Bảo tồn động vật hoang dã vì 'sức khỏe' của hành tinh
Hươu chuột tại một cánh rừng ở Việt Nam.

Hươu chuột tại một cánh rừng ở Việt Nam.

Bảo tồn động vật hoang dã chưa bao giờ là muộn

Động vật hoang dã mang lại sự cân bằng và ổn định cho các quá trình của tự nhiên. Bảo tồn động vật hoang dã là hoạt động bảo vệ các loài động thực vật và môi trường sống của chúng - nền tảng quan trọng đối với cuộc sống và sức khỏe của hành tinh.

Theo Bộ Tài nguyên và Môi trường, Việt Nam xếp thứ 16 trong số các quốc gia có đa dạng sinh học cao nhất thế giới và là một trong 10 trung tâm đa dạng sinh học phong phú nhất thế giới với nhiều kiểu hệ sinh thái và nguồn gen khác nhau.

Nghiên cứu của Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn thiên nhiên (WWF) cho thấy với sự trải rộng về vĩ độ, khí hậu Việt Nam đa dạng từ nhiệt đới ẩm ở vùng đất thấp phía Nam đến ôn đới ở vùng cao nguyên phía Bắc. Vì vậy, Việt Nam có sự đa dạng về môi trường tự nhiên và mức độ đa dạng sinh học cao, trở thành “ngôi nhà” của rất nhiều loài động vật hoang dã. Năm nào cũng có những loài mới được phát hiện và ghi nhận.

Việt Nam có hệ động vật vô cùng phong phú: 276 loài động vật có vú, 828 loài chim, 180 loài bò sát, 80 loài lưỡng cư, 472 loài cá nước ngọt và hàng nghìn loài động vật không xương sống đã được xác định. Đây là nơi sinh sống của khoảng 12.000 loài thực vật. Trong đó, khoảng 50% là loài đặc hữu (riêng quần thể khu vực miền Bắc Việt Nam chiếm khoảng 33%).

Nhiều loài đặc hữu có ý nghĩa khoa học và kinh tế lớn. Việt Nam được xác định có 34 loài chim bị đe dọa toàn cầu, 10 loài đặc hữu sống trong rừng có phạm vi hạn chế, 60 loài cá và 4 loài linh trưởng cũng là loài đặc hữu của riêng Việt Nam.

Tuy nhiên, đa dạng sinh học ở Việt Nam đang bị suy giảm nghiêm trọng. Trải qua nhiều thập kỷ khai thác lâm sản quá mức, chuyển đổi mục đích sử dụng đất thiếu quy hoạch, săn bắt và buôn bán động vật hoang dã trái phép đã khiến diện tích rừng tự nhiên bị thu hẹp, nhiều loài động thực vật bị đe dọa, 28% loài có vú, 10% loài chim, 21% loài bò sát và lưỡng cư đứng trước nguy cơ tuyệt chủng.

Kết quả điều tra đa dạng sinh học bằng bẫy ảnh tại Việt Nam trong giai đoạn 2019 - 2023 cho thấy quần thể nhiều loài động vật rừng quan trọng không được ghi nhận và có thể đã suy giảm do việc bẫy bắt vẫn phổ biến trên diện rộng. Theo nhận định của các chuyên gia bảo tồn thuộc Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn thiên nhiên đây là đợt khảo sát về đa dạng sinh học bằng bẫy ảnh hệ thống và toàn diện nhất từng được thực hiện tại Việt Nam. Hoạt động thuộc Hợp phần Bảo tồn đa dạng sinh học - Dự án Quản lý rừng bền vững và Bảo tồn đa dạng sinh học do Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tài trợ.

