|
Thói quen tiêu dùng và xả thải đã gây ô nhiễm môi trường trầm trọng. (Ảnh: congthuong.vn)
|
Có lẽ một trong những sản phẩm thông dụng, rẻ và gây ô nhiễm môi trường nhất thế giới đó là túi ni lông và các bao bì nhựa dùng một lần.
Ra đời từ đầu những năm 1970, ngày nay túi ni lông đã trở thành một sản phẩm phổ biến toàn cầu, được sản xuất với tốc độ 1.000 tỷ túi mỗi năm. Túi ni lông thậm chí có mặt ở nơi sâu nhất của đại dương cho đến nơi cao nhất là đỉnh núi Everest, tạo ra thách thức lớn về môi trường.
Sự ra đời của túi ni lông đã mang lại nhiều tiện lợi, nhất là trong việc bao gói hàng hóa, song đến thời điểm này túi ni lông đang là một vấn nạn môi trường và nhiều quốc gia đang tìm mọi cách để loại bỏ.
Người ta tính rằng, vứt bỏ một túi ni lông chỉ tốn 1 giây, nhưng nếu không có sự tác động bởi nhiệt độ cao của ánh sáng mặt trời thì phải mất từ 500-1.000 năm mới có thể phân hủy được. Ước tính, mỗi năm nhân loại sử dụng khoảng 500-1.000 tỷ chiếc túi nilon.
Tại Việt Nam, theo thống kê của Bộ Tài Nguyên và Môi trường, mỗi năm Việt Nam sử dụng hơn 30 tỷ bao bì ni lông, trung bình một hộ gia đình sẽ sử dụng từ 5 – 7 bao bì ni lông/ngày. Đa phần các túi ni lông đều được sử dụng duy nhất một lần rồi thải ra ngoài môi trường tạo thành rác thải.
Đặc biệt, chỉ số tiêu dùng nhựa trên đầu người ở Việt Nam đã tăng gấp 5 lần, tính từ năm 1990 đến nay. Dân số của Việt Nam đứng thứ 15 trên thế giới nhưng lại đứng thứ 4 trong số các quốc gia có lượng rác thải nhựa xả ra biển nhiều nhất thế giới. Thói quen tiêu dùng các sản phẩm nhựa dùng một lần là nguyên nhân chính của tình trạng trên.
Bà Đoàn Vũ Thảo Ly – Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu môi trường và Cộng đồng chia sẻ: Nếu như trước đây, thói quen đi chợ của người dân khá giản tiện, vài tấm lá chuối, cái lạt rơm quấn là xong mớ rau, lạng thịt; hay sử dụng túi cói, làn nhựa để đi chợ thì giờ đây, túi nilon trở thành lựa chọn hàng đầu.
“Không phải không biết rõ tác hại của túi ni lông đối với sức khỏe của bản thân và cộng đồng nhưng đại đa số người tiêu dùng Việt Nam vẫn sử dụng túi nilon như một thói quen khó bỏ. Đến nay, con số đó là hơn 2.500 tấn/ngày và có thể còn hơn. Tính trung bình mỗi gia đình Việt Nam hàng ngày sử dụng khoảng 10 túi nilon các loại”- bà Thảo Ly cho biết.
Theo một dự án Tăng cường công tác giảm thải tại nguồn do UNDP và Chính phủ Canada tài trợ thông qua Chương trình Đối tác Hành động Quốc gia về Nhựa tại Việt Nam (NPAP Việt Nam) được Trung tâm Nghiên cứu Môi trường và Cộng thực hiện tại quận Nam Từ Liêm (Hà Nội), bằng việc hỗ trợ nâng cao vai trò của lực lượng phụ nữ làm nghề đồng nát/ve chai trong việc thu gom, phân loại rác thải nhựa, ước tính mỗi hộ gia đình ở đây mỗi năm thải ra môi trường khoảng 2 kg rác thải nhựa là túi ni lông sử dụng một lần khó phân hủy.
“Đáng lo ngại là trong số đó chiếm đến 10% vỏ ni lông, vỏ túi bibim.. không tái chế được. Và từ năm 2020 đến nay hơn 40 tấn rác thải nhựa không tái chế được đã được dự án thu gom”- bà Thảo Ly chia sẻ.
Báo cáo Nghiên cứu hành vi người tiêu dùng nhựa sử dụng 1 lần năm 2020 thuộc phạm vi dự án “Giảm thiểu Rác thải nhựa đại dương tại Việt Nam” được WWF-Việt Nam tiến hành thì việc sử dụng nhựa dùng 1 lần là một hành vi rất phổ biến. Mặc dù mức độ nhận thức của người dân về tác hại của rác nhựa đã được nâng cao nhất định trong thời gian qua, nhưng thói quen sử dụng nhựa dùng 1 lần chưa có dấu hiệu suy giảm rõ ràng.
|
Người tiêu dùng vẫn đang giữ thói quen sử dụng túi ni lông một lần khó phân hủy trong mua sắm. (Ảnh: congthuong.vn)
|
Trong mua sắm cá nhân, người bán và người mua vẫn giữ thói quen thường xuyên dùng túi ni lông để đựng đồ, dùng cốc nhựa, chai nhựa, ống hút nhựa với đồ uống, kèm thìa, dĩa nhựa trong những phần ăn mang đi… Nhiều người tiêu dùng mong muốn hạn chế sản phẩm nhựa dùng 1 lần, nhưng người bán mặc định cung cấp sẵn. Ngược lại, nhiều người bán muốn hạn chế túi ni lông, ống hút, thìa dĩa nhựa…, nhưng lo ngại việc khách hàng sẽ không hài lòng về dịch vụ.
Nhận thức quyết định hành vi
Đầu năm 2023, PwC đã thực hiện một cuộc khảo sát về “Thói quen tiêu dùng” và kết quả cho thấy rằng người tiêu dùng ngày nay đã quan tâm nhiều hơn về môi trường. Hơn 47% người tham gia khảo sát cho biết họ ưu tiên sử dụng các sản phẩm có thể tự phân hủy. Trước đó, báo cáo của Nielsen năm 2020 cũng chỉ ra rằng 80% người tiêu dùng sẵn sàng chi trả nhiều tiền cho sản phẩm cam kết “xanh” và “sạch” hay được sản xuất từ nguyên liệu thân thiện với môi trường.
Theo chia sẻ của nhà sáng lập Công ty truyền thông GROW trên Tạp chí Forbes, tính bền vững là một trong 5 xu hướng nổi bật của xu hướng tiêu dùng trong năm 2023. Nhận thức của người tiêu dùng đang ngày được nâng cao. Một báo cáo cho thấy 82% người mua hàng, chiếm phần lớn trong đó là thế hệ Gen-Z, mong muốn các thương hiệu thực hiện những hoạt động bền vững và đặt con người làm ưu tiên hàng đầu.
Cũng theo Báo cáo Nghiên cứu hành vi người tiêu dùng nhựa sử dụng 1 lần, nhìn chung người tiêu dùng đã có nhận thức nhất định về vấn đề ô nhiễm nhựa, mặc dù mức độ hiểu biết còn hạn chế. Chỉ có 9,6% những người được hỏi là trả lời đúng về phân biệt các loại nhựa, và 23,1% là trả lời đúng về cách sử dụng đồ nhựa sử dụng 1 lần.
Còn có khá nhiều người không nghĩ đến các tác hại của rác thải nhựa, nhựa dùng 1 lần đối với môi trường tự nhiên. Tuy nhiên, 27,3% người tiêu dùng cho thấy đã nhận thức và hiểu đúng về mối nguy hại khi thường xuyên đựng thực phẩm bằng nhựa sử dụng 1 lần. Về trách nhiệm đối với rác thải nhựa.
|
Hiện nhiều siêu thị đã sử dụng túi thân thiện môi trường thay cho túi ni lông khó phân hủy trong bao gói sản phẩm. (Ảnh: congthuong.vn)
|
Báo cáo cho thấy, chỉ có khoảng 22% những người được hỏi cho rằng “chính tôi cần giảm thiểu rác thải nhựa”, phần lớn người tiêu dùng (43%) cho rằng trách nhiệm này thuộc về xã hội, 35% người được hỏi cho rằng việc sử dụng nhựa dùng 1 lần là nhu cầu xã hội nên khó thay đổi được.
Rõ ràng, thái độ của mỗi người đối với việc giảm thiểu ô nhiễm nhựa có tác động lên nhiều hành vi tích cực hơn.
So với những người xem nhựa dùng 1 lần là nhu cầu của xã hội nên khó giảm thiểu, thì những người đề cao trách nhiệm của bản thân trong việc giảm thiểu rác nhựa có khả năng thực hành các hành vi tích cực nhiều hơn gấp 1,5 lần.
Những người tiêu dùng nhiều khả năng sẽ tăng thực hiện các hành vi tích cực nếu họ thường xuyên bắt gặp người bán gợi ý khách hàng nên hạn chế nhựa dùng 1 lần.
Bà Nguyễn Thị Kim Dung – Trưởng Ban Tuyên giáo - Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam khẳng định: “Người tiêu dùng và cả các doanh nghiệp đều có mong muốn giảm rác nhựa, nhưng thói quen đưa sẵn nhựa dùng 1 lần kèm theo sản phẩm còn đang rất phổ biến, trong khi các lựa chọn thay thế còn nhiều hạn chế. Hơn nữa, có một sự “lệch pha” giữa tâm lý người bán hàng và người tiêu dùng: trong khi người tiêu dùng sẵn sàng trả thêm 1 khoản chi phí nhất định để được sử dụng bao bì thân thiện với môi trường hơn, thì các doanh nghiệp vẫn e ngại khi phải tính thêm chi phí cho khách hàng".
Ông Hoàng Đức Vượng - Chủ tịch Công ty VietCycle cho rằng: Cần phải thay đổi nhận thức thông qua hành vi tiêu dùng và xả thải. Trước kia chúng ta chỉ quan tâm đến phát triển mà không quan tâm đến xử lý chất thải của quá trình phát triển. Nguyên nhân gây ô nhiễm bắt nguồn từ nhận thức và xả thải, các làng nghề tái chế chỉ là nguyên nhân thứ cấp. Đã đến lúc cần thay đổi hành vi tiêu dùng, xả thải, để làm được điều đó ngoài nâng cao nhận thức thì chúng ta cần có chính sách quản lý môi trường toàn diện và có tính tuân thủ và thực thi cao./.
Bài 2: Giải pháp cốt lõi bắt đầu từ chính sách và nhận thức
Thu Hường
Nguồn: congthuong.vn