|
Khu vực cứu hộ rùa biển ở Vườn quốc gia Núi Chúa (huyện Ninh Hải, tỉnh Ninh Thuận). (Ảnh: TTXVN)
|
Nằm trọn trong Dự trữ sinh quyển thế giới Núi Chúa, Khu bảo tồn biển Vườn quốc gia Núi Chúa, huyện Ninh Hải, tỉnh Ninh Thuận là một trong những khu vực có hệ sinh thái biển đa dạng và phong phú bậc nhất Việt Nam.
Nơi đây nổi tiếng với những rạn san hô nguyên sơ tuyệt đẹp, cùng nhiều loài sinh vật biển quý, hiếm có ý nghĩa quan trọng trong công tác bảo tồn, nghiên cứu khoa học và phát triển du lịch sinh thái.
Giá trị đa dạng sinh học
Khu bảo tồn biển Vườn quốc gia Núi Chúa có tổng diện tích 7.352 ha, trải dài từ mũi Đá Vách, xã Vĩnh Hải đến Bắc Hòn Chông, xã Thanh Hải.
Khu bảo tồn được chia thành ba phân khu chức năng chính đặt dưới sự quản lý của Vườn quốc gia Núi Chúa.
Trong đó, Khu bảo vệ nghiêm ngặt, diện tích 667 ha, được xác định để bảo toàn nguyên vẹn, giữ nguyên hiện trạng và theo dõi diễn biến tự nhiên của các loài động vật, thực vật thủy sinh và các hệ sinh thái tự nhiên trên biển.
Khu phục hồi sinh thái, diện tích 656 ha, được xác định để triển khai hoạt động phục hồi, tái tạo các loài động vật, thực vật thủy sinh và các hệ sinh thái tự nhiên trên biển.
Khu dịch vụ - hành chính, diện tích 6.029 ha, được xác định để triển khai hoạt động dịch vụ, hành chính, hoạt động thủy sản có kiểm soát.
Ngoài ra, vùng đệm ven biển bao quanh, tiếp giáp với ranh giới Khu bảo tồn cũng được bảo vệ nhằm ngăn chặn, giảm nhẹ tác động gây hại từ bên ngoài.
Theo đánh giá của các nhà khoa học, Khu bảo tồn biển Vườn quốc gia Núi Chúa có giá trị bảo tồn đa dạng sinh học cao. Trong đó, nổi bật nhất là khu hệ sinh thái rạn san hô với sự đa dạng quần xã san hô và quần xã cá rạn, là ví dụ điển hình cho đa dạng sinh học vùng biển ven bờ ở Việt Nam.
Các nghiên cứu và dữ liệu thu thập đã ghi nhận tổng cộng có 310 loài san hô thuộc 60 giống và 15 họ san hô cứng tạo rạn, trong đó có 1 giống mới (Scapophyllia) được ghi nhận cho khu vực phía Tây Biển Đông và 11 loài lần đầu tiên được ghi nhận ở Việt Nam; 297 loài cá biển; 33 loài thú biển; 26 loài chim biển; 24 loài bò sát biển; 174 loài rong biển, 4 loài cỏ biển...
Nhiều loài trong số này có tên trong Sách đỏ Việt Nam và Danh lục đỏ IUCN. Đặc biệt, Khu bảo tồn biển Vườn quốc gia Núi Chúa hiện là một trong những nơi hiếm hoi trên đất liền ở nước ta có quần thể rùa biển gồm các loại đồi mồi, rùa xanh, đồi mồi dứa đến sinh sản hằng năm, được bảo vệ nghiêm ngặt.
|
Cấy nhân giống nhánh san hô trên khung giá thể tại Khu bảo tồn biển Vườn quốc gia Núi Chúa (huyện Ninh Hải, tỉnh Ninh Thuận). (Ảnh: TTXVN)
|
Trong những năm gần đây, việc sử dụng các tài nguyên vùng ven bờ phục vụ cho các mục tiêu kinh tế-xã hội như hoạt động khai thác nghề cá, du lịch... đã và đang mang lại nhiều lợi ích đáng kể cho khu vực này nói riêng và tỉnh Ninh Thuận nói chung.
Song song với việc phát triển kinh tế, tài nguyên vùng ven bờ của khu bảo tồn cũng đang phải đối mặt với hàng loạt các tác động gây áp lực lên công tác bảo tồn như: biến đổi khí hậu, axít hóa đại dương, nước biển nóng lên, khai thác thủy sản quá mức, khai thác hủy diệt, phát triển vùng ven bờ, lắng đọng trầm tích, ô nhiễm rác thải... làm ảnh hưởng đến môi trường sống các loài sinh vật biển trong khu vực.
Trước thực trạng này, tỉnh Ninh Thuận đã huy động các cơ quan quản lý, các nhà khoa học, doanh nghiệp, cộng đồng địa phương cùng tham gia quản lý, bảo vệ, bảo tồn đa dạng sinh học và phát huy các giá trị tài nguyên, đa dạng sinh học, du lịch sinh thái tại Khu bảo tồn biển Vườn quốc gia Núi Chúa.
Các hoạt động có cùng mục tiêu hướng đến nâng cao tính bền vững và toàn vẹn của hệ sinh thái, cảnh quan thiên nhiên, đặc biệt là giá trị đa dạng sinh học của Khu bảo tồn; đồng thời chia sẻ lợi ích hài hòa cho các bên liên quan, ưu tiên lợi ích cho cộng đồng địa phương theo nguyên tắc "bảo tồn để phát triển và phát triển để bảo tồn".
Hướng đến phát triển bền vững
Để phát triển bền vững Khu bảo tồn biển Vườn quốc gia Núi Chúa, tỉnh Ninh Thuận đã ban hành Kế hoạch quản lý Khu bảo tồn biển Vườn quốc gia Núi Chúa giai đoạn 2021-2025, với kinh phí thực hiện trên 3,3 tỷ đồng.
|
Hệ sinh thái rong và cỏ biển thuộc Khu bảo tồn biển Vườn quốc gia Núi Chúa (huyện Ninh Hải, Ninh Thuận). (Ảnh: TTXVN)
|
Kế hoạch triển khai các hoạt động bảo tồn giá trị tài nguyên thiên nhiên, giá trị di tích văn hóa - lịch sử; khai thác hợp lý và phát huy các giá trị của Khu bảo tồn biển Vườn quốc gia Núi Chúa.
Ông Trần Văn Tiếp, Giám đốc Ban Quản lý Vườn quốc gia Núi Chúa cho biết, là đơn vị quản lý Khu bảo tồn biển, Vườn đang tập trung triển khai đồng bộ 5 nhóm nội dung để quản lý, bảo vệ Khu bảo tồn biển Vườn quốc gia Núi Chúa gồm bảo vệ hệ sinh thái rạn san hô, hệ sinh thái rong, cỏ biển, trong đó ưu tiên bảo vệ những loài động, thực vật nguy cấp, quý, hiếm; phối hợp với các đơn vị, địa phương tổ chức tuần tra, thực thi pháp luật; tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức cộng đồng cùng bảo vệ tài nguyên biển; điều tra, theo dõi, giám sát, diệt trừ địch hại rạn san hô; tổ chức hoạt động cứu hộ, cứu chữa và thuần hóa thả rùa về biển.
Vườn quốc gia Núi Chúa đã thành lập và duy trì 3 tổ với 20 thành viên tình nguyện viên người địa phương phối hợp cán bộ của Vườn tham gia công tác bảo vệ tại các trạm bảo tồn biển.
Theo đó, Tổ tình nguyện bảo tồn và cứu hộ rùa biển Bãi Thịt phân công lực lượng trực hàng đêm cứu hộ rùa mẹ lên bãi làm tổ, bảo vệ các tổ rùa đẻ thành công và thả rùa con về biển khi mới nở; đồng thời tham gia với cán bộ Vườn tuyên truyền, giáo dục cho học sinh, sinh viên, khách du lịch, gia đình và cộng đồng địa phương về tầm quan trọng của công tác bảo tồn rùa biển.
Tổ tình nguyện viên bảo vệ rạn san hô – thảm cỏ biển Thái An tham gia tuần tra, giám sát, bảo vệ rạn san hô, cỏ biển, tuyên truyền cho các ngư dân khai thác thủy sản hiểu được tầm quan trọng của rạn san hô, thảm cỏ biển; thực thi các chính sách về bảo tồn rạn san hô, thảm cỏ biển phối hợp với các cơ quan chức năng trên địa bàn xã, kiểm lâm để thực hiện ngăn chặn các hành vi khai thác mua bán san hô trái phép, khai thác hủy diệt, đào bới trong thảm cỏ biển...
Tổ tình nguyện viên bảo vệ thảm cỏ biển Mỹ Hòa tham gia bảo vệ thảm cỏ biển, rừng ngập mặn tại địa phương, tuyên truyền về tầm quan trọng của thảm cỏ, rừng ngập mặn biển đối với nguồn lợi thủy sản, môi trường biển, đa dạng sinh học.
Giám đốc Ban Quản lý Vườn quốc gia Núi Chúa cho hay, đối với hoạt động phát triển du lịch sinh thái, Vườn phối hợp với các đơn vị tổ chức tuyên truyền cho người dân, các công ty dịch vụ lặn ngắm san hô, khách du lịch về giữ gìn vệ sinh môi trường, bảo vệ tài nguyên thiên nhiên, môi trường trong phạm vi Khu bảo tồn biển.
Cán bộ của Vườn phối hợp với tình nguyện viên, hộ dân, lực lượng chức năng của địa phương tổ chức tuần tra cả trên bờ và dưới biển để kịp thời phát hiện và ngăn chặn các hành vi vi phạm.
Thời gian tới, Ban Quản lý Vườn quốc gia Núi Chúa tiếp tục huy động các nguồn lực, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, tổ chức nghiên cứu khoa học trong, ngoài nước điều tra, đánh giá tiềm năng, bổ sung dữ liệu khoa học về tài nguyên và môi trường biển trong phạm vi Khu bảo tồn để làm cơ sở triển khai các dự án bảo vệ môi trường, phục hồi hệ sinh thái biển hiệu quả, bền vững./.
Nguyễn Thành
Nguồn: vietnamplus.vn