Để tiến hành điều tra, dự án đã thiết lập 1.176 điểm bẫy ảnh tại 21 khu rừng đặc dụng và rừng phòng hộ trên địa bàn 8 tỉnh, thành phố; thu được hơn 120.000 phát hiện độc lập động vật trong hàng triệu hình ảnh mà bẫy ảnh chụp. Đáng chú ý là việc không ghi nhận được hình ảnh của các loài động vật ăn thịt lớn và động vật ăn cỏ như hổ, báo gấm, sói lửa và sao la - một trong số ít loài thú lớn được phát hiện trong 50 năm qua. Bẫy ảnh chỉ ghi nhận được quần thể voi châu Á tại 2 khu vực dự án và loài thú móng guốc lớn như bò tót tại 1 khu vực dự án. Phần lớn những loài được ghi nhận là những loài có khả năng chống chọi tốt nhất với áp lực săn bắt như các loài khỉ, chồn bạc má và lợn rừng.

Ông Nick Cox, Giám đốc Hợp phần Bảo tồn đa dạng sinh học nhấn mạnh, lần đầu tiên Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn thiên nhiên có dữ liệu để xác nhận quần thể động vật hoang dã của Việt Nam đang bị đe dọa nghiêm trọng. Kết quả điều tra cũng cho thấy những tín hiệu tích cực nhờ có sự đầu tư đúng đắn từ Chính phủ Việt Nam chung tay cùng các tổ chức trong nước và quốc tế bảo tồn động vật hoang dã. Ông nhấn mạnh, bây giờ là “thời điểm vàng” để bắt đầu một chương trình nhân nuôi bảo tồn quốc gia nhằm tái hoang dã các khu bảo tồn, đồng thời duy trì và tăng cường các nỗ lực bảo tồn đa dạng sinh học, đặc biệt là giảm nạn bẫy bắt động vật.

Vượn được thả về rừng thuộc Vườn Quốc gia Tà Đùng. (Ảnh: TTXVN phát)

Vượn được thả về rừng thuộc Vườn Quốc gia Tà Đùng. (Ảnh: TTXVN phát)

Cần chung tay nỗ lực

Các cơ quan quản lý nhà nước, cơ quan thực thi pháp luật của Việt Nam cùng các tổ chức phi chính phủ đã có nhiều nỗ lực, biện pháp và hoạt động nhằm bảo tồn động vật hoang dã, góp phần hạn chế suy giảm đa dạng sinh học.

Khung pháp lý quản lý, kiểm soát hoạt động khai thác, gây nuôi, chế biến, kinh doanh động vật hoang dã của Việt Nam đã tương đối đầy đủ, đồng bộ và phù hợp với yêu cầu thực tiễn. Luật Lâm nghiệp năm 2017 và các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đã quy định rõ các hành vi bị nghiêm cấm, bao gồm săn, bắt, nuôi, nhốt, giết, tàng trữ, vận chuyển, buôn bán động vật hoang dã, thu thập mẫu vật các loài thực vật rừng, động vật rừng… Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017 đã có những điều khoản áp dụng các hình phạt nặng hơn đối với các hành vi liên quan đến động vật hoang dã.

Theo Cục Bảo tồn thiên nhiên và Đa dạng sinh học (Bộ Tài nguyên và Môi trường), Việt Nam đã chủ động tham gia và thực hiện nhiều cam kết liên quan đến bảo vệ động vật hoang dã như: Công ước đa dạng sinh học; Công ước buôn bán quốc tế đối với các loài động, thực vật hoang dã nguy cấp; Công ước Ramsar để bảo vệ các loài, các khu vực đất ngập nước quan trọng có tầm quan trọng đối với các loài chim nước…

Mới đây, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã có tờ trình báo cáo Thủ tướng về việc ban hành Chương trình bảo tồn các loài động vật hoang dã nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Theo đó bảo tồn các loài động vật hoang dã ưu tiên bảo vệ là nhiệm vụ của toàn xã hội, đảm bảo không có thêm loài ưu tiên bảo tồn bị tuyệt chủng. 100% các loài ưu tiên bảo vệ phải có phương án quản lý, giám sát tại các khu bảo tồn thiên nhiên, khu vực đa dạng sinh học cao và cơ sở bảo tồn đa dạng sinh học.

