(TTĐN) - Để nông sản phát triển bền vững, không còn cách nào khác các DN cần "liên kết mạnh - xuất khẩu xanh” để hòa nhập với cuộc chơi quốc tế.
|
DN tập trung liên kết để tạo ra sản phẩm có chất lượng đồng đều.
|
Để có thể kết nối thông tin và xúc tiến thương mại với các thị trường xuất khẩu, giúp đưa nông sản Việt Nam vươn xa, hiện nay các DN trong nước cùng xác định những thách thức và tìm ra những giải pháp phù hợp. Trong đó, “liên kết mạnh - xuất khẩu xanh” vẫn được các DN coi là giải pháp bền vững.
Buộc phải thực hiện "tiêu chí mềm"
Trên thế giới, tăng trưởng xanh dần trở thành xu hướng chủ đạo. Nông nghiệp Việt Nam có nhiều tiềm năng để phát triển nông nghiệp xanh, thân thiện với môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu, giảm ô nhiễm môi trường, hướng tới nông nghiệp 4.0 (Farm- FinTech).
Theo TS. Hạ Thúy Hạnh, Phó Chủ tịch Hiệp hội Trang trại và doanh nghiệp nông nghiệp Việt Nam, dù đang ở trong thời điểm rất khó khăn, nhưng DN Việt Nam phải kiên trì với kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn. Thực tế, Chính phủ có triển khai một số chính sách hỗ trợ nhằm thu hút và đẩy mạnh mô hình này, song số DN thực hiện kinh tế tuần hoàn chưa nhiều. Bên cạnh đó, DN nông nghiệp cần tập trung liên kết để tạo ra chất lượng đồng đều cho vùng sản xuất, giảm chi phí logistics.
“Các DN cần nâng cao giá trị, chất lượng sản phẩm và tập trung đầu tư phát triển chế biến phụ phẩm tăng giá trị về kinh tế- xã hội và bảo vệ môi trường. Đây là vấn đề quan trọng bởi sản phẩm không chỉ đáp ứng những tiêu chuẩn về mặt kỹ thuật mà còn đảm bảo “tiêu chuẩn mềm”. Đơn cử như tiêu chuẩn về tỷ lệ lao động, tiêu chuẩn về giới hay tiêu chuẩn về tín chỉ carbon... Những tiêu chuẩn này trước đây chưa từng được các DN quan tâm trong quá trình xuất khẩu nông sản, nhưng bây giờ các DN phải dần tiếp cận và thực hiện theo những tiêu chí mềm này, vì đây là những tiêu chí quốc tế đang bắt buộc”, bà Hạnh nói.
Cùng "nhún nhường" để vươn xa
Trong bối cảnh nhiều ngành kinh tế còn khó khăn, nhưng chỉ số và cơ hội tăng trưởng của ngành nông nghiệp đang rất tốt, nông sản trở thành điểm sáng của xuất khẩu TP.HCM và các tỉnh phía Nam. Nhưng nông sản Việt cũng đang và sẽ đối mặt với nhiều thách thức như thiếu mã số vùng trồng, thiếu chứng nhận đạt chuẩn…
Đặc biệt, các DN cũng phải rất nỗ lực rất lớn mới có thể duy trì được sức sản xuất và đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm, nhất là xuất khẩu những mặt hàng nông sản Việt Nam có thế mạnh, khẳng định được thương hiệu “Nông sản Việt” trên thị trường nông sản thế giới.
|
Việc liên kết giữa các đối tác đòi hỏi tính cam kết cao, làm rõ vai trò, vị thế từng nhà sản xuất, địa phương và đảm bảo quyền lợi chung.
|
Ông Nguyễn Đình Tùng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Rau quả Việt Nam cho rằng, để nông sản Việt vươn xa, các địa phương và DN phải liên kết chặt chẽ, đó là sự kết nối của vùng nguyên liệu với DN sản xuất và cơ chế chính sách. Việc liên kết đòi hỏi tính cam kết cao để tỏ rõ vai trò và vị thế của từng nhà sản xuất, địa phương cũng như những quyền lợi chung cần phải được tính toán rõ ràng.
“Sự liên kết này chỉ đạt được hiệu quả khi có ai đó là người chịu nhún nhường một chút, đặt chữ tín lên hàng đầu…Có nghĩa là DN đặt quyền lợi của mình thấp hơn đối tác muốn liên kết một chút sẽ thành công. Ví dụ như trong tình huống sản phẩm có giá thị trường thấp, DN vẫn phải bảo đảm được giá ổn định cho đối tác liên kết là các nhà cung cấp, hay những người nông dân tại vùng nguyên liệu,…, để luôn có được sản phẩm theo đúng yêu cầu của DN”, ông Tùng gợi mở.
Dù nông sản xuất khẩu của Việt Nam đang có nhiều tín hiệu tích cực, song thực tế một số sản phẩm vẫn đối diện với những hàng rào hữu hình lẫn vô hình trong cuộc chơi thương mại toàn cầu. Để nông sản phát triển bền vững, không còn cách nào khác các DN cần "liên kết mạnh - xuất khẩu xanh” để hòa nhập với cuộc chơi quốc tế./.
Nguyễn Quang
Nguồn: vov.vn