Kinh nghiệm trong quản lý thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt của Lạng Sơn
Quang cảnh Lễ phát động tháng hành đông vì môi trường

Quang cảnh Lễ phát động tháng hành động hưởng ứng ngày môi trường thế giới 5/6, tháng hành động vì môi trường năm 2022 tại  Hữu Lũng, Lạng Sơn ngày 4/6/2022

Ban hành văn bản hướng dẫn, chỉ đạo về quản lý chất thải rắn sinh hoạt

Để triển khai thực hiện hiệu quả công tác quản lý chất thải rắn sinh hoạt, UBND tỉnh đã ban hành các văn bản như:  Quyết định số 70/QĐ-UBND ngày 18/01/2012 phê duyệt Quy hoạch quản lý chất thải rắn tỉnh đến năm 2015, định hướng đến năm 2020; Trong các năm 2020, 2021 Tỉnh ủy đã lãnh đạo, chỉ đạo các cấp ủy đảng, chính quyền quyết liệt triển khai lập quy hoạch tỉnh theo quy định của Luật Quy hoạch. Trong năm 2022 sẽ hoàn thiện Quy hoạch trình Hội đồng nhân dân tỉnh xem xét, thông qua trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, theo đó nội dung quy hoạch chất thải rắn được tích hợp trong quy hoạch tỉnh.

Quyết định số 1983/QĐ-UBND ngày 04/10/2021 của Ủy ban nhân dân tỉnh Lạng Sơn công bố bộ Đơn giá dịch vụ công ích đô thị; quy định định mức tỷ lệ chi phí quản lý chung trong dự toán chi phí dịch vụ công ích đô thị và một số hệ số để xác định chi phí tiền lương trong giá dịch vụ công ích đô thị trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn.

Quyết định số 2487/QĐ-UBND ngày 22/12/2021 của Ủy ban nhân dân tỉnh Lạng Sơn ban hành định mức dự toán một số công tác dịch vụ công ích đô thị duy trì dịch vụ sự nghiệp công trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn.

Kế hoạch số 72/KH-UBND ngày 25/4/2020 của Ủy ban nhân dân tỉnh Lạng Sơn về  Quản lý chất thải rắn để phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn.

Kế hoạch số 75/KH-UBND ngày 31/3/2021 của Ủy ban nhân dân tỉnh Lạng Sơn về Quản lý chất thải rắn trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2050.

Quyết định số 1274/QĐ-UBND ngày 04/8/2022 của Ủy ban nhân dân tỉnh Lạng Sơn về việc phê duyệt Đề cương, dự toán kinh phí thực hiện Đề án tuyên truyền, triển khai thí điểm mô hình thu gom, phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn trên địa bàn thành phố Lạng Sơn.

Công văn số 722/UBND-KT ngày 27/6/2022 của UBND tỉnh Lạng Sơn Về việc tăng cường công tác quản lý, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả nguồn kinh phí nhà nước để xử lý chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn.

Công tác quản lý thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt

Đồng chí Nguyễn Hữu Trực, Phó Giám đốc

Đồng chí Nguyễn Hữu Trực, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Lạng Sơn phát biểu tại Lễ phát động hưởng ứng phong trào "phòng, chống rác thải nhưạ" tại Cao Lộc, Lạng Sơn ngày 10/9/2022

Chia sẻ kinh nghiệm về công tác quản lý chất thải rắn sinh hoạt của tỉnh, đồng chí Nguyễn Hữu Trực, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Lạng Sơn cho biết:

Tỉnh Lạng Sơn đã thực hiện quy hoạch đầu tư xây dựng các khu xử lý chất thải rắn cho các huyện, thành phố theo cụm và các huyện đơn lẻ, trong đó: Cụm 01 (Các huyện: Cao Lộc, Văn Lãng, thành phố Lạng Sơn); Cụm 02 (các huyện: Bình Gia, Bắc Sơn); Cụm 03 (các huyện: Chi Lăng, Hữu Lũng); Các huyện: Tràng Định, Đình Lập, Lộc Bình, Văn Quan: Mỗi huyện 01 khu xử lý. Ngoài ra, trên địa bàn tỉnh có 03 lò đốt được đầu tư xây dựng tại các huyện Chi Lăng, Đình Lập và Văn Quan.

Chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn tỉnh được xử lý chủ yếu bằng công nghệ đốt và chôn lấp hợp vệ sinh. Hiện nay trên địa bàn tỉnh có 13 đơn vị tham gia thực hiện dịch vụ thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải sinh hoạt. Tỉnh đã ban hành đơn giá dịch vụ, thu gom, vận chuyển rác thải sinh hoạt và xử lý chất thải rắn đô thị để làm căn cứ thực hiện đấu thầu lựa chọn các đơn vị có đủ khả năng, điều kiện, phương tiện thực hiện công tác thu gom, vận chuyển và xử lý rác thải sinh hoạt, góp phần nâng cao chất lượng môi trường sống của người dân.

Công tác thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt chủ yếu thực hiện trên địa bàn thành phố, các thị trấn và một số trung tâm cụm xã lân cận. Chất thải được các đơn vị dịch vụ công ích thực hiện phân loại phù hợp với mục đích quản lý, xử lý và được lưu giữ trong các thiết bị lưu chứa phù hợp, công tác quản lý, giám sát các tổ chức, cá nhân cơ bản chấp hành đúng việc phân loại, lưu giữ và xử lý chất thải sinh hoạt theo quy định. Chất thải được thu gom theo tuyến, giờ vận chuyển tới điểm tập kết, trạm trung chuyển và cơ sở xử lý chất thải rắn của đơn vị theo quy định; trên các đường phố chính, các khu thương mại, các điểm tập trung dân cư có bố trí các thiết bị lưu chứa phù hợp (thùng đựng rác); các thiết bị lưu chứa có kích cỡ phù hợp, bảo đảm tính mỹ quan, trong quá trình vận chuyển bảo đảm không làm rơi vãi, gây phát tán bụi, mùi, nước rò rỉ ra môi trường xung quanh.

Theo Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Lạng Sơn, khối lượng chất thải rắn sinh hoạt năm 2021 được thu gom, vận chuyển và xử lý 109.852 tấn, 06 tháng đầu năm 2022 ước khoảng 56.865 tấn; tổng kinh phí thực hiện cho công tác thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn tỉnh năm 2021 trên 96 tỷ đồng; ước tổng kinh phí thực hiện 6 tháng đầu năm 2022 trên 51 tỷ đồng.

Đoàn viên, thanh niên tham gia quét dọn, vệ sinh nghĩa trang tại Lạng Sơn

Đoàn viên, thanh niên tham gia quét dọn, vệ sinh nghĩa trang tại Lạng Sơn

Bên cạnh đó, Tỉnh Lạng Sơn có chủ trương thực hiện xã hội hóa công tác vệ sinh môi trường, thu gom rác thải; tăng cường công tác tuyên truyền, vận động các tổ chức, cá nhân quan tâm đến công tác vệ sinh môi trường; Ủy ban mặt trận tổ quốc tỉnh, các tổ chức chính trị - xã hội tỉnh,... đã tích cực tổ chức thực hiện duy trì nhiều hoạt động, hình thành nhiều phong trào, xây dựng mô hình xã hội hóa bảo vệ môi trường, như mô hình điểm “tự quản bảo vệ môi trường ở khu dân cư”; mô hình “tự quản bảo vệ môi trường gắn với xây dựng nông thôn mới”; mô hình Bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu”; mô hình “tổ thu gom và xử lý rác thải”; mô hình Xanh - Sạch - Đẹp, đảm bảo an toàn vệ sinh lao động”... Các mô hình được triển khai thực hiện đã góp phần làm cho môi trường sống ngày một tốt hơn, nâng cao được ý thức, trách nhiệm của mỗi người dân; thu hút các thành phần kinh tế tham gia đầu tư hạ tầng, máy móc, thiết bị để thực hiện dịch vụ thu gom, vận chuyển, tái chế, xử lý chất thải.

Tổ chức bộ máy quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh đã được quan tâm, xây dựng hoàn thiện theo quy định, ở cấp tỉnh do Chi cục Bảo vệ môi trường trực thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường biên chế được giao 12 người; cấp huyện công tác bảo vệ môi trường do Phòng Tài nguyên và Môi trường thực hiện tham mưu cho UBND huyện, được giao 01 biên chế, ở cấp xã có từ 01 đến 02 công chức Địa chính - Nông nghiệp - Xây dựng và Môi trường được giao thực hiện nhiệm vụ này. Tuy nhiên, với lực lượng như hiện nay để thực hiện công tác bảo vệ môi trường nói chung và công tác quản lý chất thải nói riêng chưa thể đáp ứng yêu cầu cả về số lượng và chất lượng vì cán bộ ở cấp huyện, cấp xã kiêm nhiệm rất nhiều nhiệm vụ như: công tác quản lý tài nguyên nước, khoáng sản, đa dạng sinh học,...

Để thực hiện tốt hơn nữa công tác quản lý chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn tỉnh, trong thời gian tới, Ủy ban nhân dân tỉnh Lạng Sơn sẽ tiếp tục quan tâm, tạo điều kiện tăng cường nguồn lực cho các các cấp, các ngành trong thực hiện công tác bảo vệ môi trường nói chung và công tác quản lý chất thải sinh hoạt nói riêng trên địa bàn tỉnh./.

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất