Giữ màu xanh cho Vườn quốc gia Núi Chúa
Vườn quốc gia Núi Chúa có hệ rừng khô hạn độc đáo, hiếm có, hội tụ đầy đủ 3 không gian: rừng, biển, bán sa mạc. (Ảnh: Bích Nguyên)

Vườn quốc gia Núi Chúa có hệ rừng khô hạn độc đáo, hiếm có, hội tụ đầy đủ 3 không gian: rừng, biển, bán sa mạc. (Ảnh: Bích Nguyên)

Tổng diện tích Vườn quốc gia Núi Chúa khoảng hơn 30.000 ha, trong đó, diện tích quy hoạch rừng đặc dụng hơn 22.000 ha, diện tích trên biển khoảng hơn 7.300ha. Điểm độc đáo của Vườn quốc gia Núi Chúa nằm ở chỗ nơi đây hội tụ đầy đủ 3 không gian: rừng, biển, bán sa mạc, có nhiều loài động, thực vật đặc trưng, riêng có. Về tài nguyên rừng, có thể xem Vườn quốc gia Núi Chúa là mẫu chuẩn duy nhất về hệ sinh thái rừng khô hạn đặc trưng và độc đáo của Việt Nam và Đông Nam Á, có cả dạng rừng khô hạn nhiệt đới và dạng rừng thường xanh cây lá kim đặc trưng của vùng khí hậu á nhiệt đới ẩm còn mang tính nguyên sinh. Vườn có đa dạng sinh học phong phú với hơn 1.500 loài thực vật, nhiều loài đặc hữu quý hiếm như lan Vĩnh Hy, vải Phan Rang.

Ngoài diện tích rừng, Vườn quốc gia Núi Chúa còn quản lý diện tích lớn mặt biển, ở đó có rạn san hô dày, cấm nghiêm ngặt các hành vi khai thác của con người. Anh Phạm Văn Xiêm, Trưởng phòng Hành chính tổng hợp, Ban Quản lý Vườn quốc gia Núi Chúa cho biết, đa dạng sinh học biển ở Vườn quốc gia Núi Chúa rất độc đáo với 3 hệ sinh thái đặc trưng (hệ sinh thái rạn san hô, hệ sinh thái thảm cỏ biển, hệ sinh thái vùng triều ngập nước) và là nơi duy nhất trên đất liền có 3 loài rùa biển thường xuyên lên sinh sản (rùa xanh, đồi mồi và đồi mồi dứa). Theo thống kê của Ban Quản lý Vườn quốc gia Núi Chúa, hằng năm, bình quân rùa lên bờ đẻ khoảng 1.500 – 2.000 trứng, tỉ lệ trứng nở là 80%.

Xung quanh Vườn quốc gia Núi Chúa có 35 thôn vùng đệm, trong đó, có 9 thôn dân tộc bản địa định cư trong vùng đệm với hơn 2.400 hộ dân/hơn12.300 người. Trong vùng lõi Vườn quốc gia Núi Chúa là 2 thôn Cầu Gãy và Đá Hang của đồng bào dân tộc Raglai - một dân tộc có nền văn hóa đặc sắc gắn với điều kiện môi sinh của cư dân nông nghiệp nương rẫy vùng Nam Trung Bộ. Khác với các vườn quốc gia khác, bốn phía xung quanh Vườn quốc gia Núi Chúa đều có đường sá đi lại thuận lợi. Đặc điểm trên vừa tạo thuận lợi, vừa mang lại những khó khăn nhất định cho công tác quản lý, bảo vệ rừng, bởi đối tượng có thể theo các hướng vào vườn khai thác trộm lâm sản. “Trong nền khí hậu khô nóng, trong vườn có nhiều cây cảnh nhỏ, dáng bon sai rất đẹp. Những loại cây này rất dễ cất giấu, vì vậy luôn đứng đầu bảng trong danh sách các loài thực vật bị trộm” - anh Xiêm chia sẻ. Một trong những điều lo ngại nhất trong công tác quản lý, bảo vệ rừng là tình trạng cháy rừng. “Do đó, chúng tôi phải xây dựng các phương án quản lý, bảo vệ rừng rất cụ thể, nhất là phương án phòng chống cháy rừng. Hiện, chúng tôi đã thành lập 16 Ban chỉ huy phòng chống cháy rừng thực hiện tuyên truyền, ngăn chặn người ra vào rừng vào mùa khô tại các đường mòn, lối đi” – anh Xiêm cho biết.

Để quản lý, bảo vệ tốt Vườn quốc gia Núi Chúa, Ban Quản lý vườn đã ký kết quy chế phối hợp với Đồn Biên phòng Vĩnh Hải, chính quyền địa phương, huyện đội, công an huyện và các thôn lân cận. Trong đó, Đồn Biên phòng Vĩnh Hải giữ vai trò rất quan trọng trong đảm bảo an toàn, an ninh trên địa bàn. Nhờ có sự vào cuộc của BĐBP, tình trạng khai thác trộm lâm sản đã được hạn chế rất nhiều. Hai vấn đề được Ban Quản lý vườn tập trung triển khai thực hiện là tuyên truyền nâng cao nhận thức cho cộng đồng về giữ gìn, bảo vệ rừng và xây dựng những mô hình sinh kế, chuyển đổi nghề cho người dân giảm phụ thuộc vào rừng, đặc biệt là đối với 2 thôn đồng bào Raglai.

Người dân bàn giao rùa biển dính lưới trong quá trình khai thác hải sản cho cán bộ kiểm lâm để thả về biển. (Ảnh: Anh Dũng)

Người dân bàn giao rùa biển dính lưới trong quá trình khai thác hải sản cho cán bộ kiểm lâm để thả về biển. (Ảnh: Anh Dũng)

Anh Xiêm cho biết, Ban Quản lý vườn luôn ưu tiên tuyển dụng người địa phương, đặc biệt là người Raglai vào làm việc trong vườn. Hiện tại, ngoài số viên chức, lực lượng lao động hợp đồng chiếm khoảng 70% cán bộ của vườn. Trong đó, trên 70% là người Raglai tham gia các hoạt động vận chuyển hành khách, hướng dẫn khách du lịch tham quan các tuyến rừng hoặc các tour du lịch trải nghiệm. Việc này giúp người dân địa phương có công ăn việc làm, thu nhập ổn định. Việc tuyển dụng người địa phương vào làm việc tại vườn còn có ý nghĩa về mặt lâu dài, tức là đào tạo được người dân trở thành người bảo vệ rừng, xa hơn nữa, chính những người dân này sẽ trở thành tuyên truyền viên, vận động người thân và cộng đồng cùng tham gia bảo vệ rừng để Vườn quốc gia Núi Chúa mãi xanh tươi.

Chúng tôi gặp anh Cao Văn Thừa, dân tộc Raglai, là nhân viên bảo vệ rừng vừa hoàn thành việc đưa đoàn khách tới tham quan Vườn quốc gia Núi Chúa. Chàng trai trẻ có nụ cười tươi rói, giọng nói khỏe khoắn, rổn rảng bảo rằng: “Trước đây, người Raglai thường vào rừng khai thác lâm sản, đốt rừng làm rẫy, chưa có ý thức bảo vệ rừng. Bây giờ, người Raglai vẫn sống dựa vào rừng nhưng theo cách khác. Bà con không chặt cây, không đốt rừng mà nuôi dê dưới tán rừng, khai thác lâm sản ngoài gỗ như trái cây, mật ong rừng, trồng rừng”.

Được biết, nhằm phục vụ công tác tuyên truyền bảo tồn rừng, Vườn quốc gia Núi Chúa đã thành lập Trung tâm giáo dục môi trường và dịch vụ môi trường. Ngoài tổ chức các hoạt động tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho mọi người về bảo vệ môi trường, trung tâm còn thực hiện cứu hộ động vật, cung cấp dịch vụ leo núi, đi tàu đáy kính, tour du lịch học tập, trải nghiệm. Hiện, vườn đã thiết lập được mạng lưới hơn 2.000 tình nguyện viên bảo vệ rùa biển, bảo vệ rạn san hô. Cùng với đó, khoảng 40 hộ dân đã đăng ký tham gia quản lý, bảo vệ rừng. Các hộ dân này được tổ chức thành các tổ, phân công thành viên trực trên các chốt và thực hiện tuần tra, giám sát rừng, cũng như làm công tác vận động, tuyên truyền người dân thực hiện nghiêm các quy định về bảo vệ rừng. Đặc biệt tại các thôn đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống đã thành lập 4 chốt và các điểm canh gác bảo vệ rừng.

Dẫn chúng tôi đi tham quan Vườn quốc gia Núi Chúa, anh Lâm Văn Tàu, người Raglai vui vẻ cho biết: “Trước đây, tôi làm rẫy, trồng lúa nước và trồng điều. Đời sống gặp nhiều khó khăn do thu nhập thấp. Từ ngày vào làm việc trong vườn, thu nhập của tôi ổn định hơn, đủ trang trải cuộc sống cho gia đình. Hằng ngày, tôi đưa khách du lịch đi tham quan vườn, giới thiệu cho họ các điểm ngắm cảnh, rạn san hô cổ, các loài cây bản địa... Công việc này giúp tôi hiểu rõ hơn giá trị của Vườn quốc gia Núi Chúa. Tôi thấy mình có trách nhiệm hơn trong việc giữ gìn và bảo tồn môi trường xanh, sạch, đẹp tại nơi mình đang sống”.

Tâm sự của anh Tàu cũng là nhận thức chung của nhiều người Raglai mà chúng tôi đã gặp khi đi khám phá Vườn quốc gia Núi Chúa. Với sự tham gia có trách nhiệm của người dân bản địa, chắc chắn Khu dự trữ sinh quyển thế giới này sẽ mãi xanh tươi./.

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất