Các tổ chức quốc tế cam kết tiếp tục hỗ trợ Việt Nam hành động sớm để giảm rủi ro thiên tai
Ngày 16/11/2023, tại Km59+790 thuộc Quốc Lộ 27C sạt lở đất, đá từ taluy dương tràn xuống lấp toàn bộ mặt đường gây tắc giao thông hoàn toàn. (Ảnh minh họa: TTXVN)

Ngày 16/11/2023, tại Km59+790 thuộc Quốc Lộ 27C sạt lở đất, đá từ taluy dương tràn xuống lấp toàn bộ mặt đường gây tắc giao thông hoàn toàn. (Ảnh minh họa: TTXVN)

Tại buổi gặp mặt, bà Pauline Tamesis, Điều phối viên thường trú của Liên hợp quốc tại Việt Nam cho rằng cần có thêm những nghiên cứu, tìm ra các biện pháp sáng tạo để tăng cường hợp tác và hiệu quả trong công tác ứng phó với thiên tai bên cạnh sáng kiến hành động sớm. Muốn làm được như vậy, cần có hệ thống dữ liệu phân tách theo giới tính hiệu quả để có thể giúp các bên ra quyết định kịp thời ứng phó với thiên tai, hỗ trợ những đối tượng dễ bị tổn thương.

Theo bà Đào Thị Hồng, Trưởng Đại diện tổ chức Catholic Relief Services, hơn 20 năm qua, tổ chức này đã hợp tác chặt chẽ với các vơ quan chức năng Việt Nam trong hỗ trợ giảm nhẹ rủi ro thiên tai, cứu trợ khẩn cấp và khắc phục hậu quả thiên tai ở Việt Nam. Đặc biệt, Catholic Relief Services đã tập trung nâng cao năng lực về cách tổ chức, kỹ thuật trong thực hiện hành động sớm trước thiên tai, cứu trợ khẩn cấp. Năm 2023 - 2024, tổ chức này hợp tác với Cục Quản lý đê điều và phòng, chống thiên tai (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) và Ủy ban nhân dân thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam triển khai dự án “Tăng cường hành động sớm để phòng ngừa thiên tai hiệu quả ở miền Trung Việt Nam”.

Bà Đào Thị Hồng hy vọng, cùng với nỗ lực của tất cả các tổ chức có mặt tại buổi gặp mặt, công tác hành động sớm trước thiên tai sẽ mang lại hiệu quả, đồng hành với các hộ dân và cộng đồng giảm thiểu thiệt hai do thiên tai gây ra, đồng thời cũng là hoạt động thiết thực hưởng ứng Tuyên bố Hạ Long về Tăng cường Hành động sớm trong quản lý thiên tai khu vực ASEAN được Hội nghị Bộ trưởng ASEAN về quản lý thiên tai (AMMDM) lần thứ 11 thông qua ngày 12/10/2023.

Bà Ramla Al Khalidi, Trưởng Đại diện thường trú của Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) tại Việt Nam cho biết, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Xây dựng và UNDP đã xây dựng hơn 4.000 ngôi nhà, trồng và khôi phục 4.000 ha rừng ngập mặn, thực hiện 550 khóa đào tạo về Quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng (CBDRM) và cung cấp các thông tin khí hậu cho hơn 62.000 hộ gia đình ở các tỉnh duyên hải miền Trung.

UNDP và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã hoàn thành việc xây dựng và lắp đặt 24 trạm cảnh báo sớm thiên tai tại các xã ven biển có rủi ro thiên tai cao ở 7 tỉnh và sẽ hỗ trợ vận hành vào quý 1 năm 2024. UNDP và Cục Quản lý đê điều và phòng, chống thiên tai hoàn thành khóa đào tạo cho 7 tỉnh miền Trung về sử dụng máy bay không người lái để đánh giá rủi ro, thiệt hại và xác định các tuyến đường/địa điểm sơ tán.

Bà Ramla Al Khalidi cho biết thêm, cảnh báo sớm cho tất cả mọi người phải là chìa khóa cho các hành động sớm và tăng cường khả năng chống chịu. UNDP mong đợi tất cả các đối tác giảm nhẹ rủi ro thiên tai sẽ cùng chung tay và hỗ trợ cho các hoạt động liên quan đến cảnh báo sớm.

Tiến sĩ Rémi Nono Womdim, Trưởng Đại diện Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hợp quốc (FAO) nêu rõ, hành động sớm là cách tiếp cận giúp liên kết có hệ thống cảnh báo sớm với các hành động, nguồn tài chính được bố trí để bảo vệ tính mạng, sinh kế và an ninh lương thực trước thiên tai.

Đại diện cho người dân của một trong những khu vực chịu nhiều ảnh hưởng thiên tai, bà Trương Thị Kim Cúc, Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Triệu Độ, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị đã mô tả những công việc mà người dân ở xã này làm để hằng ngày nâng cao năng lực phòng, chống thiên tai như: tham gia vào quá trình xây dựng kế hoạch phòng, chống thiên tai; học cách sử dụng các thiết bị cảnh báo; cách sơ tán an toàn; cách tái canh tác sau lũ.

Tại buổi gặp mặt, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Chủ tịch Đối tác Giảm nhẹ rủi ro thiên tai Nguyễn Hoàng Hiệp chia sẻ, hành động sớm trước thiên tai không chỉ là định hướng của toàn cầu, không chỉ là Tuyên bố của ASEAN về giảm nhẹ rủi to thiên tai, mà còn là mục tiêu thực hiện trong tương lai gần của các tổ chức, cơ quan, ban ngành trong lĩnh vực phòng, chống thiên tai. Mỗi một thành viên của đối tác, với nguồn lực, thế mạnh của tổ chức sẽ cùng nhau đồng hành với người dân tại các vùng bị ảnh hưởng bởi thiên tai và chủ động nhất có thể trước các sự kiện thiên tai.

Các đại biểu đã cùng nhau điểm lại những kết quả nổi bật của năm 2023 và chia sẻ định hướng hoạt động năm 2024. Bà Pauline Tamesis, Điều phối viên thường trú của Liên hợp quốc tại Việt Nam đã trao kỷ niệm chương của Đối tác Giảm nhẹ rủi ro thiên tai cho Văn phòng đại diện ActionAid Quốc tế tại Việt Nam.

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất