Những bước tiến trong quản lý môi trường nông thôn tại Lạng Sơn
Đoàn viên, thanh niên quét dọn khu dân cư tại Chi Lăng, Lạng Sơn

Đoàn viên, thanh niên quét dọn khu dân cư tại Chi Lăng, Lạng Sơn

Các giải pháp quản lý môi trường nông thôn

Hiện nay, tỉnh Lạng Sơn phát triển nông, lâm nghiệp và xây dựng nông thôn mới có bước tiến đáng kể, cụ thể là: Chương trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới được tập trung chỉ đạo thực hiện, hướng vào phát triển các vùng sản xuất tập trung gắn với cây, con chủ lực, thế mạnh các ngành, nghề truyền thống, đặc sản của địa phương; từng bước hình thành, nhân rộng các mô hình liên kết kinh tế, hợp tác xã nông nghiệp; phát triển các vùng sản xuất an toàn theo các tiêu chuẩn tiên tiến (VietGap, GlobalGap), đẩy mạnh quảng bá giới thiệu, xây dựng nhãn mác, thương hiệu để nâng cao giá trị sản phẩm. Lĩnh vực trồng trọt có chuyển biến mạnh về cơ cấu cây trồng, mùa vụ, áp dụng tiến bộ kỹ thuật về giống, công nghệ cao vào sản xuất; sản lượng lương thực hằng năm đạt trên 310 nghìn tấn; hình thành khá rõ nét một số vùng sản xuất hàng hoá tập trung sản phẩm chủ lực của tỉnh. Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) triển khai có hiệu quả; các sản phẩm đặc sản đã dần khẳng định được chất lượng và thương hiệu trong nước và quốc tế.

Hê ̣thống mạng lưới dịch vụ nông nghiệp được phát triển rộng khắp trên địa bàn nông thôn, cung ứng đầy đủ, kịp thời vật tư phục vụ sản xuất trên địa bàn. Thực hiện tốt công tác quản lý chất lượng, an toàn thực phẩm. Lĩnh vực chăn nuôi có những chuyển dịch khá rõ nét về cơ cấu giống, cơ cấu đàn, hình thức chăn nuôi đã từng bước chuyển từ chăn nuôi nhỏ lẻ quy mô hộ sang chăn nuôi tập trung, trang trại, gắn với chế biến và thị trường tiêu thụ sản phẩm, đã có một số doanh nghiệp, hợp tác xã ứng dụng công nghệ tiên tiến vào chăn nuôi với quy mô khá, mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Bên cạnh đó, thủy sản cũng có bước phát triển, diện tích nuôi trồng ổn định khoảng 1.260 ha. Phong trào trồng rừng, phát triển kinh tế đồi rừng đã và đang được người dân và doanh nghiệp hưởng ứng, quan tâm mạnh mẽ; Chất lượng rừng ngày một nâng cao, đã hình thành khá rõ nét các vùng sản xuất tập trung chuyên canh một số loài cây chủ lực, cây gỗ lớn như: thông, keo, bạch đàn, hồi,... đang hình thành vùng cây nguyên liệu quế. Chương trình xây dựng nông thôn mới được tập trung chỉ đạo quyết liệt, toàn diện trên địa bàn tỉnh, trong đó tập trung thực hiện tại các xã phấn đấu đạt chuẩn trong từng năm.

Kết quả quan trắc môi trường nông thôn

Đoàn viên, thanh niên vệ sinh lũy ải tại Chi Lăng, Lạng Sơn

Đoàn viên, thanh niên vệ sinh môi trường lũy ải tại Chi Lăng, Lạng Sơn

Về chất lượng môi trường không khí: Đa phần chất lượng môi trường không khí toàn tỉnh đạt mức trung bình đến tốt cho cả các tháng mùa mưa cũng như các tháng mùa khô. So với kết quả quan trắc môi trường giữa các năm thì chất lượng môi trường không khí cuối kỳ có xu hướng tốt lên.

Về chất lượng môi trường nước mặt: Nhìn chung ở hầu hết các khu vực chất lượng môi trường nước mặt đạt mức tốt. Chất lượng nước mặt đoạn sông Thương luôn đạt chất lượng tốt vào các mùa. Chất lượng nước mặt sông Kỳ Cùng đạt chất lượng khá, nhưng đã xuất hiện ô nhiễm cục bộ mang tính thời điểm. Chất lượng môi trường nước mặt ở các hồ thủy lợi thuộc các huyện có chất lượng khá tốt. Các vị trí quan trắc nằm trong khu vực đông dân cư có nguy cơ bị ô nhiễm hữu cơ cao và chất lượng nước có sự biến đổi theo xu hướng giảm mức độ ô nhiễm.

Về chất lượng nước ngầm: Các chỉ tiêu trong nước ngầm quan trắc tại các điểm trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn đều nằm trong giới hạn quy chuẩn cho phép. So sánh giữa các năm, thông số ô nhiễm không biến động nhiều, biến đổi theo xu hướng giảm mức ô nhiễm.

Chất lượng môi trường đất của tỉnh Lạng Sơn tương đối tốt, các chỉ tiêu quan trắc về kim loại nặng trong đất đều nằm trong giới hạn cho phép của QCVN03-MT:2015/BTNMT.

Chất thải rắn đang được triển khai từng bước phân loại, vận chuyển và xử lý. Công tác thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt trên địa bàn thành phố, các thị trấn và một số trung tâm cụm xã được vận chuyển và xử lý tại các bãi rác tập trung và một số lò đốt, tỷ lệ chất thải rắn đô thị được thu gom xử lý đạt 96,48%. Còn lại tại các khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa rác thải sinh hoạt được tổ, đội, hộ gia đình tự thu gom và xử lý tại các hộ gia đình hoặc tập hợp tại một số cụm để đốt bằng bể đốt rác tự xây dựng (do các khu vực vùng sâu, vùng xa điều kiện giao thông đi lại còn khó khăn, lượng rác phát sinh chưa nhiều, chưa có đơn vị thu gom rác thải). Chất thải rắn công nghiệp phát sinh không lớn, chủ yếu được tận dụng làm sản phẩm phụ.

Đa dạng sinh học tỉnh Lạng Sơn trong 05 năm gần đây vẫn duy trì tốt đa dạng sinh học nông nghiệp. Tỷ lệ che phủ rừng tăng dần qua các năm. Công tác bảo tồn và phát triển bền vững các loài sinh vật được chú trọng quan tâm, đặc biệt đối với các loài động, thực vật có giá trị tại khu rừng đặc dụng Hữu Liên. Đã xác lập 03 Khu bảo tồn gồm: Khu dữ trữ thiên nhiên Hữu Liên; Khu bảo tồn loài - sinh cảnh Mẫu Sơn, Khu bảo tồn loài - sinh cảnh Bắc Sơn.

Biến đổi khí hậu đã có những tác động tiêu cực đến môi trường Lạng Sơn. Số liệu thống kê khí tượng thủy văn tỉnh Lạng Sơn cho thấy, lượng mưa trung bình nhiều năm không có biến động nhưng số ngày có mưa lại giảm đi rõ rệt và cường độ mưa tăng. Do lượng mưa tập trung chủ yếu vào những tháng mưa và trong thời gian ngắn là nguyên nhân gây ra các hiện lượng lũ, lụt, trượt lở đất đá, sạt đường giao thông… với tần xuất ngày càng dầy và nghiêm trọng hơn.

Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát tiêu chí môi trường

Cán bộ Hội LHPN tỉnh tuyên truyền về mô hình khu dân cư xanh, sạch, đẹp tại Chi Lăng, Lạng Sơn

Cán bộ Hội LHPN tỉnh tuyên truyền về mô hình khu dân cư xanh, sạch, đẹp tại Chi Lăng, Lạng Sơn

Hàng năm, UBND tỉnh đều giao cho cơ quan chuyên môn tuyên truyền hướng dẫn, kiểm tra giám sát việc thực hiện tiêu chí số 17 về môi trường và an toàn thực phẩm trên địa bàn, thành lập tổ tự quản về bảo vệ môi trường tại các địa phương, trong đó có sự phân công từng thành viên là đại diện Ủy ban Mặt trận tổ quốc xã, Hội cựu Chiến binh, Hội Nông dân xã, Hội Phụ nữ xã, Đoàn Thanh niên xã và cán bộ công chức xã, Bí thư Chi bộ, trưởng thôn, người có uy tín là thành viên của tổ tự quản, mỗi tổ phụ trách từng thôn. Việc thành lập tổ tự quản về bảo vệ môi trường nhằm hỗ trợ xã thực hiện công tác kiểm tra, giám sát việc duy trì thực hiện tiêu chí môi trường nói riêng và công tác bảo vệ môi trường trên địa bàn xã nói chung. Đồng thời, qua tập huấn, tuyên truyền cán bộ, đảng viên và Nhân dân trên địa bàn các xã nhìn chung đã có nhận thức đáng kể về công tác giữ gìn vệ sinh môi trường, một số nơi đã đưa quy định bảo vệ môi trường lồng ghép vào hương ước, quy ước của thôn, bản.

Đồng chí Nguyễn Hữu Trực, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Lạng Sơn cho biết: Nhìn chung, nhận thức về bảo vệ môi trường trong cộng đồng dân cư và toàn xã hội có nhiều chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, công tác thu hút nguồn vốn đầu tư từ các thành phần kinh tế tham gia đầu tư, xây dựng các dự án, công trình xử lý chất thải bảo vệ môi trường còn hạn chế đặc biệt là xử lý, tái chế chất thải rắn và xử lý chất thải y tế. Nguồn ngân sách phục vụ cho công tác bảo vệ môi trường còn hạn chế dẫn đến gặp rất nhiều khó khăn trong quá trình triển khai thực hiện. Do đó, Lạng Sơn cần được hỗ trợ nguồn kinh phí hằng năm nhằm tiến hành thu gom và xử lý bao bì thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng. Đồng thời, nhân rộng mô hình sản xuất nông nghiệp an toàn (VietGAP, GloBal GAP); sản xuất nông nghiệp theo hướng hữu cơ; chương trình quản lý dịch hại tổng hợp (IPM) trên các loại cây trồng để giảm thiểu khối lượng bao gói thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng./.

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất