Nhiều rào cản cho phát triển tài chính xanh
Dư nợ xanh tập trung chủ yếu vào lĩnh vực năng lượng sạch, năng lượng tái tạo. (Ảnh: BNEWS/TTXVN phát)

Dư nợ xanh tập trung chủ yếu vào lĩnh vực năng lượng sạch, năng lượng tái tạo. (Ảnh: BNEWS/TTXVN phát)

Tài chính xanh đang là một xu hướng lớn trên toàn thế giới với sự tham gia của các tổ chức tài chính quốc tế, Chính phủ của các nước cũng như hệ thống tài chính của từng quốc gia, khu vực. Việt Nam không nằm ngoài xu hướng đó, thị trường tài chính xanh đang ngày càng phát triển nhanh trong thời gian gần đây.

Tài chính xanh được hiểu là những khoản tín dụng mà ngân hàng cung cấp cho các dự án không gây rủi ro hoặc gắn với bảo vệ môi trường như dự án bền vững với môi trường, xã hội và quản trị doanh nghiệp như năng lượng tái tạo, vận tải...

Theo ông Tô Huy Vũ, Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế (Ngân hàng Nhà nước), Việt Nam đã chủ động, tích cực tham gia các cam kết quốc tế về chuyển đổi xanh, giảm phát thải khí nhà kính hướng tới mục tiêu phát triển bền vững, cam kết đưa phát thải ròng về “0” đến năm 2050 tại Hội nghị COP26 và Tuyên bố chính trị về thiết lập Quan hệ đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng.

Ông Tô Huy Vũ cho biết, trong bối cảnh yêu cầu về chống biến đổi khí hậu đã trở nên cấp thiết, với những cam kết và tuyên bố chính trị với cộng đồng quốc tế, Chính phủ đang nhanh chóng triển khai một loạt các hành động để hướng tới một nền kinh tế carbon thấp, chuyển đổi năng lượng.

Chính phủ đã giao Ngân hàng Nhà nước thực hiện huy động nguồn lực cho tăng trưởng xanh, rà soát, hoàn thiện khuôn khổ pháp lý về tín dụng xanh, cơ chế chính sách, chế tài nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho tăng trưởng tín dụng xanh, nghiên cứu, xây dựng mô hình phát triển ngân hàng xanh,

Giới chuyên gia đánh giá, thị trường tài chính xanh tại Việt Nam đã có nhiều chuyển biến tích cực, các cơ chế, chính sách cho thị trường tài chính xanh tại Việt Nam đang được dần hoàn thiện với từng loại công cụ như trái phiếu xanh, cổ phiếu xanh, cũng như tín dụng xanh. Môi trường pháp lý hiện nay đang tương đối mở với các sản phẩm tài chính xanh tại Việt Nam và tạo điều kiện cho doanh nghiệp huy động nguồn vốn xanh trong nước và quốc tế.

Một số doanh nghiệp Việt Nam đã bước đầu thu hút được nguồn vốn trái phiếu xanh trên thị trường quốc tế, hứa hẹn sẽ mang lại nguồn thu mới, bền vững cho nông và lâm nghiệp Việt Nam trong tương lai, hay như việc các tổ chức tín dụng Việt Nam đã chủ động để tiếp cận các nguồn vốn quốc tế cho tín dụng xanh, ban hành các quy định nội bộ về khung tín dụng xanh…

Ông Nguyễn Quang Thuân, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Fiin Group cho rằng trái phiếu xanh đang là xu hướng lớn của thị trường vốn trên thế giới. Tại Việt Nam, Chính phủ đã cam kết phát thải ròng bằng 0 đến năm 2050 và Việt Nam cần tận dụng cơ hội này để huy động vốn cho phát triển kinh tế và sự hỗ trợ của các tổ chức quốc tế.

“Trong thời gian gần đây, chất lượng trái phiếu xanh đã đa dạng hơn, không chỉ có trái phiếu xếp hạng rất cao (AAA và AA) mà cả các trái phiếu A và BBB. Có những ngành gây ô nhiễm môi trường như sản xuất thép, nhưng doanh nghiệp có kế hoạch chuyển đổi sang sản xuất xanh thì vẫn có thể nhận được sự hỗ trợ”, ông Thuân cho biết.

Dữ liệu do Tổ chức Sáng kiến Trái phiếu khí hậu (CBI) và Ngân hàng HSBC công bố hồi giữa năm 2022 cho thấy, thị trường vốn nợ bền vững tại 6 nền kinh tế lớn nhất khối ASEAN, bao gồm Singapore, Thái Lan, Indonesia, Malaysia, Philippines và Việt Nam tiếp tục tăng trưởng nhanh chóng trong năm 2021. Phần lớn trái phiếu và khoản vay xanh ở Việt Nam trong năm 2021 đến từ ngành vận tải và năng lượng. Việt Nam là nguồn phát hành nợ xanh lớn thứ hai trong ASEAN, đạt 1 tỷ USD, chỉ sau Singapore.

Theo bà Stephanie Betant, Giám đốc toàn quốc Khối Dịch vụ Ngân hàng doanh nghiệp, HSBC Việt Nam, việc phát hành trái phiếu xanh, xã hội, bền vững và liên kết bền vững (GSSS) tại thị trường Việt Nam có thể là một điểm cộng cho Việt Nam và thu hút các nhà đầu tư quốc tế vốn có sự quan tâm đến phát triển bền vững. Không chỉ nâng cao về mặt danh tiếng, việc phát hành trái phiếu xanh còn mang lại nhiều lợi ích hiện hữu cho doanh nghiệp, nhất là vấn đề tối ưu hóa về chi phí vốn. Theo đó, các khoản huy động trái phiếu xanh thường có mức lãi suất thấp hơn thông thường, với kỳ hạn dài. Điều này sẽ giúp doanh nghiệp có nguồn lực để đầu tư vào các dự án dài hạn, giảm áp lực đáo hạn trái phiếu ngắn hạn.

Đối với nguồn vốn tín dụng xanh, theo Ngân hàng Nhà nước, các ngân hàng đang phải đối mặt với những rủi ro khi biến đổi khí hậu ngày càng diễn biến phức tạp, khó lường và tác động đến nền kinh tế. Trong tình hình này, các ngân hàng đang tích cực để "xanh hóa" dòng vốn đầu tư, phát triển các nguồn lực tài chính vào các lĩnh vực xanh, hạn chế tối đa nguồn vốn vào những dự án gây ảnh hưởng tới môi trường, thúc đẩy khách hàng vay vốn với mục đích sử dụng dự án thân thiện môi trường.

Ngân hàng Nhà nước cho biết, hiện có 39/129 tổ chức tín dụng phát sinh dư nợ xanh, đạt hơn 500.524 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 4,2% dư nợ tín dụng của nền kinh tế. Dư nợ tập trung chủ yếu vào lĩnh vực năng lượng sạch, năng lượng tái tạo (chiếm tỷ trọng 46,7%) và nông nghiệp xanh (chiếm tỷ trọng hơn 31%). Giai đoạn 2017-2022, dư nợ cấp tín dụng xanh bình quân đạt gần 23%/năm, cao hơn tốc độ tăng trưởng tín dụng chung của nền kinh tế.

Mặc dù sự phát triển của thị trường tín dụng xanh tại Việt Nam trong những năm gần đây đã có những bước khởi động tích cực nhưng theo các chuyên gia kinh tế, quá trình phát triển này vẫn còn một số rào cản. Theo đó, các quy định, định nghĩa cụ thể về các danh mục, ngành lĩnh vực xanh vẫn chưa được thống nhất để có thể áp dụng chung trên cả nước đã gây khó khăn cho các ngân hàng thương mại trong việc lựa chọn, thẩm định, đánh giá và giám sát khi thực hiện cấp tín dụng xanh.

Ngoài ra, các chính sách hỗ trợ phát triển tín dụng xanh giai đoạn vừa qua cũng chưa giải quyết được vấn đề nguồn vốn cho các ngân hàng thương mại thực hiện tín dụng xanh. Việc đầu tư vào các ngành/lĩnh vực xanh chủ yếu là nguồn vốn trung và dài hạn, thời gian hoàn vốn lâu, trong khi nguồn vốn huy động của các tổ chức tín dụng phần lớn là vốn ngắn hạn.

Đặc biệt, nhận thức và năng lực của các tổ chức tín dụng trong phát triển các sản phẩm tín dụng xanh mới ở bước đầu và còn hạn chế, đội ngũ nhân viên chưa được đào tạo chuyên sâu, bài bản trong thẩm định, đánh giá và quản lí rủi ro môi trường cũng như báo cáo thông tin trong hoạt động cấp tín dụng, phát hành trái phiếu theo thông lệ quốc tế.

Theo Ngân hàng Nhà nước, thời gian tới sẽ hoàn thiện thể chế về ngân hàng và tín dụng phù hợp với các mục tiêu tăng trưởng xanh; hoàn thiện chính sách hỗ trợ chuyển đổi số như hạ tầng số, các sản phẩm, dịch vụ ngân hàng số, góp phần thúc đẩy tài chính toàn diện và phát triển bền vững; đào tạo để nâng cao năng lực của đội ngũ cán bộ hoạch định chính sách của Ngân hàng Trung ương về ngân hàng xanh, tín dụng xanh và cán bộ thực hiện nghiệp vụ tín dụng xanh của ngân hàng thương mại.

Bên cạnh đó, Ngân hàng Nhà nước cũng đẩy mạnh hợp tác quốc tế như tham gia các diễn đàn về tài chính xanh, ngân hàng xanh để học hỏi, chia sẻ kinh nghiệm nâng cao năng lực xây dựng, hoạch định và triển khai chính sách tín dụng xanh, tài chính xanh; tích cực đàm phán tìm kiếm các nguồn tài trợ từ các tổ chức trong và ngoài nước để triển khai các hoạt động tín dụng xanh.

Nhóm nghiên cứu của Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) và Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) cho rằng để phát triển tài chính xanh tại Việt Nam cần đẩy nhanh hoàn thiện cơ chế, chính sách, kể cả cơ chế thử nghiệm (sandbox) cho các mô hình kinh doanh mới, thúc đẩy phát triển thị trường trái phiếu xanh, cổ phiếu xanh và tín dụng xanh.

Cùng với đó, xây dựng tiêu chí, tiêu chuẩn chứng khoán xanh, tín dụng xanh để các chủ thể nhất quán áp dụng, phát triển hạ tầng công nghệ, dữ liệu, thị trường thứ cấp và kể cả phái sinh cho những sản phẩm xanh này về lâu dài.../.

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất