộng đồng được tham gia và hưởng lợi từ hoạt động cung cấp dịch vụ du lịch, từ đó nâng cao trách nhiệm của cộng đồng trong việc bảo vệ tài nguyên và môi trường du lịch”. Du lịch Ninh Bình cần tập trung vào một số giải pháp chính sau:
Ban hành quy chế quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới quần thể danh thắng Tràng An. Trên nguyên tắc: Phát huy giá trị di sản phải kết hợp với bảo vệ tài nguyên, môi trường cảnh quan, bảo vệ, giữ gìn các công trình kiến trúc, cảnh quan sinh thái liên quan.
Tập trung đầu tư xây dựng hoàn thiện cơ sở hạ tầng, nâng cấp các điểm du lịch như đường giao thông, xây dựng nhà vệ sinh công cộng tạo cảnh quan, thường xuyên kiểm tra đánh giá chất lượng môi trường, cảnh quan du lịch, kịp thời khắc phục sự cố, đảm bảo phục hồi nguyên trạng tốt nhất tại các điểm du lịch.
Tăng cường công tác an ninh trật tự tại các điểm du lịch, với sự hỗ trợ của các cơ quan chức năng, duy trì an ninh trật tự, nghiêm cấm các hiện tượng bán hàng rong, ăn xin, trộm cắp, môi giới... được hạn chế tối đa.
Ban quản lý các điểm du lịch thường xuyên kiểm tra, giám sát các hoạt động liên quan đến bảo vệ tài nguyên du lịch, bảo vệ rừng đặc dụng, ngăn chặn việc săn bắn các loài chim và động vật hoang dã.
Trong các chương trình du lịch của các công ty lữ hành trong và ngoài tỉnh, chủ yếu là khách tham quan, nghỉ dưỡng, hoạt động bảo vệ môi trường được lồng ghép qua lời giới thiệu, thuyết minh của hướng dẫn viên tại các điểm du lịch như: Giới thiệu giá trị của điểm đến, thông qua các quy định tại các điểm như: Không xả rác bừa bãi, bỏ rác vào đúng nơi quy định, sử dụng các dịch vụ du lịch thân thiện với môi trường...
Các cơ sở kinh doanh lưu trú, thường xuyên tổ chức các buổi tuyên truyền giáo dục môi trường, hưởng ứng giờ trái đất, xây dựng hệ thống xử lý chất thải đảm bảo vệ sinh môi trường, góp phần làm gia tăng giá trị tài nguyên du lịch và phát triển bền vững, thường xuyên báo cáo về công tác bảo vệ môi trường với các cơ quan có thẩm quyền.
Thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn nghiệp vụ du lịch gắn với việc tuyên truyền công tác bảo vệ môi trường, nhằm tạo sự chuyển biến và nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường, trách nhiệm xã hội của người dân, của doanh nghiệp trong việc giữ gìn, bảo vệ môi trường, phát triển du lịch bền vững.
Ngoài ra, ngành du lịch Ninh Bình đã tăng cường công tác truyền thông, nâng cao nhận thức cho cộng đồng địa phương về giá trị của môi trường tự nhiên và xã hội, để họ tích cực tham gia vào các hoạt động du lịch, bảo tồn và phát huy giá trị của tài nguyên và tuân thủ những quy định, đường lối của Đảng, nhà nước và của địa phương trong phát triển du lịch, không làm ảnh hưởng tới môi trường.
Để du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, đưa Ninh Bình trở thành một trong các trung tâm du lịch của cả nước và khu vực, trước hết phải đẩy mạnh phát triển các loại hình du lịch gắn với bảo vệ môi trường và phát triển du lịch bền vững, với mục tiêu mang lại lợi ích kinh tế, tạo công ăn việc làm cho xã hội và cộng đồng, trên cơ sở khai thác các nguồn tài nguyên, đồng thời có ý thức tôn tạo, bảo tồn và bảo tồn tính nguyên vẹn các nguồn tài nguyên thiên nhiên, đảm bảo môi trường trong sạch. Phải gắn với trách nhiệm và quyền lợi của cộng đồng trong việc khai thác, sử dụng, bảo vệ tài nguyên môi trường và hỗ trợ cho công tác bảo tồn các giá trị tự nhiên và văn hóa cho cuộc sống của cộng đồng. Ưu tiên cho phát triển du lịch chất lượng cao, bền vững, theo hướng “Tăng trưởng xanh”, chú trọng đổi mới sáng tạo, đẩy mạnh xã hội hóa, huy động và sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực để phát triển du lịch. Phát huy mạnh mẽ vai trò, động lực của doanh nghiệp, giải quyết tốt vấn đề lao động, việc làm, an sinh xã hội và đảm bảo lợi ích nhà nước, doanh nghiệp và người dân địa phương tại các khu vực phát triển du lịch, linh hoạt trong ứng phó với biến đổi khí hậu, với diễn biến phức tạp của thiên tai, góp phần phát triển kinh tế xã hội bền vững./.
Nguyễn Ngọc Quỳnh