Bộ Tài nguyên và Môi trường đề xuất điều tra, đánh giá hiện trạng quần thể, sinh cảnh sống của các loài ưu tiên bảo vệ trên toàn quốc; định kỳ cập nhật thông tin, dữ liệu và công bố Danh mục loài ưu tiên bảo vệ; đánh giá tình trạng và đề xuất các giải pháp phục hồi sinh cảnh và nguồn thức ăn cho các loài tại các khu bảo tồn thiên nhiên và ngoài khu bảo tồn thiên nhiên. Đặc biệt là ưu tiên phục hồi các sinh cảnh của các loài đang bị đe dọa tuyệt chủng và các loài ưu tiên bảo vệ di cư: voi, sao la, mang Trường Sơn, thỏ vằn Trường Sơn, rùa Trung Bộ, rùa hộp trán vàng miền Trung, gà lôi lam mào trắng, sếu đầu đỏ, cò mỏ thìa, các loài linh trưởng nguy cấp.

Trạm cứu hộ động vật hoang dã Hòn Me (huyện Hòn Đất, tỉnh Kiên Giang) tiếp nhận 4 động vật rừng. (Ảnh: TTXVN phát)

Trạm cứu hộ động vật hoang dã Hòn Me (huyện Hòn Đất, tỉnh Kiên Giang) tiếp nhận 4 động vật rừng. (Ảnh: TTXVN phát)

Đồng hành với Chính phủ Việt Nam trong công tác bảo tồn động vật hoang dã, Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tài trợ Dự án Bảo vệ các loài động vật hoang dã nguy cấp. Với kinh phí 10,5 triệu USD, trong 5 năm (2021 - 2026), Dự án hỗ trợ nâng cao vai trò lãnh đạo trong việc chống buôn bán động vật hoang dã bất hợp pháp bằng cách cải thiện và hài hòa hệ thống pháp luật liên quan đến bảo vệ động vật hoang dã, tăng cường thực thi pháp luật và truy tố tội phạm về động vật hoang dã, giảm nhu cầu và tiêu thụ bất hợp pháp động vật hoang dã.

Dự án vận động sự cam kết của 75 cơ quan Chính phủ và doanh nghiệp cùng với 25 cán bộ lãnh đạo nhằm thực thi các chính sách về chống buôn bán động vật hoang dã trái pháp luật. Dự án đào tạo, tập huấn cho 2.500 cán bộ các cơ quan thực thi và quản lý về chiến lược và kỹ năng phòng, chống buôn bán trái pháp luật động vật hoang dã, tăng cường hợp tác liên ngành và góp phần giảm 30% tình trạng tiêu thụ trái pháp luật các sản phẩm từ các loài động vật hoang dã mục tiêu tại Việt Nam. Dự án triển khai trên phạm vi toàn quốc, tập trung vào những nơi mà các loài động vật hoang dã và sản phẩm động vật hoang dã bị buôn bán và tiêu thụ trái pháp luật như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng và các tỉnh biên giới.

Là một trong những lực lượng chủ chốt về bảo vệ động vật hoang dã của Việt Nam tham gia dự án, Trung tâm Bảo tồn động vật hoang dã tại Việt Nam đã triển khai các hoạt động hỗ trợ an sinh cho động vật hoang dã. Trong 6 tháng triển khai (từ tháng 4 đến tháng 10/2023), Trung tâm đã thực hiện 40 chuyến cứu hộ động vật hoang dã trên 7 tỉnh với hơn 100 động vật thuộc 18 loài khác nhau (bao gồm 32 con tê tê, 18 thú ăn thịt nhỏ, 42 bò sát và 10 linh trưởng). Với tỷ lệ thành công dao động từ 82% đến hơn 90%, Trung tâm đã tái thả 25 con tê tê và các loài khác trở lại môi trường sống tự nhiên. Đặc biệt, Trung tâm đã thành lập Mạng lưới Cứu hộ động vật hoang dã Việt Nam nhằm hỗ trợ, nâng cao năng lực cho các đơn vị cứu hộ động vật hoang dã, phối hợp thực hiện các hoạt động chuyên môn giữa thành viên trong mạng lưới, hỗ trợ đưa ra giải pháp nhanh nhất để chăm sóc kịp thời cho các cá thể động vật hoang dã và tăng hiệu quả trong công tác cứu hộ động vật hoang dã./.

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất