Cộng đồng quốc tế phải hành động nhanh chóng hơn và cụ thể hơn trong ứng phó với biến đổi khí hậu
Người dân tại khu vực bị ảnh hưởng bởi hạn hán ở thị trấn Laisamis, Marsabit (Kenya), ngày 26/8/2022.

Người dân tại khu vực bị ảnh hưởng bởi hạn hán ở thị trấn Laisamis, Marsabit (Kenya), ngày 26/8/2022.

Trong bài phát biểu tại phiên khai mạc Hội nghị thượng đỉnh các nhà lãnh đạo thế giới thuộc khuôn khổ Hội nghị lần thứ 27 Các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP27) đang diễn ra tại thành phố Sharm El-Sheikh, Tổng thống Ai Cập El-Sisi nhấn mạnh thế giới cần phải vượt qua cuộc khủng hoảng khí hậu hiện nay bằng cách thực hiện những bước đi thực tế, chứ không phải thông qua các khẩu hiệu.

Ông nêu rõ: “Người dân mong đợi chúng ta thực hiện các bước thực tế và cụ thể nhằm giảm phát thải, tăng cường thích ứng với biến đổi khí hậu và cung cấp nguồn tài chính cần thiết cho các quốc gia đang phát triển chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của cuộc khủng hoảng khí hậu hiện nay.”

Tổng thống El-Sisi khẳng định tất cả các nỗ lực nên tập trung vào việc thực hiện các biện pháp kiềm chế tình trạng biến đổi khí hậu. Thế giới vẫn có thể hy vọng về một tương lai tốt đẹp hơn, bất chấp những thách thức toàn cầu đang ảnh hưởng đến khả năng của thế giới trong việc thực hiện các mục tiêu của Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu.

Tổng thống El-Sisi nhấn mạnh tới những nỗ lực của Ai Cập trong việc chống lại biến đổi khí hậu, bao gồm cả việc khởi động Chiến lược quốc gia để giải quyết biến đổi khí hậu. Ai Cập hiện đang đẩy nhanh tốc độ chuyển đổi xanh bằng cách dựa nhiều hơn vào năng lượng tái tạo và giao thông sạch.

Ông cho rằng các nước đang phát triển, đặc biệt là các quốc gia châu Phi, cần được ưu tiên trong chiến lược giải quyết các thách thức của biến đổi khí hậu.

Tổng thống Ai Cập kêu gọi các nước phát triển triển khai các bước bổ sung, nghiêm túc thực hiện cam kết mà họ đã đưa ra nhằm hỗ trợ các nỗ lực thích ứng và giải quyết những tổn thất và thiệt hại do biến đổi khí hậu gây ra ở các quốc gia đang phát triển và kém phát triển nhất.

Tổng thống Ai Cập hối thúc các nhà lãnh đạo thế giới đưa ra thông điệp rõ ràng, bao gồm các bước cụ thể để thực hiện các cam kết khí hậu, đồng thời kêu gọi các nước công bố mức đóng góp quốc gia tự xác định (NDC), nâng tham vọng hành động khí hậu và giới thiệu các sáng kiến để thực hiện các mục tiêu rõ ràng về vấn đề thích ứng và tài chính khí hậu.

Phát biểu tại Hội nghị COP27Tổng thống Senegal đồng thời là Chủ tịch Liên minh châu Phi (AU), ông Macky Sall, đã kêu gọi cộng đồng quốc tế thực hiện đầy đủ tất cả cam kết chống biến đổi khí hậu, cho rằng cam kết cung cấp hỗ trợ tài chính 100 tỷ USD mỗi năm là không đủ và cần nâng lên 200 tỷ USD. Ông Sall nhấn mạnh COP27 là cơ hội mang lại sự thay đổi lịch sử.

Ông khẳng định các nước châu Phi luôn ủng hộ quá trình chuyển đổi xanh công bằng, cho dù mức "đóng góp" của châu lục trong tổng lượng khí thải CO2 toàn cầu rất thấp.

Chủ tịch AU nêu rõ châu Phi mong muốn phối hợp và hợp tác với tất cả đối tác để đảm bảo COP27 đánh dấu một bước ngoặt quan trọng trong nỗ lực giảm tác động của biến đổi khí hậu.

Tại Hội nghị COP27, Thủ tướng Italy Giorgia Meloni nêu rõ: “Bất chấp tình hình quốc tế rất phức tạp, đã bị ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 và gián đoạn do cuộc xung đột Nga-Ukraine, Italy vẫn cam kết mạnh mẽ theo đuổi con đường khử carbon của mình để tuân thủ đầy đủ các mục tiêu của Hiệp định Paris. Chúng tôi dự định theo đuổi một quá trình chuyển đổi để hỗ trợ các cộng đồng bị ảnh hưởng và không để ai bị bỏ lại phía sau."

Thủ tướng Italy nói rằng các quốc gia cần phải làm nhiều hơn nữa để ứng phó thỏa đáng với cuộc khủng hoảng khí hậu, khi nhấn mạnh "chống biến đổi khí hậu là một nỗ lực chung đòi hỏi sự tham gia đầy đủ của tất cả các quốc gia và sự hợp tác thực tế giữa tất cả các tác nhân chính trên toàn cầu”.

Cũng tại COP27, Giám đốc phụ trách khu vực châu Âu của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Hans Kluge nhấn mạnh: "Biến đổi khí hậu và những cuộc khủng hoảng mà nó gây ra từ lâu đã dẫn tới tình trạng khẩn cấp y tế. WHO và các nước đối tác đã lên tiếng báo động (về tình trạng này)."

Ông Kluge kêu gọi những nước tham dự COP27 hành động nhanh chóng hơn và cụ thể hơn trong ứng phó với biến đổi khí hậu.

Theo ông Kluge, để tránh bị phơi nhiễm và tổn thương trước các đợt nắng nóng, cũng như các hiện tượng thời tiết cực đoan khác, các nước cần triển khai gấp các biện pháp thích nghi và giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu, để có thể ứng phó với biến đổi khí hậu và cải thiện sức khỏe của người dân, của xã hội và của hành tinh này.

Ông Kluge nhấn mạnh các vụ cháy rừng thảm khốc ở châu Âu mùa Hè năm ngoái đã thải ra lượng khí thải carbon cao nhất kể từ năm 2007, làm ô nhiễm không khí và cướp đi mạng sống của nhiều người.

Ông Kluge cảnh báo nhiệt độ nóng cực đoan đã gây ra tình trạng sốc nhiệt - nguyên nhân hàng đầu gây tử vong ở châu Âu.

Dựa trên dữ liệu của từng nước, WHO ước tính số người tử vong trên toàn cầu do nắng nóng lên tới 15.000 người vào năm 2022.

Năm ngoái, các hình thái thời tiết cực đoan gây tác động trên quy mô lớn như lũ lụt, bão tố trực tiếp ảnh hưởng tới hơn 500.000 người.

Dẫn báo cáo của Tổ chức Khí tượng thế giới (WMO), ông Kluge cho biết châu Âu là khu vực ấm lên tới tốc độ nhanh nhất trên thế giới, với nhiệt độ cực đoan đã cướp đi mạng sống của hơn 148.000 người trong 50 năm qua.

Theo ông Kluge, WHO dự định sử dụng quyền "tập thể của các nước thành viên WTO để đưa vấn đề y tế vào bất kỳ kế hoạch nào ứng phó với biến đổi khí hậu."

Ông Kluge nhấn mạnh điều cần làm hiện nay là ngăn không để cuộc khủng hoảng khí hậu tiến triển thành thảm họa khí hậu không thể đảo ngược tại khu vực châu Âu nói riêng và trên cả Trái Đất nói chung./.

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất