(TTĐN) - Tại Việt Nam, Cheo Cheo (Tragulus kanchil) phân bố ở các vùng rừng núi thuộc các tỉnh Lạng Sơn, Đồng Nai, Tây Ninh. Tại Thanh Hóa, loài này được ghi nhận ở Vườn quốc gia Bến En.
|
Loài Cheo cheo (Tragulus kanchil) xuất hiện tại Vườn Quốc gia Bến En, tỉnh Thanh Hóa. (Ảnh: Nguyễn Nam)
|
Ban Quản lý Vườn quốc gia Bến En, tỉnh Thanh Hóa đang triển khai đề tài khoa học “Nghiên cứu đặc điểm sinh học, xây dựng mô hình nuôi sinh sản và đề xuất giải pháp bảo tồn, phát triển loài Cheo cheo (Tragulus kanchil) tại Vườn quốc gia Bến En, tỉnh Thanh Hóa (giai đoạn 2023-2026)" nhằm xác định đặc điểm sinh học, hiện trạng phân bố, sinh cảnh sống, nguồn thức ăn để tìm ra phương án bảo tồn loài thú quý này.
Đến thời điểm này, kiểm lâm viên đã phát hiện loài Cheo Cheo xuất hiện tại 10 tuyến điều tra và xây dựng được mô hình nuôi Cheo Cheo sinh sản với quy mô đàn 20 cá thể tại Khu cứu hộ động vật hoang dã của đơn vị.
Ông Nguyễn Đình Hiếu, Phó Giám đốc Ban Quản lý Vườn quốc gia Bến En cho hay, kiểm lâm viên sẽ thực hiện việc điều tra hiện trạng phân bố, đặc điểm sinh thái, sinh học cơ bản của loài Cheo Cheo tại 10 tuyến điều tra với chiều dài trên 3 km/tuyến; đồng thời, hoàn thành báo cáo điều tra, đánh giá hiện trạng và các mối đe doạ đối với loài này tại vùng đệm.
Bên cạnh đó, Ban Quản lý Vườn quốc gia Bến En sẽ xây dựng mô hình nuôi Cheo Cheo bán hoang dã, tiến hành nghiên cứu đặc điểm sinh học trong điều kiện nuôi bán hoang dã của loài.
Cụ thể như xây dựng mô hình nuôi Cheo Cheo quy mô đàn 20 cá thể, gồm 15 cá thể cái và 5 đực tại Khu cứu hộ động vật hoang dã (Vườn quốc gia Bến En). Hiện, các cá thể Cheo Cheo đang nuôi tại mô hình bước đầu được đánh giá phù hợp với điều kiện môi trường và đang sinh trưởng, phát triển tốt.
Từ mô hình nuôi Cheo cheo, Ban Quản lý Vườn quốc gia Bến En đã phân công cán bộ theo dõi đặc điểm sinh học của loài thông qua sử dụng hệ thống camera, kết hợp quan sát trực tiếp, để ghi chép vào sổ; từ đó thuận lợi cho việc theo dõi, chăm sóc các cá thể hiệu quả hơn.
Thời gian tới, Ban Quản lý Vườn quốc gia Bến En tiếp tục khảo sát tình hình chăn nuôi, mối đe dọa đối với loài Cheo Cheo tại vùng đệm; thực hiện nghiên cứu và nuôi bán hoang dã loài Cheo Cheo. Đơn vị cũng xây dựng bản đồ phân bố Cheo Cheo tại các khu rừng Bến En và mô hình nuôi Cheo Cheo sinh sản.
Thực hiện đề tài khoa học này sẽ góp phần bảo vệ bền vững các hệ sinh thái đặc trưng của các khu rừng Bến En, duy trì ổn định và phục hồi phát triển loài Cheo Cheo quý hiếm. Qua đó, đưa ra các phương án bảo tồn phù hợp nhằm bảo vệ, duy trì sự tồn tại của loài Cheo Cheo, góp phần bảo tồn đa dạng sinh học của tự nhiên.
Theo báo cáo của Ban Quản lý Vườn quốc gia Bến En, loài Cheo Cheo (Tragulus kanchil) là loài sống đơn độc tại các khu rừng hoang, không sống dựa theo bầy đàn, khi gặp kẻ thù sẽ nhảy trốn rất nhanh.
Cheo Cheo thường kiếm ăn vào ban đêm. Đây là loài thú móng guốc nhỏ, có bộ lông ngắn, mịn, bụng trắng, đuôi ngắn, mặt trên xám giống màu lưng, mặt dưới trắng, 2 chân trước thấp hơn 2 chân sau, bàn chân 4 ngón. Con đực có 2 răng nanh dài thò ra ngoài thành nanh, thức ăn của chúng là: chồi, hoa, quả, hạt, cỏ, nấm ngoài tự…
Tại Việt Nam, Cheo Cheo phân bố ở các vùng rừng núi thuộc các tỉnh Lạng Sơn, Đồng Nai, Tây Ninh. Tại Thanh Hóa, loài này được ghi nhận ở Vườn quốc gia Bến En.
Hiện loài Cheo Cheo là động vật quý, hiếm đã có tên trong Sách đỏ Việt Nam, do đó dự án thực hiện nhằm bảo tồn, duy trì nguồn gen loài Cheo Cheo quý, hiếm lâu dài.
Thông qua đó, người dân địa phương nâng cao trách nhiệm bảo vệ tài nguyên thiên nhiên, bảo tồn đa dạng sinh học bền vững tài nguyên rừng tại Vườn quốc gia Bến En./.
Nguyễn Nam
Nguồn: vietnamplus.vn